Có lẽ các phương tiện truyền thông cũng đã cạn mĩ từ để ca ngợi “trái táo cắn dở”. Song không thể phủ nhận, trong suốt quá trình phát triển, từ khi được thành lập vào ngày 1/4/1976, thành công vang dội của Apple luôn gắn liền với những giai đoạn được lèo lái bởi Steve Jobs. Thật vậy, có một Apple tham vọng, đầy hứa hẹn dưới sự lãnh đạo của 2 chàng trai trẻ Steve Jobs và Steve Wozniak. Có một Apple hỗn độn, thiếu tầm nhìn khi John Sculley lên nắm quyền và đẩy Jobs ra khỏi công ty. Có một Apple sáng tạo, mạnh mẽ bước lên đỉnh thế giới khi Jobs trở lại. Nay vị CEO huyền thoại này đã vĩnh viễn ra đi, vậy Apple của Tim Cook sẽ ra sao? Liệu Apple có còn giữ những bản sắc mang dấu ấn cá nhân của Steve Jobs? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Apple dưới triều đại Steve Jobs
Bên trong con người Steve Jobs là hai nét tính cách nổi bật. Không nơi nào khác, Apple chính là hiện thân những nét tính cách ấy. Một mặt, ông là người cực kì thông minh, có tầm nhìn chiến lược và con mắt thiết kế tuyệt vời, luôn chú ý tới từng chi tiết nhỏ. Chính vì vậy, các sản phẩm của Apple luôn đơn giản, khác biệt, và sở hữu thiết kế hoàn hảo. Thậm chí, các sự kiện giới thiệu sản phẩm ra công chúng cũng luôn được tổ chức hoành tráng, công phu.
Mặt khác, ông cũng là người có tính khí thất thường, rất nghiêm khắc, bị ám ảnh bởi những hình ảnh và quan sát thế giới qua lăng kính của riêng mình. Vậy nên, Apple luôn có những quyết định lạnh lùng, đôi khi hơi kiêu ngạo và không bao giờ nhân nhượng trước các đối thủ cạnh tranh. Hãng công nghệ này thường xuyên đâm đơn kiện các nhà sản xuất khác vì đã sử dụng trái phép bằng sáng chế của mình. Danh sách này bao gồm Google, HTC, Motorola và cả Samsung. Đơn cử, Jobs không ưa gì chủ tịch Google Eric Schmitdt và hệ điều hành Android:
"Android là một sản phẩm đi ăn cắp. Tôi sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, nếu cần sẽ dùng hết số tiền 40 tỷ USD của Apple trong nhà băng để thực thi công lý. Với Android, tôi sẽ dùng chiến tranh nhiệt hạch" - Jobs nói trong cuốn tiểu sử.
Những thay đổi hậu Steve Jobs
Ngày 5/10/2011, Apple và cả thế giới đón nhận tin buồn: Steve đã vĩnh viễn đi xa. Một lẽ tất yếu, Apple hậu Steve Jobs cần có những sự thay đổi.
Đầu tiên, các chính sách đối ngoại của Apple trở nên mềm mỏng hơn nhiều. Trái với tôn chỉ của Jobs, sau khi ông ra đi, công ty này đã quyết định không tiếp tục chèn ép các đối thủ cạnh tranh nữa mà chủ động kiếm lợi từ hoạt động cấp phép sử dụng sáng chế. Trong một diễn biến gần đây, Apple đang tìm cách thỏa thuận với Samsung và Motorola về mức phí 5-15 USD cho mỗi chiếc smartphone chạy Android của 2 hãng này.
Về mảng thiết kế sản phẩm, hãy nhớ rằng tại Apple Steve Jobs chỉ là người đưa ra tầm nhìn, kiến trúc sư trưởng vẫn là Jonathan Ive. Chừng nào kĩ sư thiên tài này còn tại vị, các dòng sản phẩm mới của Apple sẽ vẫn giữ được thiết kế hoàn hảo, song có đôi chút hoài nghi khi iPhone 4S và iPad thế hệ mới hầu như không có sự thay đổi về thiết kế so với các thế hệ trước đó.
Thay đổi quan trọng nhất của Apple chính là vị trí CEO mà Jobs để lại. Tim Cook không phải là một thiên tài sáng tạo, nhưng là một nhà quản lý tuyệt vời. Có nhiều giai thoại về khả năng quản lý siêu việt của ông này. Chỉ sau một năm làm việc vào Apple, Cook tái cơ cấu lại toàn bộ hệ thống sản xuất, vận hành lưu thông sản phẩm và giúp công ty vượt qua sóng gió. Trong suốt 10 năm qua, những dự đoán của ông này về nhu cầu của iPod, iPhone đều chính xác đến đáng sợ: Tỉ lệ tồn kho của Apple luôn ở mức thấp kỷ lục so với các hãng kinh doanh khác. Tài năng là vậy, song dưới sự lãnh đạo của vị giám đốc điều hành mới này, Apple liệu có phát triển theo con đường của Steve Jobs?
Apple dưới sự lãnh đạo của Tim Cook
Apple mang dấu ấn Tim Cook là 1 Apple có môi trường làm việc thoải mái hơn. Ông thường xuyên gửi thư cho các nhân viên và gọi toàn nhân viên Apple là "1 đội".
Buổi giới thiệu iPad thế hệ mới vẫn được tổ chức theo phong cách của Jobs: Ồn ào, đình đám, thu hút nhiều lời đồn thổi và giấy mực của giới truyền thông. Nhưng những phần chính của buổi thuyết trình lại do phó giám đốc Marketing Phil Schiller đảm nhận. Cách đặt tên iPad thế hệ mới cũng trái với quy luật, New iPad chứ không phải là iPad 3. Logo trái táo cắn dở được chỉnh sửa bằng cách đưa thêm các màu cầu vồng, giống như một lời khẳng định: Apple đang thay đổi.
Mới đây nhất, Tim Cook và Hội đồng quản trị Apple đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông với mức 2,65 USD mỗi cổ phiếu bắt đầu từ tháng 7. Apple cũng sẽ dành 10 tỷ USD để mua lại cổ phiếu trong 3 năm tới. Steve Jobs từng phát biểu, “Tiền mặt giúp Apple an toàn hơn và linh hoạt hơn rất nhiều.” Dù Cook đảm bảo rằng động thái trên không đi chệch con đường mà Apple đã vạch ra, song có thể thấy cách ông quan tâm đến các nhà đầu tư là hoàn toàn khác, thậm chí là đối ngược với Jobs.
Kết luận
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, Tim Cook đã cho thấy ông ta không phải là cái bóng của Steve Jobs như nhiều người vẫn lo ngại. Còn quá sớm để đánh giá khả năng phát triển của Apple trong triều đại này, nhưng vị CEO mới đang chèo lái Apple đi theo cách của riêng mình.