Nhịp sống số

Anonymous – Ẩn danh mà không vô danh

Anonymous là ai? Những tin tặc đang âm mưu làm tê liệt hệ thống mạng đang vận hành cả thế giới? Những chiến binh chiến đấu cho công bằng như các hiệp sĩ giấu mặt?


  • Hacker Anonymous lại “khuấy động” website công quyền
  • Vụ Megaupload: 7 người bị bắt, Anonymous tấn công trả đũa
  • Nhóm hacker khét tiếng Anonymous 'trả đũa' Israel

 

Rất nhiều hình ảnh được vẽ ra xung quanh những người bí ẩn này. Và điều đáng nói hơn là lịch sử của nhóm, cơ chế đã khiến nhóm này tồn tại, có những người ủng hộ và duy trì được quyền lực nhất định. Sự tồn tại của nhóm hacker này có phải cho thấy kỉ nguyên kết nối của chúng ta còn nhiều lắm các mâu thuẫn và vấn đề không dễ gì giải quyết?

Kẻ vô danh được bảo vệ

Anonymous là nhóm hacker nổi danh nhất thế giới hiện nay với hàng loạt vụ tấn công vào các website của các cá nhân, tổ chức, tập đoàn trên toàn thế giới. Do bản chất không chính thức của nhóm nên dù cái tên Anonymous hiện diện khắp nơi nhưng những thông tin cơ cấu tổ chức cũng như các thành viên của nhóm lại hầu như không có, cho đến nay cộng đồng hacker này vẫn khá “vô danh” với giới truyền thông thế giới.

Theo những gì mà thành viên có nickname “coldblood” được coi là phát ngôn viên của nhóm này mô tả thì Anonymous là một nhóm hacker gồm những thành viên rải rác khắp thế giới và không có “đầu não”. Đội ngũ của nhóm này chủ yếu là thanh niên nhưng cũng có những thành viên lớn tuổi là các chuyên gia IT, những người am hiểu về internet có chung lí tưởng với họ. Coldbood cũng cho biết các thành viên của Anonymous đều ý thức được rằng họ đang phạm luật song họ cảm thấy an toàn khi có số đông ủng hộ và có những biện pháp để bảo vệ mình. Nhóm có một số nguyên tắc nhất định trong đó tiêu biểu là nguyên tắc đa số. Khi một thành viên liên lạc qua diễn đàn cộng đồng của nhóm và đề nghị tấn công một nhóm/tổ chức nào đó và được phần lớn thành viên khác đồng ý thì nhóm/tổ chức đó sẽ trở thành mục tiêu của Anonymous.

Đều là những chuyên gia internet am hiểu về cơ sở dữ liệu cũng như cách thức hoạt động của cơ sở hạ tầng mạng, các hacker này có rất nhiều cách vượt qua được các lỗ hổng an ninh để xâm nhập vào máy chủ của các trang web và họ tạo ra những cuộc tấn công nặc danh đúng như tên gọi của mình. Các thành viên khi xác định tham gia Anonymous sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm để tự bảo vệ mình thông qua các thành viên đi trước. Chẳng hạn họ không dùng bất kì thông tin cá nhân nào để tạo tài khoản, không nhắc đến múi giờ, không ngắt kết nối tài khoản Twitter và Facebook cùng lúc, xóa cookies, cache sau mỗi lần lên mạng, sử dụng Private Mode để duyệt web, sử dụng Firefox thay vì IE, dùng các email tạm thời để tạo lập các tài khoản… Ngoài những nguyên tắc cơ bản đó các thành viên này đều có các phương pháp bảo mật bằng nhiều lớp bảo vệ như sử dụng mạng riêng ảo – VPN, mạng lưới ẩn danh I2P, mạng lưới proxy Tor để ẩn đi địa chỉ IP của người truy cập, dùng https, psiphon, CryptoSMS. Cách thức liên lạc phổ biến nhất của các thành viên là IRC (Inetnet Relay Chat) – một dạng liên lạc cấp tốc qua internet với các ứng dụng như XChat, Conversation, Jabber, mIRC. Ngoài ra tổ chức này con liên lạc qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter và trang mạng xã hội riêng của nhóm mang tên Ano+.

Hầu hết các cuộc tấn công mà Anonymous tạo ra là tấn công DDoS (Distributed Denial –of-Service). Một cuộc tấn công DDoS điển hình là cách tấn công từ chối dịch vụ mà các hacker khai thác những lỗ hổng của một hệ thống máy bằng cách tạo rất nhiều những truy nhập/tin nhắn ảo đến mục tiêu tại cùng một thời điểm làm nghẽn hệ thống. Các mục tiêu thường là các server của của các tập đoàn, ngân hàng, cổng thanh toán, hay thậm chí là các DNS root server. Cách máy tính bị xâm nhập dưới cách tấn công này gọi là zombie. Một đội quân zombie hay một botnet được Kapersky Lab và Symantec xác định là mối đe dọa lớn nhất từ internet, nguy hiểm hơn cả thư rác, vi rút hay sâu máy tính. Không chỉ tấn công mạng nhóm hacker này còn tham gia các cuộc biểu tình mà tiêu biểu là cuộc biểu tình chiếm phố Wall gần đây. Tuy nhiên hoạt động trên web và các kênh IRC vẫn là cơ sở tồn tại của Anonymous.

Có mặt tại mọi điểm nóng

Năm 2008, Anonymous phát động một dự án mang tên Chanology để tấn công vào website của Church of Scientology (CoS). Dự án bắt nguồn từ việc CoS yêu cầu bồi thường vi phạm bản quyền về các bài viết liên quan đến một video thực hiện bởi CoS trong đó ngôi sao điện ảnh Tom Cruise ca ngợi việc làm của tổ chức này. Các bài viết mà CoS đề cập đến là từ các kênh IRC và trang 4chan - một trang web chia sẻ hình ảnh thường được Anonymous sử dụng. Sau khi video về Tom Cruise được gỡ xuống trên Youtube theo yêu cầu của CoS, Anonymous đã phát động dự án Chanology để trả đũa những gì mà họ cho là sự kiểm duyệt internet và chiến dịch thông tin sai lạc của CoS. Trong một đoạn video trên Youtube giải thích về hành động tấn công của mình nhóm này thông báo: “Trong những năm qua, chúng tôi đã theo dõi các người. Những chiến dịch thông tin sai lạc, đàn áp bất đồng chính kiến và bản chất các vụ kiện tụng của các người, tất cả đều lọt vào mắt chúng tôi” và “Với sự rò rỉ video tuyên truyền mới nhất của các người, mức độ ảnh hưởng từ sự độc ác của các người đã làm những nhà lãnh đạo tin tưởng và đến xóa sạch chúng tôi. Do đó, Anonymous quyết định rằng tổ chức của các người sẽ bị phá hủy vì lợi ích của nhân loại và sự thưởng thức của chúng tôi”. Cuộc tấn công tổng lực bằng DDoS được Anonymous phát động sau đó đã làm website của CoS nghẽn với lưu lượng 220 Mbps. Theo Jose Nazario một kĩ sư bảo mật cấp cao của Arbor Networks – một công ty chuyên thống kê dữ liệu về các cuộc tấn công internet. Trung bình các cuộc tấn công kéo dài khoảng 30 phút và sử dụng 168 Mbps băng thông. Để hình dung quy mô của chiến dịch thì một cuộc tấn công thông thường sẽ chiếm băng thông khoảng 40 Gbps hay chỉ bằng 1/200 cuộc tấn công của Anonymous vào CoS. Không chỉ dừng lại ở tấn công mạng tổ chức này còn kêu gọi biểu tình bên ngoài trụ sở của CoS với hàng nghìn người tham gia mang mặt nạ Guy Fawkes – chiếc mặt nạ của nhân vật V trong bộ phim hành động nổi tiếng “V for Vendetta”. Chiến dịch Chanology đã gây ấn tượng sâu sắc đến cộng đồng người sử dụng internet và cho đến hiện nay khi nhắc đến Anonymous người ta vẫn hình dung họ là những người mang mặt nạ Guy Fawkes.

 

Tháng 6/2009 biểu tình nổ ra trên khắp đất nước hồi giáo Iran khi Mahmoud Ahmadinejad trúng cử tổng thống. Phản ứng với việc này Anonymous Iran được thành lập và nhóm này thực hiện một dự án trực tuyến với The Pirate Bay cung cấp một công cụ tìm kiếm nhanh các trang web phổ biến bị chính phủ cấm. Anonymous cung cấp cho người dân Iran một diễn đàn an toàn để cập nhật những thông tin trực tuyến về các vụ bạo loạn và liên lạc với thế giới phương tây. Vài tuần sau đó Anonymous đưa ra dự án Skynet để chống lại sự kiểm duyệt trên toàn thế giới. Cũng trong năm 2009 Anonymous đã thực hiện cuộc tấn công vào các trang web của chính phủ Úc. Nguyên nhân được xác định là do nước này có kế hoạch kiểm duyệt internet bằng IPS (introduction Prevention System), kĩ thuật làm chệch hướng bất cứ cuộc tấn công nào đến môi trường được bảo vệ bằng các giải pháp ngăn ngừa xâm nhập. Các hệ thống ngăn ngừa xâm nhập sẽ có toàn quyền kiểm soát lưu lượng của các gói tin mạng và quyết định xem đây là một cuộc tấn công hay là một truy nhập hợp pháp. Để phản đối kế hoạch này Anonymous cảnh báo sẽ tấn công vào các trang web của chính phủ Úc bằng một đoạn video trên Youtube. Mặc là một cuộc tấn công được báo trước cả tháng nhưng các nhà cầm quyền Úc vẫn không đối phó được cuộc tấn công này và ngày 9/9/2009 trang web của thủ tướng Kenvin Rudd cùng một số site khác thuộc chính phủ đã bị đánh sập trong khoảng một tiếng. Chưa dừng lại ở đó những cuộc tấn công của Anonymous tiếp diễn khi Úc thông qua những quy định hạn chế đăng các quảng cáo về những người mẫu quá gầy và không sử dụng trẻ em dưới 16 tuổi trong các quảng cáo quần áo cho người lớn. Đáp lại Anonymous đã tổ chức các cuộc tấn công trong một hoạt động gọi là “Titstorm” và các trang web của chính phủ Úc tiếp tục là đích ngắm của nhóm tin tặc này.

Tháng 9/2010 các cuộc đấu tranh “Operation Payback” của Anonymous được khởi động nhằm vào nhiều tổ chức nhằm trả đũa những hoạt động chống lại mình và đồng minh. Hai công ty MPAA(Motion Picture Association of America) và RIAA(Recording Industry Assocation of Ameriaca) đã thuê công ty phần mềm AIPLEX của Ấn Độ để thực hiện các cuộc tấn công từ chối dịch vụ(DDoS) với Pirate Bay và một số website website chia sẻ bất hợp pháp. Phản ứng với động thái trên Anonymous thông báo sẽ tấn công MPAA, RIAA và AIPLEX: “Danh sánh sẽ bị tấn công gồm RIAA, MPAA và AIPLEX vì các cuộc tấn công của họ chống lại các phương tiện chia sẻ dữ liệu ngang hàng và trang web www.thepiratebay.org. Chúng tôi sẽ ngăn chặn người dùng truy cập các trang web của đối phương và kiểm soát chúng đến hết mức có thể. Nguyên nhân? Anonymous mệt mỏi khi các công ty kiểm duyệt internet vì lợi ích đã lờ đi quyền được phổ biến thông tin của người dân đặc biệt là quyền được chia sẻ với người khác. RIAA và MPAA viện lí do hỗ trợ bản quyền của các nghệ sĩ nhưng họ không làm điều đó. Trong mắt của họ chỉ có dấu hiệu của USD. Anonymous sẽ không chịu đựng lâu hơn”. Ngoài các tổ chức trên Anonymous còn thực hiện các cuộc tấn công vào AFACT (Australia), BPI(Anh),BREIN(Hà Lan), và Websheriff (Anh). Một số website nhỏ không chịu được cuộc tấn công “Operation Payback” sau đó đã sụp đổ.

Mùa thu năm 2010 hoạt động Payback tiếp tục diễn ra và lần này nguyên nhân từ vụ bê bối “Wikileaks” khi trang web này tiết lộ hàng nghìn tài liệu mật về các điện tín ngoại giao của Mỹ và các vụ bê bối tham nhũng của chính phủ các nước khác. Đến tháng 12/2010 Paypal, Mastercard, ngân hàng quốc gia Mỹ và Amazon trở thành những nạn nhân tiếp theo của Anonymous khi các tổ chức này ngăn chặn các hoạt động quyên góp ủng hộ WikiLeaks cũng như phong tỏa tài khoản của Julia Assange - chủ nhân trang WikiLeaks khi ông này bị bắt.

Các cuộc tấn công của Anonymous diễn ra ngày càng nhiều hơn trong năm 2011 mà nạn nhân đầu tiên là sở giao dịch chứng khoán Tunisia và bộ công nghiệp Tunisia. Anonymous đã mở các cuộc tấn công từ chối dịch vụ vào trang web của các tổ chức này vì các hoạt động kiểm duyệt và hạn chế công dân truy cập internet của chính phủ Tunisia. Phản ứng với các cuộc tấn công, cảnh sát Tunisia sau đó đã bắt giữ nhiều blogger và cyberactivists – những người chống đối chính phủ trên internet. Vào tháng 1/2011 Ai Cập trở thành mục tiêu tiếp theo của Anonymous khi chính phủ của tổng thống Mubarak ngăn chặn công dân truy cập Twitter. Tháng 2/2011 CEO của hãng bảo mật HBGary – Aaron Barr tuyên bố đã xâm nhập được vào mạng lưới Anonymous và sẽ thông báo trong một cuộc họp báo tại hội nghị an ninh ở San Francisco. Anonymous sau đó đã phủ nhận những thông tin của Barr và thách thức ông công bố những thông tin nay với báo giới vì cho rằng kết quả tìm kiếm của Barr là hoàn toàn sai lạc. Trang web của HBGary sau đó đã bị xâm nhập vào này 5/2 do bị khai thác những lỗ hổng trong hệ thống quản lí nội dung. Anonymous đã truy cập vào cơ sở dữ liệu của HBGary công bố hàng chục ngàn tài khoản email khách hàng và chiếm đoạt tài khoản Twitter của Barr để trả thù. Ngày 28/2 Aaron Barr đã buộc phải từ chức CEO của HBGary với lí do ông đưa ra là “Tập trung vào chăm sóc gia đình và xây dựng lại danh tiếng”. Vào tháng 4/2011, Sony trở thành mục tiêu tấn công của Anonymous khi công ty này khởi kiện hacker nổi tiếng “GeoHot” vì đã bẻ khóa chiếc máy PlayStation 3 của hãng. Suốt tháng tư PlayStation Network và các trang web của Sony đã bị tấn công bằng DDoS và phải mất hàng tuần để các trang web này hoạt động bình thường trở lại sau các cuộc tấn công.

Ngày 23/8 Anonymous cũng bày tỏ việc ủng hộ cuộc biểu tình chiếm phố Wall bằng một đoạn video đăng tải trên YouTube. Nhóm này bày tỏ quan điểm đồng tình với những người phản đối nền kinh tế đang lung lay của nước Mỹ cũng như các gói giải cứu kinh tế của nhà nước chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ xã hội. Anonymous và những người hỗ trợ họ tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ và cổ vũ các hoạt động biểu tình trên các Blog của nhóm này suốt thời gian qua. Những thành viên và những người chung quan điểm với Anonymous xuất hiện ở khắp nơi với những người mang mặt nạ Guy Fawkers xuất hiện trong các cuộc biểu tình. Phong trào “Chiếm phố Wall” vẫn là một trong những tâm điểm chú ý của các phương tiện truyền thông cũng như dư luận và các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới.

Ngoài những hoạt động nổi bật trên Anonymous còn thực hiện hàng loạt các cuộc tấn công như: Tấn công website của quân đội Israel vì ngăn chặn tàu bè thực hiện các mục đích nhân đạo tiến vào dải Gaza, đe dọa Los Zetas băng nhóm ma túy lớn nhất Mexico vì đã bắt giữ các thành viên của nhóm, Tham gia bắt giữ Chris Forcand kẻ dụ dỗ tình dục trẻ em trên internet, hỗ trợ cuộc biểu tình Wisconsin, tấn công website cảnh sát Tây Ban Nha vì bắt giữ ba thành viên của nhóm, tấn công 91 website của chính phủ Malaysia vì nước này chặn các truy nhập vào Wikileaks và The Pirate Bay…Ngoài ra vào tháng 8 một thành viên với nick name “OP_Facebook” tuyên bố trên Twitter rằng Anonymous sẽ đánh sập Facebook vào ngày 5/11, tuy nhiên sau đó các thành viên Anonymous đã lên tiếng phủ nhận thông tin này và công bố danh tính kẻ phá hoại.

Phản ứng và nhân danh

Trong tháng 12/2010 cảnh sát Hà Lan đã bắt giữ một thanh niên 16 tuổi được cho là thành viên của Anonymous vì hành vi tham gia các cuộc tấn công vào Visa, MasterCard và Paypal trong chiến dịch ủng hộ WikiLesks. Liên quan đến vụ WikiLeaks tháng 1/2011 FBI đã ban hành hơn 40 lệnh truy nã đối với các thành viên của Anonymous tham gia vụ này.

Tháng 1/2011, cảnh sát Anh cũng đã bắt giữ 5 người đàn ông trong độ tuổi từ 15 đến 26 khi nghi ngờ các thành viên này tham gia vào các cuộc tấn công DDoS. Sau vụ việc của công ty Sony cảnh sát Tây Ban Nha cũng đã vào cuộc với việc bắt giữ ba thành viên tham gia các hoạt động vô hiệu hóa các máy chủ trong các cuộc tấn công từ chối dịch vụ. Nhóm này trước đó đã thực hiện hàng loạt các vụ tấn công vào trang web của chính phủ các nước như: Ai Cập, Algeria, Libya, Iran, Chile, Colombia và New Zealand. Quá trình điều tra cho thấy cấu trúc của Anonymous bao gồm các “tế bào” và tại bất kì thời điểm nào cũng có thể phối hợp với nhau để tấn công thông qua việc tải các phần mềm và quá trình quyết định việc tấn công thường được các thành viên thực hiện trong các điểm truy cập công cộng. Cảnh sát Tây Ban Nha và NATO sau đó đã tuyên bố rằng những hoạt động này tương đương với các hoạt động phá hoại thực tế và coi tin tặc là một trong những mối đe dọa đến an ninh quốc gia.

Ngày 13/6 các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kì cũng đã bắt giữ 32 các nhân bị cáo buộc là tham gia vào các cuộc tấn công DDoS trên các trang web của chính phủ. Những thành viên này bị bắt tại các thành phố khác nhau ở Thổ Nhĩ Kì, theo tạp chí PC world các thành viên này tấn công vào trang web của chính phủ Thổ Nhĩ Kì để phản ứng lại sự kiểm duyệt inernet của nhà nước.

Trước các lời cáo buộc của các nhà chức trách và các tập đoàn cho rằng Anonymous là mối đe dọa đối với chính phủ và người dân nhóm hacker này đã biện hộ rằng những hành động gần đây là vì quyền tự do của người dân và thể hiện sự bất đồng chính kiến đối với sự độc quyền của các tập đoàn, sự kiểm duyệt internet. Anonymous cho biết họ không đe dọa cách sống của bất cứ cá nhân nào cũng như không có ý định khủng bố bất cứ quốc gia nào nhưng nhóm cũng tỏ thái độ sẽ đáp trả những hành động bắt giữ của cảnh sát các nước và tuyên bố của các tổ chức gây bất lợi cho họ. Nhóm tin tặc này cũng tuyên bố rằng họ chiến đấu vì một xã hội bất ổn và các quyền tự do cơ bản của con người và chống lại sự thao túng các phương tiện truyền thông.

Anonymous – có nghĩa là ẩn danh - ra đời vào năm 2003 và được tượng trưng cho công đồng người sử dụng Internet ẩn danh. Biểu tượng để mọi người có thể nhận biết về Anonymous chính là chiếc mặt nạ Guy Fawkes - Mặt nạ có một nụ cười ma quái với khuôn mặt trắng bệch của một người đàn ông trung niên. Đây cũng là biểu tượng của “bạo lực cách mạnh 400 năm” về trước, bắt nguồn từ nước Anh trong thế kỉ 17. Guy Fawkes sinh ra tại thành phố York của Anh, ông cảm thấy bất mãn với sự thống trị của hoàng gia. Vào ngày 5/11/1605, ông cùng các bạn đã chôn 36 thùng thuốc nổ dưới nền gạch của toàn nhà quốc hội ở Lôn Đôn, mục tiêu ám sát vua James I. Tuy nhiên, các hành động của ông đã bị bại lộ trước giờ cuộc họp quốc hội diễn ra. Guy Fawkes bị bắt, tuy ông phải là chủ mưu nhưng vẫn bị coi là người châm ngòi nổ thuốc súng. Ông đã bị kết tội phản phản quốc, bị án treo cổ, móc lấy nội tạng và cho xe kéo lê khắp phố phường qua 4 vùng đất ở nước Anh vào năm 1606. Trước khi chết, nhà vua hi vọng Fawkes có thể nói ra những câu tỏ ra khuất phục, nhưng đáp lại, Fawkes vẫn giữ gương mặt có nét cười bí hiểm. Đến năm 1981, hình ảnh về Fawkes với nụ cười mỉm đầy huyền bí bật sống dậy nhờ họa sĩ truyện tranh Alan Moore trên tác phẩm “V for vendetta” được đăng trên một tạp chí truyện tranh. Nhân vật V trong truyện của Moore có một chiếc mặt nạ nụ cười lạnh lùng, khoác trên mình một tấm áo choàng đen và đầu đội mũ phớt chóp nhọn và trở thành một hiệp sĩ luôn đối đầu với chính phủ cầm quyền. Tuy nhiên, cuốn truyện đã bị cấm dừng xuất bản khi ra mắt được 26 tuần, mãi đến 5 năm sau cuốn truyện mới chính thức được phép lưu hành. Một bộ phim có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng vào năm 2006 mang tên “V for vendetta”, được công chiếu rộng rãi cũn đã góp công ruyền bá biểu tượng này.

Theo Thế Giới Số - Xuân Nhâm Thìn