140 ký tự của Twitter mang đến một phương thức truyền tin ngắn gọn, nhanh nhạy thích hợp với thời đại số, nhưng nó có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của giới trẻ?
Năm ngoái, Trung tâm quốc tế về Truyền thông và các vấn đề chung (ICMPA) đã hợp tác với Học viện Salzburg trên lĩnh vực Truyền thông và sự thay đổi toàn cầu để tiến hành một nghiên cứu mang tên Unplugged. Họ tập hợp khoảng 1000 sinh viên thuộc 10 quốc gia, 5 châu lục thực hiện một chuyến đi trong vòng 24 giờ mà không sử dụng bất kì phương tiện truyền thông nào. Không truyền hình, không radio, không điện thoại di động và không internet. Các sinh viên này đến từ các quốc gia như Mexico, Uganda, Lebanon, Mỹ, Chile, Hong Kong, Anh, Trung Quốc, Argentina và Slovakia. Kết quả là nhóm này đã báo cáo về những phản ứng tương đối giống nhau khi bị bắt buộc rời xa những phương tiện thiết yếu của thế kỉ 21.
Phần lớn các sinh viên không phân biệt quốc gia khó có thể tắt các thiết bị hiện đại này. Hoặc là họ phải lừa dối chính bản thân mình hoặc họ thừa nhận không thể nào thoát khỏi “sức hấp dẫn” từ những phương tiện truyền thông đó. Các sinh viên cho biết họ cảm thấy buồn chán, lo lắng và cô đơn khi không được sử dụng chúng. Đặc biệt, họ không thể “sống thiếu” chiếc điện thoại di động, phương tiện có tầm quan trọng ngang “dao quân đội Thụy Sĩ hay áo cứu sinh” của thời đại số.
Trong 15 điều nổi bật được rút ra từ nghiên cứu, có một điều đứng ở vị trí thứ 11: “Tin tức tóm lược trong vòng 140 ký tự là tất cả những gì tôi cần.” Các sinh viên cho biết, họ không có nhiều thời gian để lặn ngụp trong dòng thác lũ tin tức được truyền tải mỗi ngày trên internet. Họ cũng thường chỉ đọc lướt qua tiêu đề tin mà không đào sâu tìm hiểu nội dung hoặc đánh giá nó dưới góc độ cá nhân.
Đối với những người yêu thích việc đọc và nghiền ngẫm, 140 kí tự không thể nào bao hàm được những ý tưởng phức tạp, những nội dung sâu sắc. Làm sao rút gọn được những suy nghĩ phức tạp chỉ trong 140 kí tự hẳn là thách thức lớn với nhiều người.
Tuy nhiên, việc chỉ đọc lướt tin tức hay tiêu đề mà không đào sâu tìm hiểu là việc làm không tốt cho trí não, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Bộ não phát triển nhanh và mạnh nhất ở thời thơ ấu của mỗi người. Tiến sĩ Jay Giedd – nhà tâm thần học đến từ Viện sức khỏe tâm thần quốc gia (Mỹ) cho biết: “Sự phát triển của não bộ không hoàn tất vào năm lên 10, mà nó còn tiếp tục trong suốt thời thiếu niên và có thể kéo dài tới ngoài độ tuổi 20.” Ngoài ra, có một số chức năng thần kinh mà ta chỉ có thể “sử dụng nó hoặc mất nó vĩnh viễn”. Vì thế, nếu thiếu niên nào đang chơi nhạc, chơi thể thao hoặc nghiên cứu khoa học thì các tế bào thần kinh cũng như kết nối thần kinh của họ sẽ rất phát triển và mạnh mẽ. Còn với người chỉ nằm chơi game hoặc xem các video giải trí thì những liên kết này sẽ yếu đi hoặc bị thui chột.
Thanh thiếu niên ngày nay hẳn là những người sử dụng nhiều chất xám để di chuyển giữa các kênh kỹ thuật số và dòng thác thông tin. Nhưng liệu nhận thức của họ còn tốt không khi họ mất đi thói quen đào sâu suy nghĩ, trừ phi có ai đó tweets những điều họ yêu thích?
Những sinh viên trong nghiên cứu trên là những người rất am tường về công nghệ hiện đại, tuy nhiên họ đã quên mất cách thức tổ chức kế hoạch cho một ngày bình thường. Họ cũng lãng quên nhiều niềm vui đơn giản như đi bộ một mình, tự trò chuyện với bản thân hoặc giao tiếp với những người xung quanh mà không cần phải nhắn tin. Họ không biết làm thế nào để sử dụng khoảng thời gian trống khi không có các thiết bị hiện đại bên mình và một số còn nhận ra cuộc sống của họ thực sự rất cô đơn.
Điều rút ra thứ 3 từ nghiên cứu này là: “Các sinh viên nói rằng điện thoại di động là một phần bản thân họ, nên việc đi đâu đó trong 24 giờ mà không có nó giống như họ bị mất đi một phần cơ thể vậy.” Chúng ta hiểu rằng trong thời đại ngày nay, những kết nối quan trọng được thực hiện phần lớn thông qua các thiết bị truyền thông điện tử. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng vẫn còn rất nhiều “kết nối” quan trọng hơn mà bạn chỉ có thể thực hiện bằng chính bản thân mình.