Nhịp sống số

Android, mạng xã hội làm nên bức tranh công nghệ châu Á 2011

2011 thực sự là năm đột phá cho công nghiệp Internet và công nghệ châu Á. Cùng với sự lớn mạnh của thị trường mới nổi, toàn châu Á đang tiến triển với tốc độ khả quan.

 

 

Smartphone và Android “thổi bay” Đông Nam Á

Cuộc cách mạng smartphone đã đạt đỉnh trước đó tại châu Á, phản ứng của công chúng trước Android đã góp phần tạo ra sự đổi ngôi của vài thiết bị trong 12 tháng qua. Lượng điện thoại Android xuất sang Đông Nam Á tăng 1.000% trong năm nay, bản thân hệ điều hành của Google cũng chiếm tới 40% nền tảng smartphone khu vực. Theo biểu đồ mới đây, dự đoán năm 2015, Đông Nam Á sẽ có tới 163 triệu smartphone; cùng phần lớn người dân sống tại đây có dự định mua smartphone làm điện thoại tiếp theo.

Không chỉ có Đông Nam Á mới chịu ảnh hưởng, Android còn khởi động một loạt máy tính bảng và smartphone giá rẻ trên khắp lục địa. Ví dụ, tại Ấn Độ, Android được dùng để chế tạo máy tính bảng rẻ nhất thế giới - máy tính bảng Akash 700.000 đồng và tiếp tục sử dụng trong thế hệ thứ hai vào năm tới. Ngoài ra, 4/5 thị trường ứng dụng Android xếp theo dân số lớn nhất đều thuộc châu Á, một lần nữa khẳng định vị trí quan trọng của khu vực trên bản đồ Android thế giới.

Tiểu blog nở rộ tại Trung Quốc

Hai trong số các dịch vụ tiểu blog (weibo) của người Trung Quốc được Sina và Tencent – hai đế chế Internet cung cấp. Trong khi nhiều người quen thuộc với cụm từ “Trung Quốc bắt chước” ám chỉ hành động sao chép trang web phương Tây, cụm từ này thực sự không công bằng đối với các dịch vụ tiểu blog xuất hiện tại Trung Quốc với nhiều sáng tạo và táo bạo hơn Twitter.

Ví dụ, trong năm 2011, Sina giới thiệu nhiều tính năng mới, bao gồm cả trang chia sẻ video bên cạnh tính năng sẵn có như nhắn tin tức thời, trò chơi… Những bổ sung mới lên tới đỉnh điểm khi Penn Olson lưu ý, diện mạo mới khá giống với thiết kế Twitter mới đưa vào đầu tháng 12. Weibo của Tencent có tính thương mại hóa cao hơn, ngày càng thu hút được chú ý sau khi một số ngôi sao như Cristiano Ronaldo và đội tuyển Barcelona gia nhập Weibo.

Sina và Tencent hiện có hơn 550 triệu người dùng, thậm chí còn lớn hơn số dân Trung Quốc được tiếp cận internet, cung cấp kênh thông tin vô cùng quan trọng. Đối với những người luôn tin rằng weibo của Trung Quốc còn kém xa phương Tây có thể cân nhắc điều này: độ phủ sóng của weibo khắp đất nước châu Á còn lớn hơn nhiều Twitter làm được tại Mỹ, và weibo Sina tăng trưởng 181% năm 2011, xếp hạng thứ 10 trong danh sách mười mạng xã hội lớn nhất toàn cầu theo công ty nghiên cứu comScore.

Tiếp bước Tencent, Sina đang chuẩn bị tung weibo phiên bản tiếng Anh. Thay vì thách thức Twitter, hai công ty đều tìm cách “mở rộng cửa sổ nhìn sang Trung Quốc”, cho phép độc giả không biết tiếng Trung sử dụng dịch vụ của mình. Thực tế, ứng dụng iOS riêng của Sina mang tới trải nghiệm Anh ngữ tuyệt vời.

Mạng xã hội phát triển khắp châu lục

Facebook trở thành mạng xã hội thống trị tại nhiều quốc gia châu Á và Twitter cũng bắt đầu chứng kiến thành công tương tự trong năm 2011. Ví dụ, tại Thái Lan nơi Facebook làm “bá vương”, lượng sử dụng Twitter tăng nhanh trong suốt trận lụt tồi tệ. Rộng hơn, Twitter là phương tiện liên lạc thiết yếu tại Nhật Bản khi xảy ra thảm họa động đất, dù bản thân tiểu blog này không gây được ấn tượng mạnh tại đây.

Rất khó để phân định chính xác lượng người dùng Twitter theo từng nước, tuy nhiên những nghiên cứu ngôn ngữ gần đây có thể cung cấp cái nhìn sơ lược về sự phổ biến của Twitter tại châu Á. Cụ thể, sau tiếng Anh, tiếng Nhật, Malaysia, Thái và Hàn Quốc đều thuộc “top” ngôn ngữ sử dụng nhiều nhất trên Twitter, chứng tỏ dịch vụ được đón nhận trên khắp châu Á.

Đối với Facebook, mạng xã hội ngày càng trở nên quan trọng khi nhiều tổ chức Chính phủ dùng Facebook để tiếp xúc và kết nối với người dân. Chắc chắn, mạng xã hội còn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi lượng người tiếp cận Internet và sở hữu smartphone ngày càng tăng, đưa thêm nhiều tùy chọn truy cập mạng.