Cuộc chiến pháp lý dai dẳng giữa Google và Oracle vừa chạm đến bước ngoặt mới: hệ điều hành Android không vi phạm hai bản quyền phát minh Java thuộc sở hữu của Oracle.
Cùng thời điểm, Apple và Samsung đã không thể giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên trên bàn đàm phán sau buổi gặp gỡ vào đầu tuần này.
Oracle tạm thời lâm vào cảnh "tay trắng" trước Google - Ảnh minh họa: Internet |
Bồi thẩm đoàn: “Google không có tội”
Sau sáu tuần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ tranh chấp, một bồi thẩm đoàn tại bang California đã ra kết luận Google không có hành vi xâm phạm hai bản quyền phát minh liên quan đến ngôn ngữ Java, như cáo buộc trước đó từ Oracle. Điều này được giới quan sát nhận xét sẽ giúp “xua tan bóng mây” đang lởn vởn trên tương lai của hệ điều hành di động nguồn mở Android.
Ngược lại, kết luận mới nhất này là nỗi thất vọng lớn đối với ban lãnh đạo Oracle, cũng như cá nhân CEO Larry Ellison, vốn luôn kiên định với tham vọng buộc Google phải bỏ tiền để mua quyền sử dụng công nghệ Java của hãng mình.
Chân dung CEO Oracle Larry Ellison (trái) và CEO Google Larry Page - Ảnh: Internet |
Trước đó, vào ngày 7-5, một bồi thẩm đoàn tại một tòa án cấp liên bang ở San Francisco, Mỹ đã kết luận Google vi phạm tài sản trí tuệ của Oracle. Cụ thể, gã khổng lồ tìm kiếm bị cáo buộc vi phạm hai bằng sáng chế liên quan đến ngôn ngữ lập trình Java, cũng như đã sao chép trái phép một đoạn mã gồm chín dòng lệnh cho tính năng “rangeCheck” của ngôn ngữ lập trình trên, song lại không thể nhất trí trong việc đánh giá liệu mã nguồn của Oracle đã được Google sử dụng theo nguyên tắc “sử dụng hợp lý” (fair use) (*) hay là không. Đây là vướng mắc chủ chốt khiến Oracle khi đó chưa thể “ăn mừng chiến thắng” một cách trọn vẹn.
Giờ đây, với kết luận mới nhất của bồi thẩm đoàn bang California, Google có thể sẽ chỉ phải trả số tiền 150.000 USD cho việc sao chép chín dòng lệnh tạo nên chức năng “rangeCheck” có trong hai bằng phát minh Java nói trên. Số tiền này rõ ràng là quá nhỏ bé so với mức nhiều tỉ USD mà Oracle đang tìm kiếm ngay từ đầu vụ tranh chấp, và “thậm chí còn không đủ để Oracle chi trả toàn bộ án phí” - theo phân tích của chuyên gia pháp lý Brian Love, giảng viên tại khoa luật của Đại học Stanford, Hoa Kỳ.
Oracle: mọi chuyện vẫn chưa kết thúc
Oracle đã mất nhiều triệu USD án phí để thu lại vỏn vẹn… 150.000 USD tiền bồi thường từ “gã nhà giàu” Google - Ảnh minh họa: Internet |
Mọi thứ vẫn chưa kết thúc, ít nhất là đối với Oracle, khi gần như chắc chắn hãng này sẽ tiến hành kháng cáo bởi câu hỏi về việc liệu bộ API (giao diện lập trình ứng dụng) của ngôn ngữ Java có khả năng bị sao chép hay không vẫn còn để ngỏ.
Song vào thời điểm hiện tại, kẻ chịu thua thiệt nhất về phương diện tài chính vẫn là Oracle.
Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo giữa hai gã khổng lồ của thế giới công nghệ? Thẩm phán William Alsup cho luật sư của Oracle và Google biết ông sẽ chủ trì phiên tòa diễn ra trong tuần tới, để xem xét hai vấn đề trọng tâm: tính khả thi cho một ứng dụng lập trình bằng Java chạy trên nền Android và tính tương thích (với hệ điều hành Android) của 37 gói API mà Oracle cáo buộc Google đã sao chép trái phép.
Tranh chấp Apple - Samsung: hai bên từ chối tiếp tục đàm phán
Chân dung hai vị CEO: Tim Cook (trái) và Choi Gee Sung - Ảnh: Internet |
Trong một diễn biến khác của loạt mâu thuẫn pháp lý trong thế giới công nghệ, hai người khổng lồ Apple và Samsung vẫn bế tắc trong việc tìm kiếm một thỏa thuận chung, bất chấp việc hai công ty trước đó đã buộc phải đàm phán với nhau trong vòng 48 giờ, theo yêu cầu bắt buộc từ tòa án.
Theo tờ Korea Times, dù có sự hiện diện của giám đốc điều hành các bên là Choi Gee Sung (Samsung) cùng Tim Cook (Apple), hai hãng đã không đạt được bất cứ sự thỏa hiệp hay “đình chiến” nào.
Như vậy, phiên tòa chính thức sẽ bắt đầu vào ngày 30-7-2012.
(*) Fair use: tạm dịch là “sử dụng hợp lý”, là khái niệm luật bản quyền chỉ những trường hợp ngoại lệ đặc biệt được phép sử dụng và tiếp cận một (hay nhiều) nội dung đã được đăng ký sở hữu trí tuệ từ trước. Theo luật bản quyền Hoa Kỳ, khái niệm “fair use” cho phép việc sử dụng một cách giới hạn các nội dung, sản phẩm và ứng dụng có bản quyền mà không cần phải xin phép chính chủ.