Cứ mỗi dịp hè về, bên cạnh các hoạt động, kế hoạch vui chơi giải trí của các em nhỏ sau một năm học vất vả là bộn bề lo toan của toàn bộ thế hệ học sinh – sinh viên. Cấp 2 thì lo thi cấp 3, cấp 3 lo thi Đại học và đặc biệt, Sinh viên Đại học thì chạy đôn chạy đáo lo xin việc.
Thời gian này trên các diễn đàn nghề nghiệp không thiếu những topic than vãn về sự khó khăn khi ứng tuyển vào một vị trí nào đó. Bên Ngân Hàng, Kinh tế thì khó khăn ai cũng biết, thời buổi nhà nhà học Ngân Hàng, người người học Tài Chính, cùng với sự “bê bết” của nền Kinh tế hiện tại thì nguy cơ thất nghiệp cao là khó tránh. Trong bối cảnh như thế, những nghành nghề đậm tính kỹ thuật như CNTT tưởng như không dính dáng và ít bị ảnh hưởng cũng phải “lao đao”.
Mới đây thì trên diễn đàn VietDesigner đang xôn xao thảo luận về một chủ đề không mới nhưng rất đáng quan tâm: “Bạn muốn theo đuổi Công Nghệ Thông Tin. “Đừng chết vì thiếu hiểu biết!”
Chủ Topic hiện đang là sinh viên năm cuối của Học Viện Công nghệ Bưu Chính Viễn Thông – cơ sở đào tạo hàng đầu cả nước về CNTT. Nội dung của Topic xoay quanh thực trạng “đau đớn” mà các bạn sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, bước những bước đầu tiên trên con đường tìm kiếm việc làm. Bước vào cánh cổng đại học với hoài bão và những háo hức khám phá về một lĩnh vực mà mới nghe sẽ rất “oai” ( nếu như bạn xem các bộ phim hành động của Hollywood thì sẽ biết vai trò và độ hot của các chuyên gia máy tính, lập trình viên). Nhưng sau 4, 5 năm ngồi ghế giảng đường, bạn thu được gi? Liệu có thể trả lời được câu hỏi tưởng chừng đơn giản: “Công nghệ thông tin là gì?”
Không phải “vơ đũa cả nắm” nhưng có lẽ đang tồn tại một thực trạng tại Việt Nam là hầu hết sinh viên chỉ đến trường, học và thi sao cho đủ điểm số qua môn. Năm cuối thì cũng nghiên cứu, đồ án, bảo vệ, luận văn…nhưng có ai làm vì đam mê, vì mục đích ứng dụng thực tế cho tương lai?? Không, phải đến 90% mà có thể 99,9% làm để có điểm, để tốt nghiệp. Số sinh viên ít ỏi còn lại mới là những người làm vì mục tiêu, ý tưởng thực tiễn.
Với kiểu học chống chế như vậy, sao các bạn lại kêu trời khi không thể tìm được việc như mình mong muốn? Sinh viên CNTT mới ra trường than thân trách phận với rất nhiều lý do để bào chữa cho sự thất bại của mình, ví dụ như:
1. Không tìm được việc làm tương xứng với bằng cấp (thật ư?)
2. Tính chuyển nghành, đổi nghề vì không hiểu và không biết kiến thức mình học áp dụng vào việc gì
3. Ngại làm về CNTT vì lương thấp, áp lực công việc cao
4. CNTT không phù hợp với các bạn nữ
5. Xin việc khó khăn vì ít nơi tuyền, yêu cầu cao như kinh nghiệm làm việc, trình độ..
6. Không có quan hệ.
Chẳng ai muốn học CNTT 4 năm ra trường để đi làm những công việc như thế này
Vâng, còn nhiều lý do khác nữa được các “kỹ sư CNTT tương lai” đưa ra để giải thích cho sự thất nghiệp tạm thời của mình. Nhưng thực tế có đúng như vậy, khó khăn có nhiều đến thế?? Chúng ta hãy cùng tìm lời giải cho từng nguyên nhân được liệt kê ở trên:
1. Không tìm được việc làm tương xứng với bằng cấp.
Bạn quan niệm thế nào là “không tương xứng với bằng cấp”? Có phải là cứ bằng Đại học ra trường, bạn muốn nắm giữ vị trí cao ngay? Không, chẳng công ty, doanh nghiệp nào làm như vậy (trừ khi bạn là người nhà, con cháu các sếp tổng). Ít nhất bạn nên tập trung làm tốt công việc mình được tuyển dụng. Năng lực làm việc là sự thực không thể chối bỏ và là tiêu chí tốt nhất để lãnh đạo cất nhắc bạn. Có bằng cấp, có năng lực và trình độ, sao phải lo về vị trí làm việc không tương xứng.
2. Tính chuyển nghành, đổi nghề vì không hiểu và không biết kiến thức mình học áp dụng vào việc gì.
Nếu bạn thực sự muốn chuyển ngành chỉ vì không biết kiến thức mình có được (thực ra tôi nghĩ bạn chẳng có gì) dùng vào việc gì, thì có lẽ bạn là một sản phẩm thất bại của nền giáo dục đào tạo Việt Nam. Vì sao ư? Bản thân kiến thức và giảng viên không có lỗi. 4 hay 5 năm trên giảng đường bạn có thực sự học và tìm tòi kiến thức cho bản thân? Hay chỉ lên ngồi cho vui bạn vui bè, thi cử “nhăng cuội” cho qua môn? Nếu bạn dám khẳng định là KHÔNG, thì lượng kiến thức bạn thu được sẽ đủ nhiều để bạn yêu nghành mình học và dám “sống chết với nghề”. CNTT cũng là một ngành nghề đặc trưng của khối kỹ thuật, nhưng không hề khô khan. Cùng với sự phát triển của Internet thì có lẽ khái niệm cổ điển về CNTT sẽ thay đổi và phát triển thêm nhiều loại hình khác, thoải mái để cho những sinh viên CNTT chân chính lựa chọn và có được một nghề nghiệp ổn định.
Còn nếu muốn đổi nghề? Trước hết bạn phải xác định, ngành nghề mình định chuyển có những thuận lợi, khó khăn gì, có đáng để đánh đổi thời gian, tiền bạc 4 năm ở trường, cùng kiến thức về CNTT để rẽ sang hướng đi mới?
Tất nhiên, nếu bạn thực sự có khả năng, có tình yêu với hướng đi mới, chẳng ai có thể ngăn trở bạn. Hãy cứ làm điều mình thích, nhưng phải có trách nhiệm, phải “dám làm, dám chịu”, đừng được một thời gian ngắn lại ca bài ca “đẽo cày giữa đường”.
3. Ngại làm về CNTT vì lương thấp, áp lực công việc cao
Nếu chỉ ngại áp lực công việc, chê lương thấp thì có lẽ chẳng có công việc gì phù hợp với những người này cả. Muốn hưởng thành quả thì phải lao động. Bỏ nhiều công sức, tâm huyết thì những trái ngọt sẽ đến với chúng ta. Công việc nào cũng vậy, CNTT cũng thế, khởi đầu bao giờ cũng khó khăn, phải đi từ thấp đến cao mới bền lâu. Và thực tế thì những vị trí cao, lương thưởng hậu hĩnh vẫn có, các doanh nghiệp vẫn đăng tuyển, nhưng bạn có dám ứng tuyển và có chắc mình đủ tài năng để đảm đương những vị trí đó. Đa phần người kêu ca ở lý do này đều rất hạn chế về năng lực, nhưng lại ảo tưởng về bản thân. Nghĩ mình tài năng, cao siêu và xứng đáng hưởng nhiều hơn làm.
4. CNTT không phù hợp với các bạn nữ
Nếu còn giữ suy nghĩ “cổ hủ” như vậy, rất khó để các bạn có được công việc mình mong muôn. Hãy cứ giữ lửa đam mê thì dù nam hay nữ, công việc nào cũng sẽ đem lại cho bạn niềm vui và thành công.
5. Xin việc khó khăn vì ít nơi tuyền, yêu cầu cao như kinh nghiệm làm việc, trình độ.
Thêm một thực trạng đáng buồn đang diễn ra, không chỉ với ngành CNTT. Có thể dễ dàng nhận thấy các thông tin đăng tuyển nhiều vị trí, nhưng tựu trung, kinh nghiệm lại là yếu tố được chú trọng nhiều. Vậy với sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm ở đâu ra?? Thật quá khó để đáp ứng tiêu chí này.
6. Không có quan hệ.
Được nhắc đến sau cùng, nhưng có lẽ đây lại là yếu tố then chốt. Nếu “có quan hệ”, những tiêu chuẩn, yêu cầu kể trên sẽ chẳng kà gì. Nhưng có thực sự cứ “có quan hệ” là được việc? Còn tùy thuộc mức độ quan hệ của bạn, nhưng có lẽ, năng lực l&agragrave;m việc mới là điều quan trọng và đáng quý. Theo thời gian, nếu làm việc tốt, các vị trí chủ chốt sẽ sớm là của bạn mà thôi.
Trước hàng loạt khó khăn mà một sinh viên CNTT mới ra trường gặp phải trong quá trình xin việc thì ý kiến các nhà tuyển dụng như thế nào?
Ý kiến nhà tuyển dụng
Giao lưu với các học viên Aptech về chủ đề "Nghề lập trình - Góc nhìn thẳng" ngày 13/4, ông Bùi Trần Lượng, Giám đốc điều hành Công ty Luvina (chuyên về gia công phần mềm), nói rằng cách nhìn bi quan về nghề CNTT có chăng chỉ là quan điểm của một bộ phận nhỏ trong xã hội. Thực tế tại Luvina, lập trình viên mới ra trường lương khởi điểm là khoảng 5,5 - 6 triệu đồng/tháng nhưng sau 3-5 năm có thể tăng lên 20 triệu đồng/tháng nếu cá nhân đó có phương pháp làm việc hiệu quả, thành thạo ngoại ngữ, có kỹ năng mềm. Còn theo Payscale.com, website chuyên so sánh về lương, bình quân lương kỹ sư phần mềm (với 4 năm kinh nghiệm) ở Việt Nam gần bằng 4/5 ở Trung Quốc, và cao gấp đôi Ấn Độ.
Ông Phan Phương Đạt, Phó Tổng Giám đốc FPT Software
Đồng quan điểm với ông Lượng, ông Phan Phương Đạt, Phó Tổng Giám đốc FPT Software, chia sẻ thực tế tuyển dụng tại công ty này cho thấy điểm yếu của nhiều sinh viên hiện nay là chỉ có kiến thức nền tảng, không được cập nhật công nghệ, thiếu kỹ năng mềm (như giao tiếp, làm việc nhóm), yếu ngoại ngữ, thái độ và phương pháp làm việc. "Điều này khiến các bạn khó bắt nhịp với thực tiễn của doanh nghiệp cũng như phát triển về sau", ông Đạt nhấn mạnh. "Bên cạnh đó, một bộ phận giới trẻ có xu hướng muốn làm giàu nhanh, trong khi ngành phần mềm lao động trí óc căng thẳng nên họ coi đây ngành này lao động vất vả, lương thấp".
Tạm kết
Tựu trung lại các ứng viên cần có Chuyên môn tốt, Giỏi ngoại ngữ (vì đặc thù ngành CNTT tiếo xúc nhiều với kiến thức viết bằng tiếng Anh) thì sẽ chẳng lo thất nghiệp, thậm chí sẽ làm không hết việc. Tất cả phụ thuộc vào chính bản thân từng người bởi CNTT không phải ngành vất vả, áp lực, lương thấp như nhiều người vẫn nghĩ. Có chăng, các cơ sở đào tạo nên đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hướng nghiệp để sinh viên hiểu hơn về tương lai việc làm sau này.
Môi trường làm việc đáng mơ ước của sinh viên CNTT
Các sinh viên CNTT cũng nên tìm hiểu kỹ về công việc mình sẽ theo đuổi, lựa chọn công ty có tầm nhìn phù hợp với định hướng của bản thân để phát triển.Tương lai màu gì, tươi sáng hay ảm đạm, phụ thuộc vào chính sự cố gắng của mỗi người.
Mời bạn xem thêm: Công nghệ sẵn có, sinh viên CNTT học gì?