Đánh giá laptop

Đánh giá Galaxy Ace Plus - Nâng cấp nhưng chưa nâng tầm

Đánh giá Galaxy Ace Plus - Nâng cấp nhưng chưa nâng tầm

Mặc dù còn nhiều lỗi và hạn chế vụn vặt, một số vẫn kế thừa từ phiên bản trước, một số thì thậm chí còn trầm trọng hơn, nhưng trong phân khúc mainstream thì có lẽ Ace plus vẫn là một trong những sản phẩm xứng đáng đưa vào tầm ngắm để bạn băn khoăn khi lựa chọn một chiếc máy mới. Những sự nâng cấp, dù là chưa nhiều, cũng đáng để thử, nhất là khi mức giá của thiết bị không hề được thay đổi. Tuy không phải là best choice trong tầm giá, nhưng nếu bạn là một fan trung thành của Samsung, thì Ace plus vẫn đủ hấp dẫn.

  • Ảnh thực tế Samsung Galaxy Ace plus
  • Samsung giới thiệu Galaxy Ace Plus chip 1Ghz
  • Galaxy Ace Plus chính thức được giới thiệu

Giới thiệu

Kiên trì thực hiện “sứ mệnh” phủ sóng những sản phẩm của mình từ phân khúc cao cấp nhất tới bình dân nhất, Samsung tiếp tục cho ra mắt chiếc Galaxy Ace Plus, một sự thay thế/nâng cấp cho chiếc smartphone thuộc dòng trung cấp Galaxy Ace của hãng, vốn cũng giành được một vài thành công nhất định, đã ra mắt được tròm trèm 1 năm. Với một màn hình lớn hơn và CPU nhanh hơn, nhưng mức giá gần như không đổi, chiếc máy này có thể coi là một lựa chọn tốt trong tầm giá trung cấp - tiệm cận bình dân, tầm giá rất được quan tâm ở các thị trường mới nổi.



Nói về các sự nâng cấp: Samsung tiến hành trang bị cho Ace plus phiên bản HĐH Android Gingerbread 2.3.6, phiên bản Android mới nhất cho điện thoại nếu không kể ICS, và phiên bản mới nhất của giao diện người dùng TouchWiz UI. Hiệu năng cũng được nâng lên đáng kể, thông qua VXL “đạt chuẩn” 1GHz. Họ cũng tiến hành khắc phục nhược điểm bị phàn nàn nhiều của chiếc Ace, đó là khả năng quay video tồi tệ, bằng việc “nâng cấp” chuẩn quay video lên mức VGA với tốc độ 30fps. Bạn có thể dè bỉu khả năng này (vì nó quá tồi trong thế giới các smartphone mạnh mẽ hiện tại, kể cả so với khả năng hỗ trợ video của chính con chip mà nó được trang bị), nhưng phải nói đã là một bước tiến dài từ khả năng quay chuẩn QVGA với tốc độ chỉ 15fps ở chiếc Ace đầu tiên. Dưới đây là các thông số chính của chiếc điện thoại này


Các thông số cấu hình của Galaxy Ace plus

  • Băng tần : GSM 850/900/1800/1900 MHz, UMTS 900/2100 MHz, HSDPA 7.2 Mbps, HSUPA 5.76 Mbps

  • Dạng: Touchscreen bar

  • Kích thước: 114.5 x 62.5 x 11.2 mm, 115 g

  • Màn hình: 3.65" 16M-color HVGA (320 x 480 pixels) TFT capacitive touchscreen

  • CPU: 1 GHz Scorpion processor, Qualcomm S1

  • GPU: Adreno 200 GPU

  • RAM: 512 MB

  • OS: Android 2.3.6 (Gingerbread)

  • Bộ nhớ: 3 GB of inbuilt storage, microSD card slot (up to 32 GB)

  • Camera: 5 megapixel auto-focus, face and smile detection; VGA (640 x 480) video recording at 30fps

  • Kết nối: Wi-Fi b/g/n, Wi-Fi hotspot, stereo Bluetooth 3.0, cổng microUSB,A-GPS, 3.5mm audio jack, stereo FM radio with RDS, TV out

  • Thông số khác: TouchWiz 4.0 UI, built-in accelerometer, multi-touch input, proximity sensor, Swype text input


Các thông số cấu hình của Galaxy Ace plus đều khẳng định nó được dành cho phân khúc tầm trung - dưới. Không thể nói là nó đã “nâng tầm” cho cái tên Galaxy Ace, nhưng chí ít Samsung cũng đã cải tiến những điểm phàn nàn của người dùng trên chiếc máy cũ để cho ra đời một sản phẩm “có vẻ” tốt hơn.
Nếu tìm một chiếc máy thay thế cho chiếc Ace hiện tại của mình, thì Ace Plus không phải là một lựa chọn tồi, với cả sự nâng cấp về phần cứng và phần mềm.

Chiếc Ace plus vẫn khá gọn gàng trong lòng bàn tay

Với màn hình to hơn, chiếc Ace plus đã lớn hơn cả về chiều rộng cũng như chiều cao, nhưng thực tế cũng khó nhận biết về điều này, khi mà phần diện tích được màn hình lấy thêm hầu hết là bằng việc thu gọn cấu trúc của viền bezel vốn khá lớn trên chiếc Ace đầu tiên. Với kích thước 114.5 x 62.5 x 11.2 mm, chiếc Ace mới sẽ không phồng lên trong túi bạn và dễ dàng để thao tác chỉ với một tay. Trọng lượng 115g cũng là nhẹ, nhưng điều đó đến từ việc chất liệu làm nên Ace plus vẫn chủ yếu là nhựa, một điều làm “mất giá” thiết bị đi khá nhiều.

Thiết kế và build-quality

Chiếc Ace Plus không có nhiều khác biệt về thiết kế so với bản gốc, một phiên bản vốn bị phàn nàn vì sự ăn cắp một cách quá đáng thiết kế của iPhone, thậm chí cả về kích cỡ màn hình (3.5inch).Ngay cả những người dùng trung thành với Samsung cũng sẽ chọn ngay chiếc Galaxy S nếu có điều kiện, còn nếu không thể cố gắng được, họ mới chọn chiếc Ace. Nhưng nói chung, có giống hay không không qan trọng, quan trọng là chúng tôi thấy thiết kế này tương đối đẹp.

So sánh với chiếc Galaxy Nexus

Mặt trước của thiết bị được trang bị một màn hình cảm ứng rộng 3.65 inch, với độ phân giải 320x480. Với độ phân giải này, lại trên một màn hình không phải là nhỏ, khiến cho chất lượng hiển thị của màn hình Ace plus thật đáng thất vọng. Mặc dù tấm nền có độ sáng vừa đủ, nhưng độ phân giải thấp khiến hình ảnh và các icon nếu nhìn kỹ có thể thấy “răng cưa”. Góc nhìn chỉ ở mức trung bình, độ tương phản chỉ chấp nhận được khi nhìn chính diện, và sẽ nhanh chóng không thể nhìn thấy gì nếu hơi nghiêng đi một chút.

Màn hình khá nhiều "sạn", phía trên có cảm biến ánh sáng

Màn hình cảm ứng “choán” gần hết mặt trước của Ace plus, phía trên là loa thoại và phía dưới là hàng các nút điều hướng của Android, với phím Home vật lý nổi hẳn lên và hai phím cảm ứng Menu và Back ở hai bên, với đèn nền chỉ sáng lên khi sử dụng. Ngoài ra, ở gần loa thoại cũng có một cảm biến ánh sáng, giúp màn hình tự động tắt khi người dùng thực hiện cuộc gọi

Các phím bấm bố trí dưới màn hình

Mặt sau với bề mặt nhựa trơn được bố trí một camera độ phân giải 5Mpx với 1 đèn flash LED và một loa ngoài. Một trong những điểm chúng tôi thích nhất ở bản Ace đầu tiên chính là nắp lưng làm bằng hợp kim Magie với bề mặt nhẵn bóng, cho cảm giác sang trọng. Nhưng đến chiếc Ace plus, chất liệu này bị thay bằng nhựa, khiến cảm giác chắc chắn khi cầm trên tay gần như biến mất. Tưởng như việc thay thế nắp lưng này sẽ là động thái để Samsung bổ sung các màu nắp lưng khác cho Ace plus, nhưng cho đến hiện tại (và có lẽ cả sau này nữa) thì hoàn toàn không có bất kỳ thông tin nào về điều này.

Mặt sau làm từ nhựa trơn, mất đi cảm giác chắc chắn của nắp lưng kim loại

Cạnh phải được bố trí nút nguồn/khóa mà hình (như nhiều model Samsung khác). Một số người dùng sẽ quen với việc bố trí nút nguồn ở cạnh trên (như khi quen dùng iPhone chẳng hạn), nhưng đó cũng có thể coi là “truyền thống” của mỗi nhà sản xuất.


Cạnh trái với phím tăng giảm âm lượng


Cạnh trên với cổng cắm tai nghe 3.5mm tiêu chuẩn


Cạnh dưới với microphone và cổng microUSB - đồng thời là cổng sạc và kết nối với máy tính

Pin theo máy có dung lượng 1300mAh

Ace plus được trang bị cục pin Li-Ion dung lượng 1300mAh. Hơi khó hiểu, vì ngay cả bản Ace đầu tiên với màn hình nhỏ hơn cũng như cấu hình thấp hơn cũng có cục pin lên đến 1350mAh.

Tóm lại, về thiết kế cũng như build- quality có thể nói như sau: Ace plus là một sản phẩm với thiết kế mang đậm dấu ấn của Samsung và có chát lượng phần cứng khá tốt. Cầm chiếc Ace plus trên tay khá thoải mái, nó không lớn hơn nhiều, mặc dù trên thực tế là nó có màn hình lớn hơn một chút chiếc Ace nguyên bản. Nhưng ở một khía cạnh khác, màn hình lớn hơn trong khi độ phân giải chưa được nâng cấp, vô hình chung đã đẩy mật độ điểm ảnh trên Ace plus chỉ còn 156ppi, khiến cho hình ảnh có nhiều răng cưa hơn (mặc dù phải nhìn kỹ mới có thể thấy). Một điều đáng tiếc cho khả năng hiển thị của sản phẩm đến từ thương hiệu hiện đang sở hữu một loạt các thiết bị với chất lượng màn hình được coi là thuộc “top đầu” trong thị trường công nghệ.

Giao diện TouchWiz 4.0

Chiếc Galaxy Ace Plus chạy trên hệ điều hành Gingerbread 2.3.6 và được cài sẵn giao diện người dùng TouchWiz UI phiên bản 4.0 của Samsung. Khả năng tùy biến đa dạng cũng như hình thức được trau chuốt của giao diện này có thể là không mới đối với đa số những người dùng quen thuộc với dòng Galaxy của Samsung, nhưng vẫn là một trải nghiệm thú vị với những người lần đầu làm quen. Tất nhiên, với những chiếc điện thoại cao cấp thì đã có hứa hẹn nâng cấp lên ICS, còn với Ace plus thì rất tiếc không rõ điều này có xảy ra hay không, nên nếu muốn trải nghiệm phiên bản mới nhất của Android thì hãy cân nhắc thật kỹ trước khi mua chiếc máy này.
Màn hình lockscreen của Ace plus đã được thiết kế lại, được tích hợp thêm việc hiển thị các tin nhắn đến hoặc các cuộc gọi nhỡ, nhưng ngoài ra thì không còn gì thực sự khác biệt. Không có shortcut trên lockscreen để truy cập đến một vài ứng dụng được chỉ định, như một số thiết bị của HTC đã có.

Màn hình Home với khả năng tùy biến đa dạng

Màn hình Home có thể được tùy biến với vô số các widget và tùy chỉnh. Bạn có thể đặt số lượng màn hình lên 3,5 hoặc 7. Bạn cũng có thể sử dụng thao tác pinch-to-zoom để hiển thị ở dạng thu nhỏ các màn hình này, qua đó có thể sắp xếp lại, xóa bớt hoặc thêm.
Trong giao diện mặc định của TouchWiz , bạn có 4 vị trí ở thanh Dock phía dưới màn hình dùng để gán cho các ứng dụng thường xuyên sử dụng nhất, trong đó bạn có thể tùy chỉnh 3 vị trí, còn vị trí của App Drawer thì được giữ cố định.

App Drawer cũng có thể tùy biến không kém

Các tùy chỉnh và thay đồi trong App Launcher cũng được thực hiện với cách thức tương tự như trên màn hình chính: bạn có thể di chuyển, thêm bớt các biểu tượng, tạo và xóa thư mục, sắp xếp lại nội dung,... Bạn có thể lựa chọn hiển thị theo dạng danh sách (list) thay vì dạng lưới như thông thường. Cách hiển thị này giúp bạn có thể duyệt nhanh được các ứng dụng được cài đặt trong máy.

Phần Notification và trình Task Manager

Phần notification cũng đã được thiết kế lại, nhưng chỉ về hình thức, còn đa số các thao tác cũng như phím truy cập nhanh gần như không thay đổi, ngoài một sự bổ sung phím tắt giúp truy cập đến Android Task Manager, với khả năng hiển thị và tắt các ứng dụng đang chạy ngầm của hệ thống. Có nhiều tranh cãi về việc có nên sử dụng tính năng này hay không trong cộng đồng mạng, nhưng phải nói rằng việc quản lý mặc định của Android thật sự chưa được tốt như mong đợi, và nhiều khi chiếm dụng quá nhiều tài nguyên hệ thống cho các ứng dụng mà người dùng không thực sự cần thiết. Do đó, thi thoảng, nếu thấy máy hoạt động chậm, chúng tôi không phản đối việc bạn truy cập vào đây và tắt một vài ứng dụng lỗi.

Kết quả Benchmark

Muốn đánh giá hiệu năng của thiết bị, tốt nhất nên tiến hành các bài test. Chúng tôi kỳ vộng ở thiết bị này một hiệu năng tốt hơn (do được trang bị CPU nhanh hơn) so với chiếc Ace bản đầu.
Các kết quả benchmark phản ánh đúng thực tế là thiết bị này chỉ được trang bị một chip xử lý đơn nhân, do đó không có gì phải xấu hổ khi so sánh nó với các “con quái vật” đa nhân thuộc phân khúc cao cấp cả.
Đây là so sánh nho nhỏ với chiếc Ace (CPU 800MHz) với Ace Plus (CPU 1GHz).

Chiếc Ace Plus

Chiếc Ace bản đầu

Tổng thể, chiếc Ace Plus có một hiệu năng không đến nỗi tồi nếu chỉ so sánh với các thiết bị đơn nhân khác.


Trong suốt quá trình chúng tôi thử nghiệm, Ace plus gần như rất hiếm khi bị treo hay “lag”, nhìn chung là nó chạy khá “mượt mà”, nếu như bạn không tiến hành “thử sức” một bộ VXL đã 3 năm tuổi với các tựa game mới nhất trên thị trường. Chiếc Ace plus cũng hỗ trợ khả năng chơi các nội dung Flash trên trình duyệt, tuy nhiên không hoạt động với các video ở độ phân giải 720p.

Gallery

Ace plus sử dụng trình Gallery mặc định của Android, điều này cũng không lạ lùng gì, vì thậm chí cả các smartphone cao cấp của hãng cũng chỉ sử dụng lại giao diện này. Nó tự động hiển thị các nội dung hình ảnh và video có trong bộ nhớ và load cả các nội dung online như các album trên Picasa chẳng hạn (tất nhiên bạn phải thiết lập và kết nối 3G hoặc Wifi).
Mặc dù là mặc định, nhưng trình Gallery này cũng cung cấp nhiều chức năng đủ, thậm chí là thừa, với người dùng thông thường không có nhu cầu quá cao về chỉnh sửa ảnh. Nó có thể hiển thị với độ phân giải đầy đủ các bức ảnh, hỗ trợ thao tác tap-to-zoom và pinch-to-zoom. Ngoài ra là khả năng chia sẻ hình ảnh qua Bluetooth, email, tin nhắn đa phương, upload lên Picasa hoặc sử dụng chuẩn của DLNA để hiển thị trên các màn hình máy tính hoặc TV có hỗ trợ.

Trình Gallery mặc định nhưng cung cấp đủ tính năng

Nó cũng cung cấp một số thao tác chỉnh sửa hình cơ bản như: crop, xoay, chèn thêm hiệu ứng hình ảnh hoặc các biểu tượng lên hình sẵn có, tinh chỉnh độ sáng, sắc độ, ….
Nói chung, tuy không được chỉnh sửa gì, nhưng ứng dụng này hoạt động và tương thích rất tốt với phần cứng của Ace plus, các thao tác đều thực hiện mượt mà và nhanh chóng.

Trình chơi video

Trình chơi video chỉ ở mức chấp nhận được, hỗ trợ codec hạn chế

Trình chơi video mặc định của Ace plus có giao diện rất đơn giản. Nó hiển thị danh sách các file video được lưu trữ trên bộ nhớ và có thể sắp xếp theo tên, ngày tháng, thể loại và dung lượng. Nó cũng có thể nhớ điểm dừng của lần phát trước để có thể resume lại dễ dàng.
Trình phát này cho phép 3 kiểu hiển thị video với các cách fit màn hình khác nhau. Nó cũng hỗ trợ cả âm thanh giả lập 5.1 cũng như phụ đề. Bạn có thể thay đổi kiểu chữ cũng như hiệu chỉnh việc đồng bộ thời gian của phụ đề, nhưng đáng tiếc là không có tùy chọn load phụ đề bằng tay, bạn buộc phải đặt video và phụ đề cùng tên để chương trình có thể load được.
Chúng tôi hiếm khi phải phàn nàn về khả năng hỗ trợ các bộ codec của các sản phẩm Android đến từ Samsung, nhưng đáng buồn là Ace Plus lại mắc phải vấn đề này. Một điều còn đáng ngạc nhiên hơn nữa, đó là điểm yếu này đã xuất hiện từ chiếc Ace và mặc dù phần cứng đã được nâng cấp nhưng chiếc Ace plus cũng chưa khắc phục được điểm yếu này.
Ace plus không hỗ trợ chạy Divx và XviD (từ nhân của hệ điều hành) và thậm chí cả các video mp4 nặng hay các video chuẩn 720p cũng không thể chạy được. Chúng tôi đoán Samsung đã hiệu chỉnh điều gì đó trong con chip SnapDragon vì con chip này hoàn toàn đủ sức chạy các video như đã kể trên.  

Trình nghe nhạc

Chiếc Ace plus sử dụng trình nghe nhạc của giao diện TouchWiz. Samsung cung cấp một số bộ equalizer chỉnh sẵn dành cho các thể loại nhạc (bạn cũng có thể tự hiệu chỉnh), cung như hỗ trợ các công nghệ DNSe hay giả lập âm thanh 5.1.

Trình nghe nhạc mặc định

Mặc định, các bài hát sẽ được sắp xếp trong 4 mục : All, Playlists, Albums và Artists. Bạn có thể dùng bộ lọc để lọc ra các bản nhạc phù hợp tiêu chí (thể loại, chất lượng,..)
Hình album được bố trí ở chính giữa frame Now Playing, nhưng bạn có thể dễ dàng thay thế nó bằng bộ chỉnh equalizer. Có thể tua bài bằng thao tác vuốt trên màn hình.

Camera

Chiếc Ace Plus có camera chính độ phân giải 5Mpx với đèn LED flash trợ sáng. Độ phân giải tối đa hỗ trợ là 2560x1920 điểm ảnh.

Giao diện chụp ảnh

Giao diện trình chụp ảnh trên thiết bị này tiếp tục “kế thừa” từ các thiết bị trong cùng dòng Galaxy khá: hai thanh option được đặt ở 2 dọc màn hình, với nhiều tùy chỉnh từ chế độ chụp, flash, độ phân giải,...
Mặc dù độ phân giải vẫn được giữ nguyên, nhưng chất lượng hình ảnh thu được từ camera của Ace plus là một bước thụt lùi so với chiếc Ace. Trên chiếc Ace plus, hình ảnh thu được có độ chi tiết kém hơn hẳn và độ chính xác của màu sắc cũng không được tốt.Mặc dù không còn nhiều nhiễu trong các bức ảnh, nhưng chính việc cố gắng giảm nhiễu đó đã vô tình làm giảm độ chi tiết của các tấm hình thu được.

Quay video

Giao diện quay video

Mặc dù có CPU lên tới 1GHz, cho khả năng hỗ trợ quay video chuẩn 720p, thế nhưng chiếc Ace Plus chỉ hỗ trợ quay video ở mức chất lượng VGA, nhưng ít ra hãy còn tốt hơn nhiều mức 15fps trên độ phân giải QVGA ở chiếc Ace.

Trình duyệt web

Giao diện duyệt web

Giao diện của trình duyệt web mặc định trên các thiết bị Android gần như hiếm khi được thay đổi, đó đơn giản là vì, nó gần như đã đạt đến độ hoàn mỹ.

Trình duyệt hỗ trợ các thao tác cả từ pinch to zoom tới double tab to zoom. Khả năng chạy nhiều tab, tự động dồn trang và tìm kiếm trong trang hiện tại, khiến cho về mặt chức năng thì trình duyệt này đã quá đầy đủ cho mục đích sử dụng thông thường.
Trình duyệt này cũng hỗ trợ đầy đủ Flash Player 11 từ Adobe, điều này nghĩa là bạn có thể xem video trên YouTube ngay trên trình duyệt mà không phải sử dụng ứng dụng riêng của YouTube (có thể chạy mượt các video với độ phân giải từ chuẩn 720 trở xuống), và thậm chí có thể chơi các game flash đơn giản.

Tổng kết

Trong khi vẫn cung cấp một trải nghiệm Android tốt và mượt mà cho người dùng, Ace plus không thực sự là một sản phẩm ấn tượng. Nó có sự ổn định và dễ sử dụng, và do đó, chúng tôi nghĩ thiết bị này sẽ dành cho những tín đồ công nghệ ít thời gian tìm hiểu, muốn một chiếc điện thoại chạy trơn tru, dễ làm quen và không hỏng vặt.
Bất kỳ người dùng nào chỉ quen với các dòng điện thoại phổ thông hẳn cũng sẽ thích chiếc Ace plus, trừ mức giá hãy còn tương đối cao (khoảng 7 triệu đồng, cùng mức với chiếc Ace đầu tiên). Chúng tôi hy vọng mức giá này sẽ được điều chỉnh giảm để hợp lý hơn với tính năng của thiết bị.
Mặc dù còn nhiều lỗi và hạn chế vụn vặt, một số vẫn kế thừa từ phiên bản trước, một số thì thậm chí còn trầm trọng hơn, nhưng trong phân khúc mainstream thì có lẽ Ace plus vẫn là một trong những sản phẩm xứng đáng đưa vào tầm ngắm để bạn băn khoăn khi lựa chọn một chiếc máy mới. Những sự nâng cấp, dù là chưa nhiều, cũng đáng để thử, nhất là khi mức giá của thiết bị không hề được thay đổi. Tuy không phải là best choice trong tầm giá, nhưng nếu bạn là một fan trung thành của Samsung, thì Ace plus vẫn đủ hấp dẫn.