Nhiều người cho biết họ không thể trải qua một ngày mà không vào mạng xã hội. Xu hướng này đặc biệt tăng trên các thiết bị di động.
Cuộc khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường độc lập Vision Critica trong tháng 5-6 với hơn 3.800 người ở độ tuổi từ 21 đến 31 tại 15 vùng, lãnh thổ, trong đó có 1.443 người châu Á tham gia. Hơn một nửa (55%) người châu Á được khảo sát xem việc sử dụng thiết bị cá nhân của họ tại nơi làm việc như một quyền hơn là một đặc ân. Có 59% trong số 1.443 người châu Á thừa nhận họ không thể trải qua một ngày mà không truy cập vào các mạng xã hội, 67% không thể không nhắn tin mỗi ngày.
Khảo sát cũng cho rằng sự phụ thuộc vào các thiết bị di động của người châu Á cao hơn so với mức trung bình trên toàn cầu là 35% đối với các mạng xã hội và 47% đối với tin nhắn SMS.
Người dùng mang thiết bị cá nhân đến nơi làm việc và truy cập mạng xã hội. Ảnh: Kiên Cường. |
Việc đem thiết bị cá nhân tới nơi làm việc dẫn tới khả năng quản lý không chặt chẽ các yếu tố rủi ro kinh doanh và nhân viên làm trái với chính sách của công ty. Trên thực tế, gần một nửa (47%) đối tượng khảo sát người châu Á thừa nhận họ đã hoặc sẽ làm trái với qui định của công ty về việc cấm sử dụng các thiết bị thuộc sở hữu cá nhân cho công việc.
Ngoài ra, các thiết bị cá nhân sẽ gặp khả năng lớn về việc mất mát dữ liệu và các mối nguy hiểm độc hại từ ứng dụng công nghệ thông tin. “Trong khi người dùng muốn sử dụng các thiết bị của riêng họ cho công việc, phần lớn là vì sự tiện lợi cá nhân nhưng lại không muốn chuyển trách nhiệm bảo mật các thiết bị của mình cho doanh nghiệp", ông Patrice Perche, Phó Chủ tịch cấp cao bộ phận kinh doanh và hỗ trợ quốc tế của hãng cung cấp thiết bị bảo mật mạng Fortinet, phân tích.
Rõ ràng các doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức to lớn về việc dung hòa giữa an ninh thông tin và việc sử dụng thiết bị cá nhân của nhân viên, đại diện Patrice Perche khẳng định.