- Desktop lai tablet
- PC gồm hai hệ điều hành
- Desktop sử dụng Android
- Sự trở lại của Microsoft
Hội chợ công nghệ được xem là lớn nhất hành tinh của năm, Computex, như vậy đã kết thúc. Đây có lẽ là lúc chúng ta nên ngồi xuống, làm một ly cà phê và nhìn lại, xem hội chợ năm nay đã để lại những gì. Máy tính cá nhân (PC) là điểm nhấn lớn nhất tại Computex năm nay.
Với xu thế di động ngày càng trở nên phổ biến, không hoài nghi về việc Computex 2012 sẽ tập trung vào các sản phẩm kiểu như laptop hay tablet. Và PC lại một lần nữa chuyển mình, không phải để tách rời, mà để hoà nhập với xu thế mới. Vẫn CPU đấy, RAM đấy, chipset đấy... nhưng hình hài đã biến đổi ít nhiều.
Laptop có màn cảm ứng
Bạn có thích cảm giác "chọt chọt" lên một màn hình? Nhưng bạn vẫn thích có một bàn phím thật để nhập liệu? Bạn sẽ thích chiếc Aspire S7 của Acer. Không chỉ là ultrabook, Aspire S7 còn kèm theo một màn hình cảm ứng. Với cự ly làm việc chỉ cách màn hình ~ 50 cm như laptop, ý tưởng này hoàn toàn không tệ. Và rất có thể sẽ có nhiều hãng sản xuất PC sẽ đi theo Acer. Lẽ dĩ nhiên, không có gì bắt buộc bạn chỉ dùng cảm ứng hoặc chuột để điều khiển chiếc máy. Nếu muốn chơi game hay thao tác chính xác, cứ việc cắm thêm chuột vào. Cực kỳ đơn giản!
Vừa gõ vừa chạm, tại sao không?
Vấn đề duy nhất với dạng laptop này là giá thành, vì màn cảm ứng hẳn sẽ đắt hơn màn thường.
Hệ điều hành đôi
Một chiếc PC sử dụng nhiều hệ điều hành (HĐH) không phải điều gì mới. Với một vài hiểu biết nhất định về cơ chế khởi động (boot), một người dùng PC có thể vừa chạy Linux lẫn Windows hoặc Mac OS trên máy của họ. Song điều này vẫn chưa "lan tới" Android, một phần cũng vì HĐH này còn mới và nó chỉ tập trung trên smartphone hoặc tablet.
Chiếc PC lai tablet, AiO, của ASUS là một trong các model đầu tiên cho phép bạn trải nghiệm cả hai HĐH của Google (GG) và Microsoft (MS) trên cùng một thiết bị. Khi bạn để nguyên "cục", Aio sẽ chạy Windows. Khi bạn gỡ chiếc màn hình ra, thì phần bạn cầm và "chọt" trên tay là một chiếc tablet. Chỉ một vấn đề "nhỏ", chiếc tablet này có kích cỡ tới... 18,4 inch! Và chắc chắn là nó không hề nhẹ.
Tại sao phải chọn một trong hai thay vì có cả hai?
Nhưng về ý tưởng, chiếc desktop lai tablet không tệ. Chỉ không rõ liệu thị trường sẽ đón nhận nó như nào.
Laptop màn hình đôi
Bạn có nhớ một số chiếc phone có hai màn hình? Chúng không phổ biến lắm song về ý tưởng rất thú vị: khi cần thao tác chi tiết thì bạn dùng màn hình lớn bên trong và nếu chỉ cần đọc sơ qua vài thứ thì chiếc màn nhỏ bên ngoài là đủ. Chiếc laptop hai màn ở năm nay cũng vậy.
Tablet này hơi... nặng!
Asus Taichi với một màn truyền thống ở phía sau, nhập liệu bình thường như bao laptop khác. Chiếc màn còn lại ở mặt ngoài có tính năng cảm ứng mà khi gập lại, sẽ trở thành bề mặt tablet. Song cũng tương tự chiếc Aio ở trên, kích thước & trọng lượng sẽ là vấn đề với một chiếc tablet. Dù sao, nếu bạn không thích dùng như tablet, bạn vẫn có thể chia sẻ nó như một màn hình phụ thứ hai. Giả dụ bạn lướt web ở màn hình trong, và xuất phim ra màn hình ngoài cho người thân xem chẳng hạn.
Android cho desktop
HĐH do GG làm ra vốn được định hướng riêng cho smartphone & tablet. Nhưng bạn thích đưa nó xuống desktop thì sao? Chỉ đơn giản là để biến chiếc HTPC của mình thành một Smart TV vậy? Giải pháp VCD22 do Viewsonic cung cấp sẽ đáp ứng nhu cầu trên. Trên thực tế, VCD22 là một chiếc desktop "trọn bộ" (all-in-one hay AIO) có màn hình kích thước 22-inch. Dù sao, có thể nhiều người sẽ muốn HĐH Windows hơn. Song bạn có thể tiết kiệm kha khá chi phí bản quyền khi dùng Android.
PC sẽ lại là "của" MS?
PC mà chúng ta dùng ở đây, không chỉ thuần là desktop hay laptop, hay bất kỳ cỗ máy nào dùng chip x86. PC theo định nghĩa mới, là bất kỳ thiết bị tính toán gì nhưng cho phép người dùng cá nhân khai thác mọi ứng dụng tài nguyên thông thường mà chiếc PC "cũ" cho phép. Nếu bạn lướt web hay gõ văn bản hay chơi game trên chiếc tablet, thì rõ ràng nó là một PC (máy tính cá nhân).
MS sẽ lại làm mưa gió trên tablet?
Tại Computex, chúng ta đã thấy nhiều chiếc tablet dùng chip ARM nhưng chạy Windows RT của MS. Dĩ nhiên vẫn có các vấn đề về tương thích ứng dụng, giữa kiến trúc x86 và ARM. Song theo thời gian, MS có thể khắc phục dần các vấn đề trên. Dù sao, hãng khổng lồ phần mềm này có không ít kinh nghiệm làm việc với nhiều kiến trúc điện toán khác nhau. Trong quá khứ Windows đã từng hỗ trợ kiến trúc DEC Alpha, MIPS, PowerPC, Itanium (IA-64). Riêng phiên bản Windows CE (tiền thân của Windows Mobile và Windows Phone) cũng hỗ trợ kiến trúc ARM. Do vậy không quá khó khăn nếu MS muốn hỗ trợ hoàn toàn ARM trên các phiên bản Windows tiếp theo, mà điển hình là Windows 8.
Liệu chăng Apple và GG sẽ đuổi kịp MS trong cuộc chơi HĐH? Chỉ có thời gian mới trả lời được điều này.
Tham khảo PC & Tech Authority.