Nhịp sống số

5 dự đoán về thị trường công nghệ năm 2012

>Như thông lệ, cứ vào đầu năm, các nhà nghiên cứu lại thích tự mình tạo ra nguy cơ bị “ném đá” khi đưa ra một dự đoán về bộ mặt của thị trường công nghệ trong năm đó (tất nhiên là nếu sự tận thế diễn ra vào năm nay thì điều này sẽ không xảy ra - LOL). Trừ phi có những sự cách tân và đột phá trong công nghệ, nếu không thì việc dự đoán các xu hướng công nghệ cho năm tiếp theo thường là khá dễ dàng, nếu ta nghiên cứu kỹ những biến động trên thị trường công nghệ năm vừa qua. Sau đây là 5 dự đoán của Yeulaptop về thị trường công nghệ năm 2012.

Ultrabook, nhiều hơn nữa


Dự đoán đầu tiên của chúng tôi có lẽ là “xưa rồi diễm” vì bản thân ngay trong năm nay, cũng có nhiều người đã tiên đoán về khả năng lên ngôi của Ultrabook trong những năm tới, khi chứng kiến sự ra mắt của hàng loạt các sản phẩm, ngoài ra còn vô số mẫu concept và thậm chí là các sản phẩm đã có kế hoạch ra mắt cụ thể trong năm 2012 này, khi mà ngày càng nhiều nhà sản xuất máy tính lớn hào hứng nhảy vào thị trường béo bở này. Tất cả là nhờ vào sự thành công của phân khúc các thiết bị máy tính xách tay mỏng và nhẹ năm vừa qua, mà tiêu biểu là doanh số hết sức ấn tượng của Macbook Air, sản phẩm đã chỉ ra cho người tiêu dùng rằng, sử dụng một sản phẩm siêu mỏng và siêu nhẹ là tuyệt vời như thế nào.
 

Không chỉ sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những máy Ultrabook trên thị trường, mà điều này sẽ thực sự trở thành một sự bùng nổ, khi mà ngay cả định nghĩa thế nào là Ultrabook rồi có lẽ cũng sẽ vượt ra ngoài định nghĩa ban đầu của Intel. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy những Ultrabook có màn hình 14 hay thậm chí, 15 inch trên thị trường (và có chăng, Macbook Air 15inch?), cũng sẽ không ngạc nhiên với những Ultrabook được tích hợp cả ổ đĩa quang, mà đại diện đầu tiên là Series 5 sắp xuất hiện của Samsung.
Điều đó khiến cho định nghĩa của Intel về Ultrabook chỉ còn đúng trong việc nói về kích thước : ultrabook vẫn sẽ là những mẫu máy xách tay chú trọng vào thiết kế mỏng và nhẹ. Với kiến trúc CPU mới của Intel, Ivy Bridge, dự đoán sẽ được đưa ra vào giữa năm 2012, chúng ta mong chờ Ultrabook trong năm tới sẽ sử dụng một nền tảng mới, với hiệu năng vượt trội và thời lượng pin tốt hơn nữa.
 

Ổ cứng thể rắn (SSD) sẽ trở nên thông dụng


 

Vài năm trước đây, nhiều chuyên gia đã dự đoán trước được rằng, năm 2011 sẽ là năm điều này xảy ra, khi mà chúng ta thấy ở SSD trở thành một thành phần thông dụng trong cấu hình cho các máy PC. Thật không may, tiên đoán của họ đúng, nhưng chưa chính xác về mặt thời gian.

Liệu răng 2012 sẽ là năm mà điều này trở thành sự thật? Khả năng này quả thật có thể xảy ra. Thứ nhất, phân khúc HDD đã mất đi khá nhiều thị phần trong năm vừa rồi, do ảnh hưởng của trận lũ lụt lịch sử tại Thái Lan, khiến sản lượng giảm và giá (yếu tố chính khiến người dùng không dám chọn SSD) tăng vọt. Trong khi ấy, giá của các sản phẩm SSD thì đã, đang và chắc chắn là sẽ giảm, không quá nhanh như đều đặn. Cả hai yếu tố đồng thời này, cộng với sự phổ biến của Ultrabook, với thiết bị lưu trữ thường là SSD, sẽ có thể tạo nên một bước ngoặt trong thị trường thiết bị lưu trữ trong năm nay.
 

Cơ hội cuối cùng cho các máy tính bảng Android


 

Năm 2011 là năm chúng ta được chứng kiến nhiều, rất nhiều máy tính bản Android, dử dụng nền tảng Honeycomb xuất hiện trên thị trường, nhưng ngoài một số sản phẩm thực sự tốt, như dòng Galaxy Tab của Samsung hay Transformer của ASUS thì hầu hết các máy tính bảng còn lại, cho dù có đặc biệt tới đâu, cũng thất bại trong việc tranh chấp thị phần ở phân khúc trung/cao cấp với iPad của Apple. Apple tiếp tục thống lĩnh thị trường máy tính bảng với sự ra đời của iPad 2. Trong khi đó, ở phân khúc thấp hơn (quanh mốc 200$), thị trường hoàn toàn bị chiếm lĩnh bởi một sản phẩm duy nhất, Kindle Fire đến từ gã khổng lồ bán hàng trực tuyến Amazon và mỉa mai thay, Fire lại sử dụng một phiên bản Android được chỉnh sửa khá nhiều.

Kể cả những người hâm mộ Android và kỳ vọng lớn vào hệ điều hành Android 4.0 ICS, với việc sẽ thống nhất giữa máy tính bảng và điện thoại thông ming, họ vẫn cho rằng sự thành công của các máy tính bảng Android vẫn sẽ chỉ là một ván bài đầy may rủi và sau đây là một vài lý do cho sự thật đáng buồn đó.

Ở thị trường cao cấp (quanh mốc 500$), chúng ta nhận thấy Apple thật khó bị đánh bại, khi mà iPad đã thực sự trở thành một biểu tượng trong tâm trí của người tiêu dùng. Sự thành công của Kindle Fire hay Nook đến không hẳn vì thiết kế đặc biệt hay có sự đặc sắc đáng chú ý nào, mà hầu như chỉ đánh vào yếu tố giá cả, yếu tố đặc biệt được cân nhắc trong thời kỳ suy thoái kinh tếm khi một sản phẩm ra đời giữa những sản phẩm được khác được coi là tương tự. Với tin đồn về khả năng Apple sẽ ra một phiên bản nhỏ hơn (và cũng rẻ hơn) của iPad để đánh vào thị trường cấp thấp hơn. Thiết bị này sẽ đánh mạnh vào các sản phẩm thành công nhất của Android bây giờ ở tầm giá hơn 200$, và sẽ là thảm họa thực sự cho Android nếu như iPad mini (hay cái một cái tên nào đó khác mà Apple sẽ đặt) giành được thị phần trong phân khúc này.

Liệu các nhà sản xuất có tiếp tục tập trung các nguồn lực của mình vào Android? Hay là, họ sẽ quyết định phân bố lại ưu tiên của mình bằng việc đầu tư vào phát triển các tablet chạy Windows 8 vốn đang rất được mong chờ? Ngay từ bây giờ những hãng sản xuất như Lenovo hay Acer đã có câu trả lời, khi họ liên tiếp đưa ra các bản thiết kế cho các thiết bị chạy Windows 8 dựa trên nền tảng Clover Trail mà Intel hứa hẹn sẽ tung ra vào cuối năm. Nếu điều này xảy ra thật, thì đó chắc chắn sẽ là một sự thay thế khả thi, nhất là khi mà Intel liên tục cam đoan lộ trình tung ra những con chip tiết kiệm năng lượng hơn nữa vào năm 2013.

Tất cả những sự thay thế này, nếu có diễn ra, thì cũng sẽ chỉ đến nhanh  nhất là vào cuối năm 2012, thế cho nên, các nhà sản xuất Android tablet có đúng 1 năm để có thể thay đổi mọi thứ, trước khi những sản phẩm mang tính cạnh tranh thực sự xuất hiện trên thị trường. Còn bạn? Bạn có mong điều này xảy ra không?
 

Sẽ có sự đa dạng hóa các loại Tablet


 

Nếu chỉ tiếp tục đưa ra những mẫu tablet với thiết kế thông thường, có dạng một màn hình cảm ứng hình chữ nhật, vốn không giúp ích nhiều trong việc cạnh tranh của các tablet Android trong năm qua. Do đó, chúng ta tin tưởng rằng, sẽ xuất hiện nhiều hơn những thiết kế đột phá trong năm nay. Dựa theo những tin đồn từ iPad 3 của Apple, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một vài điểm có thể tin được : màn hình với độ phân giải rất cao và mật độ điểm ảnh “khủng”.

Nếu điều này xảy ra, dựa trên việc Apple đang thống lĩnh thị trường với doanh số khổng lồ, không khó nhận ra là họ chắc chắn sẽ thao túng, khiến nguồn cung những tấm nền như vậy sẽ cực kỳ hạn chế, sẽ khiến các nhà sản xuất khác không thể chạy đua trong vấn đề này để đưa ra các mẫu máy có cấu hình tương tự. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến sự cạnh tranh về mặt thiết kế, mà sự xuất hiện của ASUS Transformer với khả năng “cài cắm” thêm bàn phím, hay Tablet của Sony với thiết kế dựa trên đặc điểm nhân trắc học là những yếu tố tích cực đầu tiên.

Samsung đi theo một hướng khác, khi quyết định tung ra các sản phẩm làm “tràn ngập thị trường” với nhiều kích thước của Galaxy Tab trải từ 7 inch đến 10 inch, và thậm chí là cả 5.3inch như Galaxy Note có lẽ cũng thuộc “họ hàng” này, một chiếc máy mà người ta không biết nên gọi là Smartphone với màn hình lớn hay Tablet với màn hình nhỏ.
 

Công nghệ 3D vẫn sẽ đắt đỏ

 

Cho dù đã được quảng cáo rầm rộ và gây tiếng vang, với sự hỗ trợ từ một số bộ phim “bom tấn”, thế nhưng, bất chấp nỗ lực không mệt mỏi của các nhà sản xuất TV, chúng ta vẫn khó có thể hy vọng một sự lấn át thị trường ngay trong năm 2011 của công nghệ 3D so với công nghệ 2D thông thường. Ngay cả trên lĩnh vực máy tính để bàn hay máy tính xách tay, khi mà Nvidia đã nỗ lực nâng cấp công nghệ 3D trên các sản phẩm card màn hình và kính 3D của mình, để có thể đưa ra góc nhìn rộng hơn, tăng sự thoải mái hơn cho người sử dụng, nhưng phải nói thực rằng, hầu hết các thiết bị hỗ trợ 3D đều yêu cầu đi kèm một chiếc kính 3D chuyên dụng, chính điều này làm nên sự bất tiện mà người dùng không dễ chấp nhận.

Dựa vào việc mà các card đồ họa hỗ trợ sẽ tự động chuyển đổi game sang định dạng 3D , sẽ có rất nhiều game có thể chuyển sang môi trường 3D. Tuy nhiên, thực chất, ở chiều ngược lại, không có nhiều những nội dung hấp dẫn bắt buộc phải hiển thị trong môi trường 3D. Hiệu ứng 3D thực chất chỉ đem lại đôi chút thú vị và hoàn toàn không giúp ích gì trong gameplay. Và để đến với 3D thì cái giá vẫn còn không rẻ, từ chi phí cho các màn hình 120Hz đắt đỏ cho đến những chiếc kính 3D chuyên dụng. Những máy tính xách tay chơi game có hỗ trợ 3D (như một số dòng của Toshiba) hãy còn ở một mức giá mà người dùng thông thường không với tới được.