Smartphone

3D Smartphone: Không chỉ là tên gọi

3D Smartphone: Không chỉ là tên gọi
- Điểm tại thị trường Việt Nam thì dường như rất ít các sản phẩm điện thoại 3D nổi danh và được ưa chuộng.
- Hầu hết đánh giá của người dùng về những chiếc smartphone này đều cho rằng công nghệ 3D trên điện thoại vẫn còn yếu khi luôn bị hạn chế góc nhìn ở một điểm cố định, độ lớn của màn hình ảnh hưởng đến khả năng duy trì thói quen của người sử dụng (nếu sử dụng lâu có khả năng sẽ hại mắt, hạn chế trẻ nhỏ xem phim trên điện thoại 3D…).
- Các hãng điện thoại cũng lạc quan về một tương lai tươi sáng cho công nghệ 3D khi nhấn mạnh khả năng còn tiềm tàng của loại công nghệ này.
Thực tại của 3D Smartphone
 
Điểm tại thị trường Việt Nam thì dường như rất ít các sản phẩm điện thoại 3D nổi danh và được ưa chuộng. Điển hình hiện nay chỉ có dòng LG Optimus 3D và HTC Evo 3D là nổi đình nổi đám phần nào dựa vào thương hiệu có sẵn của nhà sản xuất. Người dùng có vẻ khá e dè với công nghệ mới này bởi những gì mà các hãng điện thoại đã làm chưa thực sự khiến họ hài lòng. Người ta vẫn xem 3D như là một thứ công nghệ để “tô điểm” thêm cho một chiếc smartphone đời cao hơn là thực sự công nhận nó.
 

 
Hầu hết đánh giá của người dùng về những chiếc smartphone này đều cho rằng công nghệ 3D trên điện thoại vẫn còn yếu khi luôn bị hạn chế góc nhìn ở một điểm cố định, độ lớn của màn hình ảnh hưởng đến khả năng duy trì thói quen của người sử dụng (nếu sử dụng lâu có khả năng sẽ hại mắt, hạn chế trẻ nhỏ xem phim trên điện thoại 3D…). Các ứng dụng, kho phim ảnh hiện tại đều không đủ thỏa mãn chủ nhân của những chiếc smartphone đắt tiền kể trên.
 
LG và Samsung có vẻ như đang tăng tốc trong cuộc đua điện thoại thông minh 3D khi đưa ra những chiến dịch quảng cáo rầm rộ cho sản phẩm của mình. Gần đây nhất, LG đã tung ra thế hệ thứ 2 của dòng điện thoại 3D với sản phẩm Optimus 3D Max. Sản phẩm thừa kế của chiếc Optimus 3D đã được cải thiện hơn về độ sáng, độ dày và màn hình. Tuy vậy, vẫn không có nhiều nhận xét tích cực về khả năng hiển thị màn ảnh 3 chiều và nó chưa thực sự được cải tiến.
 
 
Tương lai tươi sáng?
 
Nick DiCarlo, Phó chủ tịch phụ trách kế hoạch sản phẩm của Samsung có một cái nhìn khá lạc quan về tương lai của công nghệ 3D trên điện thoại di động. Ông cho rằng 3D chính là cánh cửa rộng mở cho các tiện ích giải trí bước vào một sân chơi rộng lớn hơn, giúp chúng làm tốt hơn nhiệm vụ giải trí của mình. Công nghệ 3D trên điện thoại di động sẽ không dừng lại ở một vài trò chơi, một vài ứng dụng màu mè hay một vài bộ phim bom tấn.
 
Nhấn mạnh quan điểm của mình, Nick DiCarlo miêu tả nhiều hơn về những gì mà công nghệ 3D có thể làm được. Chiếc điện thoại di động của bạn sẽ như một chiếc tivi thu nhỏ mà không cần đến kính chuyên dụng, xem phim tốt hơn bao giờ hết, sắc nét hơn, không hại sức khỏe người dùng, không bị hạn chế tầm nhìn và hỗ trợ rất nhiều cho việc tiết kiệm pin. Nó có thể kết nối đồng thời với tivi và bạn có thể cùng xem ở cả 2 màn hình, đây là một viễn cảnh thú vị.
 
 
Hơn thế nữa, không chỉ là những chiếc điện thoại, máy tính bảng cũng có thể trở thành phương tiện chính để bạn xem video chứ không phải là những chiếc tivi nặng nề. Tuy không thể sử dụng chúng thường xuyên, nhưng với những cải tiến về chức năng trên các thiết bị di động cũng như công nghệ 3D sẽ khiến cho người dùng trở nên ngày càng gắn bó với chúng hơn.
 
Các hãng điện thoại cũng lạc quan về một tương lai tươi sáng cho công nghệ 3D khi nhấn mạnh khả năng còn tiềm tàng của loại công nghệ này. Họ hứa hẹn rằng 3D smartphone sẽ cho phép chụp ảnh và đồng thời lưu giữ hình ảnh ở cả 2 định dạng 2D và 3D, người dùng có thể xem lại ở mỗi định dạng khi cần.
 
 
Chia sẻ hình ảnh 3D cũng sẽ dần trở nên quan trọng hơn. Henry Nho, kỹ sư thiết kế nền tảng di động của LG cho biết khá nhiều chiếc tivi LG được trang bị công nghệ này đã ra đời, tuy nhiên việc trang bị thêm cổng HDMI khá tốn kém và không thông minh lắm khi thời đại không dây đã được khởi động từ lâu. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ chia sẻ các thông điệp ở định dạng 3D từ tivi bằng wifi chỉ với một nút ấn mà thôi.
 
Dường như những kỳ vọng này của các chuyên gia trong lĩnh vực điện thoại thông minh còn khá xa vời khi các hãng vẫn đang tiến hành song song hai việc: vừa nghiên cứu và cải tiến công nghệ 3D, vừa cho ra mắt những sản phẩm mang tính thử nghiệm tới người tiêu dùng. Con đường đi tới tương lai thực sự bùng nổ của công nghệ này hẵng còn là một bài toán hóc búa. Điều mà người tiêu dùng có thể làm là vừa tận hưởng những sản phẩm này vừa chờ đợi những đột phá mới.