Nhịp sống số

Mạng internet lại chậm, Trung Quốc liệu có thể chặn internet VN?

Mạng internet lại chậm, Trung Quốc liệu có thể chặn internet VN?

Vì sao kết nối internet bị chậm?

Trong thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện những vụ tấn công mạng nhằm vào Việt Nam. Điều này đã gây nên những tâm lý hoang mang cho người dùng trong nước. Theo phản ánh của người dùng internet, tình trạng kết nối mạng chập chờn không ổn định cũng liên tiếp xảy ra trong vài ngày trở lại đây. Điều này đã khiến không ít người cảm thấy lo ngại và liên hệ vấn đề này với các sự cố mất an toàn thông tin vừa xảy đến.

Theo thông tin từ nhà mạng Viettel, sở dĩ việc kết nối internet bị chậm là do tuyến cáp quang biển AAG nối Việt Nam đi quốc tế đang gặp vấn đề.

Hệ thống cáp quang biển AAG thường xuyên gặp sự cố.

Sự cố này xảy ra vào đêm ngày 2/8, đúng thời điểm cơn bão số 2 có tên gọi Nida đang hoành hành trên biển Đông, do đó việc khắc phục sự cố hiện vẫn chưa thể triển khai được. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dùng Việt Nam sẽ phải chịu cảnh kết nối mạng đi quốc tế gặp chập chờn trong thời gian vài tuần tới đây.

Liệu có thể can thiệp, chặn internet Việt Nam?

Ở thời điểm hiện tại, có 4 tuyến cáp quang biển đang được đưa vào vận hành khai thác tại Việt Nam. Các tuyến cáp quang biển này bao gồm tuyến cáp quang biển SMW-3, cáp quang biển APG, tuyến cáp quang biển Liên Á IA và tuyến cáp quang biển châu Á – Thái Bình Dương AAG thường xuyên xảy ra sự cố. Ngoài ra, Viettel cũng đang đầu tư một tuyến cáp quang biển mới với tên gọi AAE-1.

Bên cạnh các tuyến cáp quang biển, Việt Nam còn có các tuyến cáp quang đất liền nối với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Đáng chú ý nhất trong số này là hệ thống cáp quang biên giới Trung Quốc CSC.

Các tuyến cáp quang nối Việt Nam đi quốc tế.

Mới đây, theo tiết lộ với tờ Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục an toàn thông tin (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết đường cáp quang chạy qua Trung Quốc có thể bị khai thác dữ liệu. Tuy nhiên, về nguyên tắc thì đó là vấn đề kỹ thuật rất phức tạp mà chỉ có cơ quan tình báo mới có thể thực hiện được.

Khi được hỏi về việc liệu có nguy cơ mất an toàn thông tin từ những tuyến cáp này hay không, một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông cũng chia sẻ rằng, về mặt kỹ thuật, đường truyền cáp quang đi trên biển hay đất liền thì nguy cơ bị can thiệp (theo dõi), thay đổi là như nhau, chỉ khác một điều là trên đất liền thì điều kiện để thực hiện việc này dễ dàng hơn nhiều.

Như chúng ta đã biết, các dịch vụ internet phổ biến như Facebook, Twitter, Youtube hay Google đều bị chặn ở Trung Quốc. Do đó, nhiều người cũng đưa ra thắc mắc về việc, khi chúng ta sử dụng đường cáp quang đất liền với Trung Quốc, liệu kết nối đi quốc tế có bị ảnh hưởng vì vấn đề này?

Trước vấn đề này, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng quốc tế Athena, cho biết việc tuyến cáp quang đi qua Trung Quốc khó có thể xảy ra việc nước này tự ý thực hiện chặn các kênh đi internet từ Việt Nam (chặn Facebook, Twitter hay các trang web quốc tế) vì nó sẽ vi phạm luật của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).

Tuy nhiên, có khả năng Trung Quốc sẽ bóp lại băng thông đi qua tuyến này, làm lưu lượng đi internet quốc tế hoạt động không ổn định hoặc trong trường hợp xấu hơn khi hai nước có xảy ra tranh chấp, có thể Trung Quốc sẽ ngắt kết nối tuyến cáp quang qua khu vực mình quản lý, điều này sẽ dẫn đến việc internet đi quốc tế qua tuyến này bị ngưng hoạt động.

Tham khảo Thanh niên, VNPTI

 

Để mất thị trường Trung Quốc, Uber có mất luôn cả Việt Nam?

(Techz.vn) Liệu Uber sẽ sớm thất bại ở thị trường các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, giống như cách mà hãng này thoả hiệp tại thị trường Trung Quốc?rn