Những chữ cái S-T-E-V-E J-O-B-S có thể được lý giải là chữ viết tắt của những nét tính cách đặc trưng, tạo nên một con người vĩ đại trong làng công nghệ thế giới.
Vị CEO tài ba của Apple đã ra đi ở tuổi 56, để lại sau lưng một sự nghiệp lừng lẫy cùng với những sản phẩm tuyệt vời, giúp thay đổi cách thức con người tiếp cận với các thiết bị di động hiện đại.
Ngày 1/2/1976 đánh dấu sự kiện trọng đại của Apple cũng như Steve Jobs, khi ông cùng với “người bạn vàng” là Steve Wozniak sáng lập nên “trái táo khuyết”. Ít ai biết rằng cái tên cực kỳ đơn giản mà cả thế giới đều biết đến hiện nay lại khiến hai nhà lãnh đạo này mất khoảng 3 tháng để nghĩ ra. Có người cho rằng, Steve Jobs đặt tên công ty là Apple đơn giản vì ông thích ăn táo. Cũng có những ý kiến cho rằng ông ấn tượng với hình tượng quả táo của Newton và lấy đó làm “kim chỉ nam” cho công ty của mình.
Cũng do đó, có những người nói vui với nhau rằng, thế giới này được hình thành nhờ những quả táo. Quả táo thứ nhất chính là trái cấm đã dụ dỗ Adam và Eva, thứ hai là quả táo rơi vào đầu của Newton và thứ ba chính là quả táo của Steve Jobs.
Cùng với Apple, Steve Jobs đã tạo nên một sự nghiệp vang dội. Cùng điểm qua những nét cá tính đặc biệt của con người tài ba nhưng bạc mệnh này qua chính những chữ cái trong tên của ông.
S: Stay hungry, stay foolish (hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ)
Câu nói trong bài phát biểu của Steve Jobs trong buổi lễ tốt nghiệp của đại học Stanford (Mỹ) năm 2005 là những chia sẻ hết sức chân thành của một con người thành công về đam mê và nhiệt huyết của những người trẻ tuổi. Đó cũng là cách sống và làm việc của Steve Jobs, là động lực thôi thúc ông không ngừng sáng tạo để cho ra đời những sản phẩm tuyệt vời như iPhone hay iPad.
Tuy nhiên, ít người biết được rằng đây chỉ là một câu nói Steve Jobs học được từ cuốn cẩm nang xuất bản từ những năm 70 của thế kỷ trước.
T:Trendy (thức thời)
“Người ta chưa thực sự biết mình muốn gì cho đến khi bạn chỉ ra cho họ thấy”, ý của Steve Jobs là ông sẽ là người tạo ra những xu hướng cho người khác đi theo. Và trên thực tế, iPhone ra đời khi thị trường đã có nhan nhản những mẫu điện thoại cao cấp, nhưng vẫn là số một và mang đến một xu hướng mới. Máy tính bảng đã nằm trên bàn phác thảo của Microsoft từ những năm 1998, nhưng chỉ đến khi iPad ra đời, người ta mới thực sự biết đến khái niệm này.
E: Egomaniacs (cái tôi cá nhân)
Đây là điều không phải bàn cãi. Steve Jobs là một con người duy ý chí, đôi khi đến mức bảo thủ. Ông tự tạo cho mình cũng như những sản phẩm của Apple một phong cách không lẫn đi đâu được.
Chủ nghĩa cá nhân (làm theo những gì mình cho là đúng, không để ý đến người khác nghĩ gì) là một trong những yếu tố làm nên thành công của Steve Jobs, nhưng cũng không ít lần mang đến cho ông những phiền phức, mà đỉnh điểm là việc ông bị “đá” khỏi Apple năm 1985 vì làm việc quá độc đoán.
V: Visionary (tầm nhìn)
Jobs luôn nhìn thấy trước những sản phẩm tiềm năng mà những người khác không nhìn thấy được nhờ bộ óc thiên tài của mình. Những sản phẩm của ông đều tạo ra những cuộc cách mạng. iPhone ra đời từ năm 2007 và sau gần 5 năm, thị trường smartphone sử dụng màn hình cảm ứng giống nó mới bước vào giai đoạn sôi động nhất. MacBook Air ra đời từ năm 2008 và cho đến thời điểm hiện tại, các nhà sản xuất khác mới bắt kịp với nó để cho ra đời các dòng ultrabook cạnh tranh.
E: Excellent (tuyệt vời)
Không chỉ thành công trong sự nghiệp, ông còn là một người cha tuyệt vời của bốn đứa con. Theo những thông tin mà Walter Isaacson, tác giả của cuốn tiểu sử về cuộc đời ông tiết lộ, sở dĩ Steve Jobs đồng ý đưa những thông tin về mình lên sách là vì ông muốn các con ông biết về cuộc đời mình. Lúc sinh thời, ông luôn tự tay vào bếp nấu cho các con ăn mỗi khi rảnh rỗi, và đặc biệt coi trọng việc giáo dục nhân cách cho các con.
J: Joyful (vui vẻ)
Nhiều người có thể không đồng tình với nhận xét này, vì Steve Jobs được biết đến như một nhà lãnh đạo độc đoán và hà khắc nhất thế giới, nhưng đó chỉ là trong công việc. Hàng xóm của ông cho biết, Steve Jobs và cả gia đình ông rất dễ gần. Walter Isaacson trong hơn 40 lần tiếp xúc với ông cũng thừa nhận, ông có cách nói chuyện rất thông minh và hóm hỉnh. Trong những lần giới thiệu sản phẩm mới của Apple, người ta cũng luôn thấy một Steve Jobs vui vẻ, hay nói đùa và tràn đầy năng lượng.
O: Odd (lập dị)
“Lắm tài” thường đi đôi với “nhiều tật”. Đó là quy luật muôn thủa của tạo hóa. Người ta biết đến Steve Jobs như một người thường xuyên đi ngược lại với suy nghĩ của số đông. Việc ông nhất quyết không đưa flash hay các kết nối USB hay HDMI vào iPad là một ví dụ. Hay như thời điểm ông bị đẩy khỏi Apple, ông đã bán sạch toàn bộ số cổ phiếu của mình và chỉ giữ lại đúng 1 USD làm kỷ niệm.
B: Brilliant (xuất chúng)
Xuất chúng là từ phù hợp nhất để miêu tả về Steve Jobs. Không chỉ thành công trong lĩnh vực máy tính cũng như thiết bị di động, một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ như sản xuất phim hoạt hình dưới bàn tay của vị "phù thủy" này cũng ăn nên làm ra đến lạ thường. Bộ phim "Toy story" của Pixar (sau này sáp nhập với Walt Disney) do ông sản xuất đã trở thành “bom tấn” và đạt doanh thu kỷ lục 360 triệu USD.
S: Special (đặc biệt)
Là người theo đạo Phật và ăn kiêng, Jobs thường đi bộ bằng chân trần tới siêu thị để mua trái cây hoặc chỉ để thư giãn vào những khi rảnh rỗi.
Ông chỉ rút 1 USD tiền lương từ Apple, nhưng ông là tỉ phú giàu có bậc nhất từ chứng khoán. Sống giản dị nhưng phương tiện đi lại của ông lại là chiếc phản lực Gulfstream V trị giá 90 triệu USD do ban quản trị Apple tặng.
Trên phương diện công việc, “Jobs điều hành Apple với một kiểu kết hợp đặc biệt giữa nghệ thuật không thỏa hiệp với tài đàm phán kinh doanh siêu hạng. Nhưng ông lại có một cái gì đó giống như một nghệ sỹ hơn là một doanh nhân, người nghệ sỹ có khả năng tuyệt vời thu lợi nhuận từ những sáng tạo của mình”, trích từ cuốn Inside Steve’s Brain.
Đó là những nét đặc biệt của con người đã đi vào huyền thoại làng công nghệ thế giới. Có thể 5 hoặc 10 năm nữa, làng công nghệ thế giới sẽ lại sản sinh ra một con người kiệt xuất khác, nhưng trong tâm trí nhiều người, Steve Jobs vẫn là một, là riêng, là duy nhất.