Doanh nghiệp

VNG 2012: Sóng gió và khủng hoảng truyền thông

VNG 2012: Sóng gió và khủng hoảng truyền thông

-Gia nhập thị trường thương mại điện tử chưa thành công.
- Quá nhiều khủng hoảng truyền thông.
- Sản phẩm gặp khó khăn do khủng hoảng truyền thông.
- Một năm không có sản phẩm đột phá.
-Ngày hôm qua lại là một ngày sóng gió nữa với tập thể VNG, họ đã buộc phải đóng cửa toàn bộ các game Chinh Đồ tại Việt Nam, hậu quả của scandal đường lưỡi bò trong bản đồ game, một trong những thay đổi nằm trong bản nâng cấp mới đây của NSX game. 

Đó có lẽ là khủng hoảng cuối cùng mà công ty Internet hàng đầu Việt Nam này phải trải qua trong năm 2012 - một năm đầy biến động và đen đủi của VNG.
Gia nhập thị trường thương mại điện tử chưa thành công

Không phải bây giờ mà đã từ rất lâu rồi VNG ấp ủ giấc mơ thương mại điện tử. Với nền tảng vững vàng về cả kỹ thuật, tiền bạc lẫn lượng user từ thành công vang dội trên thị trường game online, VNG có đầy đủ cơ sở để phát triển thương mại điện tử. Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng như vậy.

Các dịch vụ TMĐT của VNG trong năm vừa rồi không mấy thành công nếu như không muốn nói là khó khăn. Một trong số những sự kiện mà ai cũng biết là vụ đóng cửa Zing Deal sau ít lâu hoạt động, sự kiện được coi là cảnh báo rõ ràng nhất cho việc bong bóng groupon tại Việt Nam. Nguyên nhân thì nhiều, mà một trong số đó là việc thiếu người, đặc biệt là những nhân sự có kinh nghiệm trong ngành.

Đó là lý do mà cuối năm vừa rồi VNG đã tiến hành hàng loạt thương vụ thâu tóm lớn mà mục tiêu chính là những nhân sự xuất sắc trong làng TMĐT. Có thể, năm sau VNG sẽ có những bước tiến mạnh mẽ trên thị trường này.

Vừa rồi, VNG cũng tổ chức ra mắt rầm rộ cho 123.vn, một trang web thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến. Như vậy, tham vọng thương mại điện tử của VNG vẫn còn rất lớn.

Khủng hoảng truyền thông

Có lẽ ấn tượng lớn nhất của tôi với các hoạt động của VNG năm nay là vô số khủng hoảng truyền thông hãng này dính vào. Bên cạnh đó, là một phong cách giải quyết khủng hoảng đậm chất VNG: mạnh mẽ, nhanh chóng và hiệu quả. Câu chuyện về cách giải quyết khủng hoảng của VNG chúng ta sẽ bàn sau.

Khủng hoảng lớn đầu tiên là tin đồn VNG đã về tay các công ty Trung Quốc. Sự việc này bắt nguồn từ báo cáo tài chính hàng năm của Tencent được công bố cho thấy hãng này đang tăng đáng kể tỷ lệ sở hữu tại một công ty game online Việt Nam.

Thật ra việc Tencent có đầu tư lớn vào VNG là chuyện ai cũng biết và chuyện một số nhân viên Trung Quốc làm việc tại VNG cũng không phải chuyện gì bất ngờ. Điều mà thị trường không biết có lẽ là tỷ lệ sở hữu của Tencent tại VNG chính thức là bao nhiêu và Tencent có khả năng "quyết định" hoạt động của VNG hay không.

Khủng hoảng truyền thông thứ hai có lẽ là việc Zing Mp3 bị tẩy chay do chặn hai từ khóa Hoàng Sa và Trường Sa. Vụ việc này cũng gây nên một làn sóng phản đối VNG mạnh mẽ trong một thời gian ngắn.

Hàng loạt các sản phẩm gặp hạn do khủng hoảng truyền thông

Cách đây không lâu, Coca Cola và Samsung quyết định rút quảng cáo khỏi hệ thống của Zing về vấn đề bản quyền nội dung hãng này cung cấp. Nguyên nhân là do vấn đề bản quyền. Ngay lập tức VNG tuyên bố sẽ có những hành động để khắc phục vấn đề này.

Rồi mới hôm qua, VNG bất đắc dĩ phải đóng cửa game Chinh Đồ do đối tác Trung Quốc cố tình gài đường lưỡi bò vào game gây bức xúc lớn cho người chơi.

Một số lớn các sản phẩm của VNG cũng gặp những rắc rối tương tự khi mà tâm lý: "game online là có hại" còn chưa hết.

Không có sản phẩm đột phá, một số có dấu hiệu đi xuống

Khác với mọi năm, năm vừa qua VNG hầu như không có sản phẩm nào đạt thành công lớn như Kiếm Thế hay Gunny vài năm trước. Hầu hết các sản phẩm của VNG chỉ thành công và phát triển ở mức bình thường.


Ngoài việc đóng cửa Zing Deal thì việc đóng cửa Thuận Thiên Kiếm - game online thuần Việt đầu tiên của VNG cũng gây chú ý. Được chú ý và ủng hộ bởi là MMO đầu tiên của nước nhà nhưng có vẻ TTK không thu hút được lượng người chơi và doanh thu như ý nên VNG đã khai tử tựa game này. 

Điều này cộng thêm với việc VNG không hề ra mắt thêm MMO thuần Việt nào khiến người ta có đủ cơ sở để tin tưởng vào sự sụp đổ của ước mơ sản xuất game online thuần Việt của VNG.

Zing Me, đầu năm nay cũng chính thức bị Facebook vượt qua về số lượng người dùng và thật sự đã thất bại trong việc chinh phục thị trường (như chính VNG thừa nhận). Người dùng Zing Me vẫn chỉ chủ yếu là chơi game chứ chưa vươn sâu vào đời sống như đối thủ.

Năm sau sẽ thành công?

Nhiều người đùa rằng phong thủy trụ sở mới của VNG có vẻ không hợp lắm khi mà năm 2012 VNG gặp rất nhiều "hạn". Tuy nhiên, với bản lĩnh và trình độ đội ngũ của mình, VNG chắc chắn sẽ trở lại và vươn lên mạnh mẽ trong năm tới, 2013.