Bên trong một “buồng lái” điều khiển máy bay không người lái - Ảnh minh họa: PC World |
Loại virut này được cho là chuyên đánh cắp thao tác trên bàn phím của phi công, đã bị phát hiện cách đây hai tuần, nhưng cho đến nay đại diện quân đội Mỹ cho biết họ vẫn chưa tìm ra biện pháp nào để diệt trừ tận gốc.
“Chúng tôi cứ xóa đi thì nó (virut) xuất hiện trở lại”, đại diện phụ trách hệ thống điện toán này cho biết.
Thêm một điều lạ là đến giờ phút này virut nói trên vẫn chưa gây ra bất cứ hậu quả nghiêm trọng nào. Các chuyến bay (điều khiển từ xa) vẫn hoạt động bình thường. Các tài liệu và văn bản lưu trong cơ sở dữ liệu chưa bị mất mát hoặc chuyển ra ngoài.
Người ta đang đặt câu hỏi làm cách nào loại virut này xâm nhập được vào hệ thống điện toán của quân đội Mỹ, vốn được canh phòng rất cẩn mật, và sự xuất hiện của nó là vô tình hay có việc tiếp tay từ nội gián bên trong.
Vấn đề khiến các quan chức của Bộ Quốc phòng nước này lo ngại là dù loại virut vẫn tỏ ra “lành tính” đến thời điểm hiện tại, song người ta phát hiện nó đã lây vào cả hai hệ thống “tuyệt mật” (classified) lẫn “không tuyệt mật” (unclassified).
Điều này có nghĩa những dữ liệu chứa trong hệ thống "tuyết mật" hoàn toàn có nguy cơ bị gửi sang hệ thống "không tuyệt mật", vốn tại đây có thể dễ dàng bị chuyển tiếp ra bên ngoài hoặc đơn giản là tải thẳng lên mạng toàn cầu Internet.
Phía không quân chưa đưa ra bất cứ lời bình luận trực tiếp nào về vụ việc. Một phát ngôn viên của Sở Chỉ huy tác chiến trên không (Air Combat Command), cơ quan chủ quản của chương trình máy bay không người lái, cho hay chính sách của sở là không bình luận hoặc dẫn thông tin về bất cứ vấn đề liên quan đến bảo mật hay đe dọa an ninh điện toán, bởi điều này có thể tạo điều kiện cho những kẻ xâm nhập tìm ra kẽ hở để tấn công hệ thống máy tính quân đội Hoa Kỳ.
Máy bay không người lái Predaror - Ảnh minh họa: PC World |
Những ý kiến từ giới chuyên môn lại tỏ ra bi quan hơn. Ông Richard Stiennon - trưởng nhóm phân tích tại Hãng IT-Harvest - cho hay vụ việc là minh chứng cho thấy quân đội Mỹ đang sử dụng những hệ điều hành không được đảm bảo an ninh để điều khiển các máy bay và thiết bị không người lái. “Việc để vũ khí tối tân có khả năng sát thương cao bị điều khiển bằng một hệ thống bị nhiễm độc là hành vi không thể tha thứ”.
Theo ông, việc các chuyên viên an ninh Mỹ cần làm bây giờ là phải cài đặt và format hoàn toàn các ổ cứng trong hệ thống bị nhiễm “bẩn”, bởi những công cụ quét virut rõ ràng đã không tỏ ra hiệu quả, khi virut nói trên cứ liên tiếp “tái sinh” sau mỗi lần bị tiêu diệt.
THÚY QUỲNH (Theo PCWorld)