Có lẽ nếu còn sống, Steve Jobs sẽ thấy rất hả hê vì cuối cùng sau 5 năm tranh cãi, cuối cùng Adobe cũng chịu đầu hàng và từ bỏ Flash trên các thiết bị di động.
Buổi chiều hôm qua, trên đường về nhà tôi liên tục nhận được điện thoại. Tất cả đều là từ các bạn bè quen biết, những người quan tâm đến công nghệ, và đa phần trong số đó là sử dụng Android. Tất cả những cuộc điện thoại ấy đều có chung 1 nội dung: Adobe đã từ bỏ việc phát triển Flash trên các thiết bị di động.
Và mối quan tâm lớn nhất của mọi người dường như chỉ đơn giản là: Liệu chiếc điện thoại (tablet) chạy Android mà tôi đang sử dụng có còn chạy được Flash nữa hay không?
Câu trả lời là: Có và không. Sự thực là trong tuyên bố của mình, Adobe đã nói rất rõ, hãng sẽ ngừng phát triển flash trên các thiết bị di động như smartphone, tablet nhưng vẫn sẽ giữ việc cập nhật vá lỗi cho phiên bản hiện hành. Điều này có nghĩa là chiếc smartphone hay tablet chạy Android 2.x và 3.x trở xuống của bạn vẫn sẽ hoạt động với Flash hoàn toàn bình thường như trước kia. Tuy nhiên việc Adobe ngừng đưa ra phiên bản mới và không chỉnh sửa để các phiên bản hiện tại tương thích với phiên bản Android mới hơn sẽ khiến các thiết bị chạy Android 4.x không còn hỗ trợ flash nữa.
Vì vậy có lẽ cái giá phải trả để cập nhật lên Android Ice Cream Sandwich sẽ là Flash. Nói "có lẽ" là vì hiện tại chúng ta không rõ liệu đã có phiên bản Flash tương thích với Android 4.0 nào được Adobe phát triển hay chưa. Nhưng với những tuyên bố của Adobe chúng ta có thể hiểu rằng ngày mai, ngày kia và có thể là vài tháng nữa chiếc smartphone chạy Android của bạn vẫn sẽ lướt web với flash rất mượt mà, tuy nhiên trong tương lai, khi các phiên bản Android mới hơn ra đời, Flash trên di động sẽ dần lui vào dĩ vãng.
Chúng ta có cần Flash trên di động?
Đây là 1 câu hỏi khác, "khó nhằn" hơn. Mặc dù trên PC, Flash là 1 thành phần không thể thiếu mỗi khi duyệt web. Không có Flash, bạn sẽ phải nói lời tạm biệt với FarmVille, Farm Buddy, Gunny mà bạn vẫn chơi trên trình duyệt, không có Flash đồng nghĩa với không có Youtube và phần lớn các nội dung video, trang nhạc trực tuyến như Mp3 Zing, Nhạc Của Tui sẽ không hoạt động được... Nói không ngoa, thiếu vắng flash, cuộc sống Online của chúng ta sẽ mất đi rất nhiều hình ảnh, màu sắc, âm thanh và nhiều website sẽ quay về định dạng text nhàm chán.
Những ứng dụng thế này đã góp phần giết chết Flash trên smartphone.
Tuy nhiên trên các thiết bị di động, vai trò của Flash lại là 1 câu chuyện khác. Lấy Android làm 1 ví dụ, cần xem Youtube, chúng ta có ứng dụng Youtube, nghe nhạc trên Zing hay Nhac Cua Tui đều đã có ứng dụng tương ứng, Flash trên các thiết bị di động hầu như chỉ còn gói gọn chức năng trong việc trình bày các... banner quảng cáo. Tất nhiên có thêm Flash là có thêm sự lựa chọn, và khi sử dụng các trình duyệt như Dolphin Browser chúng ta hoàn toàn có thể chọn tải ứng dụng đó hay không. Nhưng chúng ta có thể thấy rằng hàng trăm triệu người sử dụng iDevices đã sống gần... nửa thập kỷ mà không có Flash trên thiết bị của mình, nhưng những lời phàn nàn về sự thiếu vắng này càng ngày càng trở nên yếu ớt.
Như vậy Flash là một bổ sung rất thú vị giúp trải nghiệm duyệt web của bạn trên Android được đầy đặn và trọn vẹn hơn, tuy nhiên nếu một ngày nào đó bỗng nhiên Flash biến mất có lẽ bạn cũng không cần quá hoảng hốt, cứ bình tĩnh tìm kiếm trên Market và rất có thể bạn sẽ tìm thấy ứng dụng bổ sung cho sự thiếu sót ấy. Còn nếu những gì bạn cần chỉ là xem 1 video mà player tích hợp trên trang web đó lại là Flash thì SkyFire chắc chắn sẽ thỏa mãn nhu cầu của bạn.
Vì sao Adobe từ bỏ Flash trên di động?
Câu hỏi này không hề đơn giản như bạn vẫn tưởng. Nhiều người cho rằng Adobe từ bỏ Flash vì Steve Jobs đã đúng: Flash là 1 sản phẩm tồi, tốn pin, chậm chạp trên các nền tảng di động, vân vân và vân vân. Sự thực không phải như vậy. Để hiểu lý do vì sao Adobe rời bỏ Flash, bạn cần phải hiểu về cách kiếm tiền từ Flash của Adobe. Về cơ bản, mỗi lần bạn lên trên GenK và xem 1 clip của chúng tôi thông qua player viết bằng Flash của GenK, bạn không mất 1 xu nào, và Adobe cũng không được 1 xu nào từ mỗi lần bạn xem clip đó. Tuy nhiên, để viết ra được cái trình chơi video bằng Flash phục vụ bạn đọc, đội ngũ kỹ thuật của GenK phải sử dụng 1 sản phẩm của Adobe, gọi là Adobe Flash, đó là 1 công cụ giúp các kỹ thuật viên của GenK thiết kế ra trình chơi video bằng flash mà bạn vẫn sử dụng. Và bộ công cụ Adobe Flash đó được bán với cái giá không hề rẻ chút nào: 700$. Nói tóm lại nguyên tắc kiếm tiền của Adobe chỉ ngắn gọn có 1 câu: "Thu tiền của những ai muốn tạo ra nội dung dựa trên flash".
Công cụ phát triển Flash của Adobe được bán với giá gần 700$.
Và đối với cách kiếm tiền này của Adobe, điều trọng yếu là nền tảng mà Adobe theo đuổi phải nắm thị phần thống trị. Sẽ chẳng một ai muốn bỏ ra 700$ để mua về Adobe Flash, bỏ công viết 1 đoạn flash chỉ để cuối cùng phục vụ cho 1 vài độc giả. Rất may là ở kỷ nguyên PC, hầu hết các trình duyệt đều được hỗ trợ flash player, có nghĩa là 1 lập trình viên khi viết ra 1 nội dung flash anh ta có thể chắc chắn rằng đoạn flash đó sẽ hoạt động bình thường trên tất cả các khách hàng của mình, dù người đó dùng Mac hay Windows. Chính sự phổ biến của Flash đã khiến Adobe kiếm bộn tiền từ việc bán lại bộ công cụ thiết kế Flash. Hãy giả định rằng nếu Flash chỉ hoạt động trên 50% số PC, 1 lập trình viên sẽ phải sử dụng Flash đồng thời với nhiều nền tảng khác để đảm bảo tất cả khách hàng của mình đều tiếp cận được với nội dung cần truyền tải. Việc viết và duy trì 1 ứng dụng trên nhiều nền tảng sẽ tốn rất nhiều công sức và không ai muốn làm như vậy cả. Vì thế đối với Adobe, muốn kiếm tiền hiệu quả thì cách duy nhất là 90% người sử dụng đều đi theo nền tảng của hãng.
Và trong kỷ nguyên PC, Flash của Adobe luôn nắm giữ vị trí thống trị tuyệt đối này. Tuy nhiên bước vào kỷ nguyên hậu PC, có 1 vấn đề bỗng nhiên nổi lên: Apple. Steve Jobs đột nhiên khăng khăng rằng Flash không thích hợp cho các thiết bị di động như smartphone, tablet... Và kết quả là ông này thẳng tay gạt bỏ Flash khỏi các iDevices. Như vậy mấy trăm triệu iDevices bán ra trong suốt 5 năm qua đã để lại 1 chỗ trống không thể bù đắp được trong thị phần của Adobe ở mảng thiết bị di động. Sự thiếu vắng Flash trên iOS đã khiến các nhà phát triển ứng dụng trên iOS quyết định... đi đường vòng: Phát triển các ứng dụng để thay cho Flash trên trình duyệt. Và càng nhiều ứng dụng bù lấp chỗ trống của Flash thì nền tảng này càng trở nên xa lạ với người dùng di động. Ngay cả trên Android cũng rất ít người muốn sử dụng Flash mặc dù HĐH này đã hỗ trợ flash trực tiếp trên trình duyệt.
Đoạn cuối của câu chuyện rất buồn với Adobe: Các lập trình viên cảm thấy viết ứng dụng cho flash trên Mobile đã không còn hấp dẫn nữa vì chúng sẽ không phục vụ được 1 lượng rất lớn khách hàng dùng iOS. Lựa chọn của họ là chuyển sang lập trình ứng dụng hoặc các nền tảng khác mà cả iOS và Android đều hỗ trợ: HTML5.
Adobe "đánh hơi" thấy sự thay đổi bất lợi này của thị trường và họ thừa hiểu rằng HTML5 đã trở thành xu thế chung và có 1 tương lai rất sáng khi tất cả các nền tảng từ PC đến hậu-PC đều hỗ trợ HTML5. Thống trị HTML5 sẽ đảm bảo tương lai cho của Adobe hơn nhiều so với việc ôm khư khư lấy 1 Flash đang dần già nua, chậm chạp. Đó chính là lý do vì sao Adobe từ bỏ Flash, và có thể nói, kẻ đâm nhát dao chí mạng cho Flash không phải là Adobe mà chính là Steve Jobs và Apple.
Kết luận
Cá nhân tôi rất hài lòng với Flash trên Android, và tôi sẽ cảm thấy rất tiếc nếu như Android 4.x và các thiết bị trong tương lai của mình thiếu đi Flash. Nhưng có lẽ sự thực vẫn là sự thực, chúng ta phải chấp nhận rằng Flash đã là quá khứ và cần phải thực tế hơn, nhìn về tương lai. Nói cho cùng, nếu như HTML5 có thể thay thế được Flash thì đây sẽ là 1 điều rất đáng mừng. Với HTML5, game trên trình duyệt sẽ đẹp hơn, nhẹ nhàng hơn và đỡ ngốn pin hơn. Đó chẳng phải là những điều mà chúng ta luôn mong đợi ở Flash hay sao?