Mấy ngày hôm nay giới viễn thông đang quan tâm đến sự kiện về tách nhập Vinaphone - Mobifone. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) chưa trình phương án sáp nhập MobiFone và Vinaphone lên Chính phủ, nhưng đây vẫn là phương án được tập đoàn này đưa ra [1]. Phương án này lợi hại như thế nào và những ai sẽ hưởng lợi?
Ảnh minh họa |
Năm 2011, tổng doanh thu của VNPT đạt 120.800 tỷ đồng, tăng trưởng trên 20%; lợi nhuận xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 6.500 tỷ đồng và là một trong doanh nghiệp dẫn đầu danh sách nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất [1]. Năm 2010, MobiFone đạt doanh thu là 36,034 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 35% tổng doanh thu của VNPT đạt mức lợi nhuận là 5.860 tỷ đồng, chiếm 52,32% lợi nhuận của toàn VNPT, trong năm 2011, MobiFone đặt mục tiêu lợi nhuận khoảng 6.160 tỷ đồng và doanh thu 39.000 tỷ đồng [2] nhưng đạt doanh thu phát sinh là 43.698 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2010 [3].
Chiếm đến trên 50% lợi nhuận tập đoàn, số nhân viên chiếm khoảng 6% (5400 người) tổng số nhân viên của VNPT (hơn 90.000) [4] nhưng năng suất lao động đạt 6,7 tỷ đồng/người/năm trong khi bình quân năng suất lao động của VNPT trong năm 2011 là 1,3 tỷ đồng/người/năm. Năng suất lao động của nhân viên Viettel trong năm 2011 là 4,7 tỷ đồng/người/năm. Như vậy, năng suất lao động của nhân viên MobiFone cao gấp hơn 5 lần bình quân chung của VNPT và cao hơn khoảng 1,5 lần so với Viettel. [5]
Như thế , ta có thể thấy vị trí đáng kể của Mobifone trong tập đoàn VNPT. Đó là một đơn vị hiệu quả nhất, mang lại lợi nhuận lớn nhất cho tập đoàn và chính là “con gà đẻ trứng vàng” của VNPT. Nếu phải bán cổ phần hay tách Mobifone khỏi tập đoàn mẹ, thì VNPT mất luôn danh hiệu tập đoàn chủ đạo trong lĩnh vực viễn thông, không còn là doanh nghiệp có mức đóng thuế lớn nhất của Việt Nam. VNPT suy giảm ngay sức chiến đấu kéo theo lương thưởng và nhiều hệ lụy khác. Do đó việc kiểm soát, giữ lại Mobifone va Vinaphone trong cơ cấu tập đoàn là một vấn đề có tính nguyên tắc của VNPT. Tuy nhiên không phải VNPT muốn giữ là được. Vấn đề của Mobifone còn phải được đặt trong lợi ích của các bên tham gia, của chính phủ, bộ ngành, đối thủ và nhiều nhóm lợi ích đang hăm he nhảy vào giành miếng bánh béo bở này.
Theo phân tích của các chuyên gia, mà thật ra là các báo cũng như nhiều nhóm lợi ích đứng đằng sau về cái gọi là câu hỏi lớn nhất hiện nay với VNPT là sáp nhập Vinaphone-MobiFone sẽ dẫn đến thị trường viễn thông trở lại thời độc quyền? Hiện thị trường di động nằm trong thế chân vạc với 3 “ông lớn” là Vinaphone, MobiFone và Viettel chiếm đến 95% thị phần. Mặc dù, VinaPhone và MobiFone hoạt động riêng rẽ nhưng xét về bản chất, vốn dĩ 2 nhà mạng này đã cùng một “mẹ” VNPT, chuyện sáp nhập có thể coi như việc hợp thức hóa mà thôi. Bởi vì theo như chuyên gia Vũ Đình Ánh nhận định:
“Nếu nói VinaPhone và MobiFone tách ra để tạo một thị trường cạnh tranh lành mạnh thực ra chỉ là nói cho vui. Thị trường viễn thông nội địa tại Việt Nam bây giờ chỉ có 2 đối thủ ngầm là Viettel và VNPT thôi”. Và:
“Từ trước tới nay, người ta cứ nói tới thế chân vạc nhưng tôi thấy làm gì có thế chân vạc, về bản chất, thực tế chỉ diễn ra thế đối đầu giữa 2 “đại gia” viễn thông Viettel và VNPT”. [6]
Nhiều người đưa ra cảnh báo về sự mất mát giá trị thương hiệu của hai mạng di động đang trực thuộc VNPT nếu việc sáp nhập diễn ra. Bởi lẽ, giá trị thương hiệu của hai nhà mạng này trên thị trường đều rất lớn, nếu nhập vào làm một, tức là một trong hai hoặc cả hai sẽ mất đi một thương hiệu và sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Nhưng trên thực tế, theo ông Ánh:
“Thương hiệu (brand, brand name, trademark), hiểu một cách đơn giản, là một cái tên gắn với một sản phẩm hoặc một nhà sản xuất. VinaPhone và MobiFone vừa là trademark vừa là nhãn hiệu thương mại. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hoàn toàn có thể sáp lập VNPT với MobiFone thành lập một công ty dịch vụ viễn thông di động thuộc VNPT, đặt tên là gì thì tùy VNPT nhưng VinaPhone và MobiFone vẫn giữ vì nó là nhãn hiệu thương mại.” [6]
Như vậy trên thực tế vẫn chỉ có hai người chơi lớn nhất là VNPT (55%) và Viettel trên thị trường viễn thông Việt Nam (37%) [9]. Việc nhập Mobifone vào Vinaphone thực chất không làm thay đổi cục diện thị trường, viễn thông vẫn là thị trường độc quyền nhóm của hai đại gia kia. Tuy nhiên, vấn đề là tách Mobifone thành đơn vị độc lập với VNPT, cổ phần hóa Mobifone như dự định thì đồng nghĩa với giảm sức cạnh tranh của VNPT, một doanh nghiệp nhà nước. Ông Hoàng Ngọc Diệp, chuyên gia viễn thông, cũng cho rằng sáp nhập là xu hướng tất yếu của thị trường, và đây là tiền đề tích cực giúp cho VNPT nói riêng và ngành viễn thông phát triển. Theo phân tích của ông Diệp, MobiFone và VinaPhone đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng, nên khi sáp nhập, hai nhà mạng sẽ tương hỗ cho nhau phát triển, tạo thuận lợi để đưa dịch vụ đi vào chiều sâu, từ đó thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển. [8]
Không chỉ các nhà đầu tư trong nước như FPT muốn đầu tư vào Mobifone mà các hãng Viễn thông lớn thế giới như Telenor (Bỉ), Vodafone (Anh), NTT DoCoMo (Nhật) và Orange France Telecom (Pháp) vẫn đang tiếp tục kiên trì chờ đợi việc đầu tư vào thị trường viễn thông Việt Nam thông qua Mobifone ngay khi có cơ hội [7].
Giả sử có một mạng viễn thông nào đó của nước ngoài định vào Việt Nam, phía Việt Nam nếu chiến đấu lẻ tẻ thì hẳn là sẽ thua, vì vậy, việc hợp nhất sẽ tốt hơn.
“Nếu rơi vào trường hợp này thì việc sáp nhập có 2 cái lợi: Một là tăng tính cạnh tranh của Việt Nam với đối tác nước ngoài, hai là tận dụng được về kinh tế khi sử dụng chung mạng lưới cơ sở hạ tầng” - TS. Phong nói [6].
Như vậy bài toán khó với chính phủ và bộ ngành Viễn thông là làm sao vừa thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh vừa đảm bảo lợi ích của người dân thông qua sự dụng vốn hiệu quả ở doanh nghiệp nhà nước về Viễn thông như VNPT và Viettel.
Có thể nói, MobiFone và VinaPhone đều là 2 doanh nghiệp đem lại lợi nhuận chủ yếu cho VNPT. Để tuân thủ Nghị định 25 của Chính phủ, việc buộc phải sáp nhập MobiFone và VinaPhone để tránh phải thoái vốn xuống còn 20% tại một trong 2 đơn vị kinh doanh của mình là một bài toán khó và sẽ còn gây nhiều tranh cãi trong thời gian tới.