Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên là loại tên lửa đẩy ba tầng với tổng chiều cao 30m. Trước nó, Triều Tiên đã trải qua vài lần phóng tên lửa thất bại, đáng chú ý nhất là sứ mệnh vệ tinh tương tự hồi tháng 4/2009.
Chỉ có điều vào năm 2009, các quan chức Triều Tiên tuyên bố vụ phóng vệ tinh đã thành công, trong khi giới tình báo Mỹ khẳng định tên lửa đẩy đã gặp sự cố trong lúc phóng. Tầng thứ hai cùng tầng thứ ba và vệ tinh mà tên lửa mang theo đã rơi xuống Thái Bình Dương.
Lí do khiến phương Tây đặc biệt quan ngại và kêu gọi Bình Nhưỡng hoãn vụ phóng tên lửa Unha-3 là vì đây là loại tên lửa có đủ khả năng bắn tới nước Mỹ cũng như các mục tiêu đường dài khác.
Trước khi phóng Unha-3, Triều Tiên đã thử nghiệm hai thiết bị nguyên tử song các chuyên gia nước ngoài tin rằng, nước này chưa thực sự làm chủ được các công nghệ cần thiết để gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa tầm xa, cũng như việc điều khiển các tên lửa đa tầng như Unha-3.
Hiện tại, tàu dò mìn của Hải quân Mỹ đã bắt đầu tuần tra vùng biển lân cận để tìm kiếm các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống, với hi vọng tìm ra đầu mối xác định chuyện gì đã xảy ra cũng như công nghệ tên lửa chính xác mà Triều Tiên sử dụng là gì.
Theo Telegraph, Triều Tiên đã chi tới 850 triệu USD cho đợt phóng Unha-3 và vệ tinh “theo dõi thời tiết” lần này. Tuy nhiên, tên lửa đã bị nổ chỉ 90 giây sau khi được phóng từ căn cứ Tongchang-ri, thuộc bờ biển phía Tây Triều Tiên, đài truyền hình NHK của Nhật Bản cho hay.
Trong khi đó, Norad – Trung tâm Chỉ huy Quốc phòng Không gian Bắc Mỹ cho biết tầng một của tên lửa đã rơi xuống biển còn hai tầng phía trên bị “hỏng”. Sự cố này không gây ra bất cứ tổn thất nào cho mặt đất, giới chức Mỹ phát biểu trên NBC News.
Theo VietNamNet