Ứng dụng

Vì sao Android, iOS thành công trong khi Windows Phone, WebOS thất bại?

Vì sao Android, iOS thành công trong khi Windows Phone, WebOS thất bại?

Hiện nay trên thị trường thiết bị di động như smartphone, tablet có tới dăm bảy HĐH cùng song hành tồn tại. Nhắm mắt tôi cũng có thể kể ra ít nhất 6 cái tên tương đối tiêu biểu là Android, iOS, Windows Phone, MeeGo, bada, WebOS. Danh sách này còn xu hướng kéo dài thêm vài dòng nữa nếu bạn kể đến cả những HĐH như Windows 8, Symbian, WinMo, BlackBerry OS, QNX...

 
Vấn đề là ở chỗ trong khi chỉ riêng 2 HĐH đầu tiên mà tôi liệt kê: Android (52,5%) và iOS (15%) đã thống trị tới 67.5% thị trường phần còn lại chia cho các hãng khác với 2 cái tên rất lớn là Symbian (16,9%) BlackBerry OS (11%). Điều đáng nói là thị phần của Symbian đang tụt dốc không phanh trong khi iOS ổn định còn Android tăng phi mã. Các HĐH khác như Windows Phone (1,5%), bada (2,2%) hầu như nắm giữ vị thế không đáng kể.
 
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao giữa các HĐH di động lại có sự chênh lệch về thị phần lớn đến vậy? Câu trả lời có thể chỉ đơn giản là "hỗ trợ nhiều ứng dụng, phần cứng ổn, giao diện hợp lý, ổn định sẽ đem lại thành công". Tuy nhiên trong bài viết này tôi muốn mổ xẻ nguyên nhân sâu xa hơn đằng sau những cái gạch đầu dòng xem chừng rất dễ hiểu ở trên.
 
Chậm là chết
 
Đã từng có thời Symbian nắm giữ tới trên 60% thị phần của thế giới di động, bằng cả Android lẫn iOS hiện nay cộng lại. Tuy nhiên khi cuộc đua mới giữa các HĐH di động được Apple phát động với sự ra đời của iOS thì Symbian lập tức tỏ ra chậm chạp, lề mề. Nếu bạn từng sử dụng qua 1 smartphone cảm ứng của Nokia như 5800 chẳng hạn, bạn sẽ hiểu tôi đang muốn nói điều gì. Trong khi các đối thủ của Symbian như iPhone và Android Phone ngày càng bóng bẩy, hoạt động mượt mà và nhanh nhẹn thì 5800 với màn hình cảm ứng điện dung và 1 giao diện cảm ứng chắp vá, chậm chạp đã góp phần hạ bệ vị vua 1 thời của thế giới smartphone.
 
 
 
 
Symbian không phải là nạn nhân duy nhất của thói lề mề. Windows Mobile cũng chết vì thay đổi quá chậm chạp. Palm OS chìm vào giấc ngủ vĩnh viễn sau vài năm "lười vận động", BlackBerry OS cũng đánh mất những khách hàng rất trung thành chỉ vì lười biếng cải tiến.
 
Về cơ bản, đối với smartphone, tablet thì nhân tố chính quyết định sự ứng dụng của các thành tựu công nghệ mới vào 1 sản phẩm nằm ở HĐH. Nếu như HĐH hỗ trợ phần cứng, công nghệ đó thì nhà sản xuất mới có thể tích hợp nó vào trong sản phẩm của mình. Đơn cử 1 ví dụ cho vấn đề này là chuyện màn hình cảm ứng điện dung. Mặc dù có những ưu điểm vượt trôi như bề mặt cứng, ít xước, thao tác nhạy hơn, ít độ trễ hơn,chất lượng hình ảnh cao hơn và hỗ trợ cảm ứng đa điểm nhưng trong khi iPhone sử dụng công nghệ này từ những ngày đầu tiên và đem lại thành công vang dội thì các đối thủ như Symbian, Windows Mobile vẫn "kẹt" với công nghệ cảm ứng điện trở lạc hậu vì các HĐH này không hỗ trợ màn hình cảm ứng điện dung. HTC, Nokia, Samsung dù rất muốn nhưng cũng chỉ có thể cho ra đời những điện thoại với màn hình cảm ứng điện trở. Hoặc 1 ví dụ khác gần đây hơn là việc tích hợp NFC trong thiết bị di động. Chỉ khi nghe "phong thanh" Android 4.0 sẽ hỗ trợ NFC thì các hãng sản xuất mới rục rịch tích hợp con chip này vào các smartphone thế hệ mới.
 
 
 
 
HĐH luôn là nhân tố đi đầu, các chuẩn phần cứng đều xoay quanh nó, điều này đúng không chỉ trong thế giới smartphone mà cả với PC cũng vậy. Chính vì điều này nên nếu 1 HĐH chậm đổi mới, thiếu tính cạnh tranh thì nó sẽ bị các đối thủ khác đè bẹp, dù bản thân nó có lớn mạnh tới đâu hoặc phần cứng của nó tốt tới mức nào. Nokia và Symbian là 1 ví dụ điển hình. Chất lượng phần cứng của các smartphone do Nokia sản xuất thuộc loại số 1 thế giới và Symbian cũng từng có một chỗ đứng rất vững chắc, nhưng cuối cùng Symbian vẫn thất bại là do HĐH này trở nên lạc hậu giữa một rừng smartphone chạy iOS và Android quá xuất sắc. Khi này ưu thế cạnh tranh duy nhất của Symbian là kho phần mềm lớn sau gần 10 năm phát triển và thống trị. Tuy nhiên lợi thế này không duy trì lâu vì người sử dụng ban đầu còn "lưu luyến" Symbian vì họ không muốn bỏ đi những ứng dụng mà mình đang dùng trên Symbian. Nhưng khi Android và iOS lớn mạnh hơn thì các ứng dụng đó cũng lần lượt xuất hiện trên iOS, Android và đánh dấu chấm hết cho Symbian.
 
Trâu chậm uống nước đục
 
Tuy nhiên lý luận trên không giải thích được sự thất bại của Windows Phone 7 và gần đây là pha "chết hụt" của WebOS. Đã từng sử dụng Windows Phone 7 trong hơn 2 tháng trời, tôi có thể nói với bạn rằng HĐH này rất cạnh tranh về tính năng nếu so sánh với Android hay iOS, ngay cả đứa con bị ghẻ lạnh của Nokia như MeeGo hoặc WebOS xấu số của HP đều để lại cho tôi những ấn tượng rất tốt trong thời gian dùng thử chừng một vài ngày tới vài tuần. Giao diện của Windows Phone tỏ ra trơn tru, mượt mà và khoa học hơn so với Android, iOS. Tính năng quản lý ứng dụng đa nhiệm và định hướng giữa các tính năng của WebOS và MeeGo đều tỏ ra xuất sắc hơn cả iOS lẫn Android.
 
Có thể nói một cách công tâm rằng Windows Phone, WebOS, MeeGo đều có những điểm mạnh của mình và nếu so sánh cạnh nhau thì các HĐH này không hề thua kém iOS hay Android về độ tiện dụng, tính trực quan cũng như thẩm mỹ, thậm chí nếu xét ở 1 vài khía cạnh có lẽ còn hơn. Điều đó có nghĩa là Windows Phone, MeeGo, WebOS không hề "thiếu năng lực" như Symbian, Windows Mobile, trái lại chúng là những HĐH đầy tính cạnh tranh cũng như cách tân. Vậy thì tại sao Windows Phone, WebOS lại không thể thành công giống như Android?
 
 
 
 
 
Cá nhân tôi cho rằng 1 phần của nguyên nhân nằm ở vấn đề thời gian. Khi Android ra mắt, đối thủ lớn nhất của nó là iOS, nhưng bản thân iOS không ra đời để trở thành HĐH thống trị về thị phần. Làm sao 1 chiếc smartphone như iPhone có thể nắm giữ 90% thị phần được? Dù iPhone có tốt tới đâu nó cũng không bao giờ thỏa mãn được nhu cầu của những ai mong muốn màn hình lớn hơn 3,5 inch, bàn phím QWERTY, mạng 4G, cơ chế cài đặt ứng dụng và quản lý dữ liệu mở, không thông qua iTunes hoặc chỉ đơn giản là 1 cái giá "dễ thở" hơn... Mặc dù thiết kế cũng như tính năng của iPhone rất xuất sắc, nhưng nó sẽ chỉ thỏa mãn 1 phần nhỏ của thị trường, phần còn lại vẫn kiếm tìm 1 thiết bị "giống iPhone mà không phải là iPhone".
 
Android ra đời sau iOS khoảng gần 1 năm và choán vào chỗ trống mà iPhone không (và không thèm) chiếm lĩnh. Với lợi thế HĐH mở và hỗ trợ phần cứng rộng rãi, Android có thể uốn mình theo mọi đối tượng người dùng, luồn lách thỏa mãn mọi tầng lớp. Đó là lý do khiến Android có thể thành công được. Các HĐH muốn lớn mạnh được đều phải nhờ vào hiệu ứng "quả cầu tuyết" khi mà có nhiều người ưa thích, sử dụng 1 nền tảng sẽ kéo theo lợi nhuận viết ứng dụng cho nền tảng đó tăng, lợi nhuận sản xuất phần cứng tăng thu hút 2 đối tượng là nhà sản xuất thiết bị và lập trình viên tham gia vào công đồng của nền tảng ấy. 2 đối tượng này sẽ cho ra ngày càng nhiều ứng dụng và phần cứng, thỏa mãn nhiều hơn nhu cầu của người sử dụng và lôi kéo thêm người dùng mới. Cứ thế 1 HĐH di động sẽ giống như 1 quả cầu tuyết, càng lăn càng lớn. Đó cũng chính là điều đã xảy ra với Android, iOS.
 
Và khi "quả cầu Android" đã quá lớn, lợi ích của người sử dụng khi dùng thiết bị chạy Android như nhiều ứng dụng, nhiều sự lựa chọn phần cứng, giá thành rẻ sẽ làm lu mờ đi những ưu thế của các HĐH cạnh tranh như Windows Phone, WebOS. Windows Phone, WebOS ra đời sau Android đã không thể tìm được đối tượng khách hàng của mình và đành chấp nhận dậm chân tại điểm xuất phát. Nếu như iOS để lại những lỗ hỏng rất lướn cho Android vươn lên thì bản thân Android đã trám kín hầu hết mọi nhu cầu về smartphone hiện tại khiến Windows Phone không thể phát triển được. Có thể mọi chuyện đã rất khác với Windows Phone nếu như nó ra đời sớm hơn Android, cùng thời điểm với iOS. Bỏ mất "thiên thời", Windows Phone không thể tiến xa hơn, bất chấp việc bản thân nó không hề thua kém Android.
 
Sống cộng sinh là chìa khóa của vấn đề
 
Tham gia vào ngành công nghiệp smartphone có 4 đối tượng chính mà chúng ta có thể kể tên như sau:
 
Bên sản xuất phần cứng: Gồm các hãng sản xuất ra thiết bị mà chúng ta cầm trên tay như HTC, Samsung, Apple. Mục tiêu của các công ty này là bán được càng nhiều sản phẩm càng tốt, bất kể là sản phẩm đó chạy Android hay Windows Phone.
Bên cung cấp HĐH (Apple, Microsoft, Google...): Hãng xây dựng nên các HĐH di động như iOS, Windows Phone, Android. Như đã trình bày ở trên, những công ty cung cấp HĐH là bên thực sự đứng sau mọi tiến bộ của thị trường di động và họ là bên quyết định những gì sẽ được tích hợp vào trong sản phẩm chạy trên nền tảng của mình.
Bên cung cấp phần mềm: Là các lập trình viên, công ty gia công phần mềm có nhiệm vụ viết ra phần mềm, ứng dụng trên 1 nền tảng. Đây là lực lượng rất quan trọng trong việc phát triển thị phần của 1 HĐH. Các lập trình viên sẽ luôn hướng tới HĐH nào mà ứng dụng của họ sẽ đem lại nhiều lợi nhuận nhất.
Người tiêu dùng: Điều duy nhất mà chúng ta muốn là 1 sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình hơn, dễ sử dụng hơn, đẹp mắt hơn với 1 cái giá rẻ hơn.
 
4 lực lượng kể trên quyết định thành bại của bất kỳ sản phẩm hay HĐH nào trên thị trường. Sự thành công của sản phẩm luôn bắt nguồn từ sự hoạt động hiệu quả, nhịp nhàng và trơn tru của cả 4. Tuy nhiên bản thân giữa các đối tượng này luôn tồn tại sự cạnh tranh về lợi ích khiến 1 HĐH gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Để thành công, 1 HĐH phải triệt tiêu đến mức tối đã những xung đột này. Chẳng hạn như khi Android lớn mạnh, được nhiều hãng tham gia sản xuất thì Google đã phải rất vất vả để thuyết phục các hãng sản xuất chịu khó thường xuyên cập nhật phiên bản Android mới cho các thiết bị cũ, từ đó gây ra sự phân mảnh của Android. Hoặc các lập trình viên cũng cảm thấy rất "ức chế" vì ứng dụng của mình viết ra bị Apple từ chối để đảm bảo tính toàn vẹn và tính an toàn của HĐH.
 
 
 
 
Và nguyên nhân iOS trở nên thành công là do Apple đã cắt giảm hẳn 1 trong 4 lực lượng kể trên bằng cách đảm đương cùng lúc 2 nhiệm vụ :sản xuất cả phần cứng và HĐH. Việc nắm khâu sản xuất phần cứng khiến Apple đồng bộ được phần cứng với phần mềm. Điều này lý giải tại sao nếu Apple đã đưa tính năng gì lên iPhone thì tính năng đó nhất định hoàn hảo trong khi Google dù rất muốn cũng không thể bắt ép được HTC, Samsung sản xuất theo ý mình. Việc triệu tiêu được sự bất đồng giữa bên sản xuất phần cứng và HĐH đã giúp iPhone đạt được vị trí như ngày hôm nay.
 
Không nắm được khâu sản xuất phần cứng nhưng Google thành công với Android vì hãng này cố gắng "nhường nhịn" tất cả các bên còn lại để giảm thiểu xung đột. Google "thả cửa" cho các hãng sản xuất tha hồ "tự tung tự tác" và chịu rất ít chi phối từ phía Google. Tương tự Android Market cũng không có sự quản lý khắt khe và các lập trình viên có thể đưa ứng dụng lên đó 1 cách khá dễ dàng. Hướng tiếp cận của Google cho kết quả là sự bùng nổ của cả 1 thế giới Android như ngày hôm nay dù rằng 99% thị trường không còn là phiên bản Android nguyên gốc nữa. Google cố gắng giúp tất cả các bên làm tốt nhất công việc của mình (lập trình viên thì viết càng nhiều ứng dụng càng tốt còn nhà sản xuất thì cho ra càng nhiều model càng tốt).
 
Nhìn theo cách này thì Microsoft lại đang "gây hấn" với tất cả các bên tham gia vào cộng đồng Windows Phone. Để đảm bảo tính nhất quán về phần cứng, Microsoft đòi hỏi 1 cấu hình tối thiểu cao ngất ngưởng (CPU 1GHz, 512MB RAM...) và ép buộc các nhà sản xuất phải cập nhật các phiên bản Windows Phone cho các thiết bị cũ hầu như lập tức đồng thời không được tùy biến HĐH này. Điều đó lý giải sự thờ ơ với Windows Phone của cả các đồng minh thân cận với Microsoft như HTC, Samsung. Chợ ứng dụng của Windows PHone cũng khắt khe chẳng kém gì iOS và làm mếch lòng các lập trình viên. Đối với bản thân mình, Microsoft cũng rất chậm cập nhật tính năng cho Windows Phone khi mà tới bản 7.5 vừa ra mắt Windows Phone vẫn chưa hỗ trợ chip lõi kép. Cách làm quá cầu toàn của Microsoft hóa ra lại là xôi hỏng bỏng không do đã "chọc giận" tất cả các bên.
 
Kết luận
 
Trận chiến HĐH di động đến nay đã bước qua năm thứ 4 nhưng chưa hề có dấu hiệu lắng dịu. Windows Phone hiện đang gặp khó khăn nhưng không có nghĩa là nó đã hết hi vọng, chỉ cần Microsoft tìm được 1 đối tượng kháhc hàng phù hợp với Windows Phone và bám vào đó để phát triển vì HĐH này vẫn có "cửa" để đi lên. Bên cạnh đó Android, iOS dù xếp thứ hạng cao nhưng vẫn phải liên tục tự đổi mới mình nếu không muốn đi vào vết xe đổ.
 
Cá nhân tôi không bao giờ ủng hộ các bài viết so sánh về HĐH. Tôi cho rằng việc so sánh theo kiểu "bới lông tìm vết" để chỉ ra HĐH nào tốt hơn rất vô nghĩa. Kể cả trong trường hợp iOS tốt hơn Android thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc iOS thành công hơn Android. Sự thành công của 1 HĐH còn đòi hỏi sự làm việc nhịp nhàng bên trong hệ cộng sinh của nó và 1 khởi điểm tốt.
 
Chúng ta không cần phải quan tâm xem HĐH nào là tốt nhất, vì cũng giống như trong đời thực để thành công, không nhất thiết bạn phải là người xuất sắc nhất. Nhưng tất nhiên hãy cố gắng đừng là người chậm chạp, ù lì nhất giữa 1 đám đông toàn những thiên tài.