2011 được coi là một năm sôi động của làng công nghệ với nhiều sự kiện bất ngờ, nhiều thiết bị đình đám nhưng cũng xuất hiện những mảng sáng tối, đặc biệt là sự đi xuống của một số tên tuổi "gạo cội".
RIM và PlayBook: 2011 đúng là giai đoạn đen đủi với RIM. Giá cổ phiếu của họ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua. Lần đầu tiên, iPhone đã "hạ đo ván" BlackBerry để trở thành điện thoại ưa chuộng của doanh nhân. Thị phần smartphone tại Mỹ của họ tuột dốc từ 24% năm ngoái xuống còn vỏn vẹn 9,2% vào quý III năm nay. Máy tính bảng PlayBook mà họ mạnh miệng tuyên bố sẽ đánh bại iPad trong năm 2010 giờ liên tục bị giảm giá xuống còn 200-300 USD |
HP và webOS: Dù được đánh giá là một nền tảng hay, thông minh và đầy hứa hẹn, vận rủi đã luôn đeo bám webOS. Sau khi thất bại với Palm, những tưởng hệ điều hành này sẽ tìm được "bến đỗ" với giá 1,2 tỷ USD tại HP. Nhưng đến tháng 8/2011, HP cay đắng nhận ra tham vọng hợp nhất mọi thiết bị tương lai của họ không dễ thực hiện. Họ tuyên bố khai tử dòng sản phẩm chạy webOS, thậm chí có ý định từ bỏ mảng máy tính cá nhân - lĩnh vực họ đang đứng số một. |
Dell Streak: Thêm một hãng nữa kém may khi tham gia vào thị trường máy tính bảng. Chưa đầy một năm trình làng, Dell nói lời tạm biệt mẫu Streak 5 sau khi đã có một "hành trình thú vị". Nhưng nếu thực sự thú vị thì hãng này đã không dễ gì khai tử sản phẩm "không phải smartphone cũng chẳng phải tablet" ấy. Phiên bản Streak 7 ra đời sau đó cũng nhanh chóng trở thành dĩ vãng và giới quan sát cho rằng tốt nhất Dell không nên tham gia thị trường này nữa. |
Cisco Flip: Vừa "chân ướt chân ráo" về Cisco, máy quay Flip Camcorder từng khuấy đảo thị trường một thời đã bị hãng này mạnh tay xóa sổ vì doanh số chỉ đạt một nửa kỳ vọng. Song song với đó là sự ra đi của 550 nhân viên trong kế hoạch tái cấu trúc và cân bằng tài chính của Cisco trước ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. |
Nokia, Symbian và Meego: Nokia đang ở trong tình cảnh khá oái oăm. Họ đang là hãng điện thoại lớn nhất thế giới, nhưng thực tế không thể hiện được vị thế dẫn đầu đó. Dù bán được nhiều sản phẩm nhất, họ vẫn thua lỗ và là công ty có tốc độ sụt giảm thị phần nhanh nhất. Không chỉ Apple mà cả Samsung đã chiếm mất ngôi đầu của họ trong mảng smartphone. Họ sa thải hàng nghìn nhân viên và tự tay kết liễu nền tảng Symbian vốn phổ biến nhất thế giới. Họ cho ra đời N9 nhưng tuyên bố không phát triển hệ điều hành Meego nữa mà chuyển sang Windows Phone, khiến người ta tự hỏi sao phải bỏ tiền ra mua một thiết bị không có tương lai? |
Sony PlayStation Network bị tấn công: Bắt đầu từ ngày 20/4, Sony phát hiện PlayStation Network và Qriocity bị hacker khai thác và đóng cửa hai mạng này vào 21/4 nhưng không đưa ra bất kỳ thông báo nào về chuyện bị hack. Chỉ khi không khắc phục được sự cố, họ mới thừa nhận và mở cuộc điều tra toàn diện. Đến giữa tháng 10/2011, PlayStation Network lại bị thâm nhập trái phép từ bên ngoài. Tai nạn này cho thấy Sony đã quá chậm chạp trong việc ứng phó với sự cố trên mạng, gây phiền toái cho hàng chục nghìn thành viên. |
Yahoo: Cột mốc đánh dấu sự lụi tàn của Yahoo không phải việc họ liên tục đóng cửa các dịch vụ tiếng tăm hay sa thải CEO Carol Bartz, mà chính là việc tấm biển chào đón du khách tới San Francisco, đã trở thành biểu tượng trong suốt 12 năm qua (từ 1999) sẽ bị gỡ xuống và thay thế bằng thông điệp khác từ 1/12 tới. Khó có thể tưởng tượng một đế chế với hàng trăm triệu người dùng trên Internet đang đứng trước nguy cơ trở thành món hàng bị đem ra rao bán. |
Facebook Message: Năm 2011, Facebook có hai thay đổi quan trọng và thu hút sự chú ý lớn của giới công nghệ. Thứ nhất là Facebook Messages, được đánh giá là mối đe dọa lớn của các dịch vụ e-mail bởi nó tập hợp thư, thông điệp, tin nhắn SMS, chat trong cùng một giao diện để người dùng dễ quản lý hơn. Thứ hai là Timeline - cải tổ về giao diện lớn nhất và táo bạo nhất của mạng xã hội này. Tuy nhiên, hòm thư Facebook không được mấy ai chú ý còn Timeline vẫn chưa thể đường hoàng ra mắt vì vướng vào rắc rối bản quyền thương hiệu với công ty có tên Timeline.com (xuất hiện từ năm 2008). |