Điện thoại

“Unlock truyền kỳ” hay những giai thoại về mở khóa di động

“Unlock truyền kỳ” hay những giai thoại về mở khóa di động

Ngày nay nhắc đến unlock, người ta thường nghĩ ngay đến việc bẻ khóa iPhone hay BlackBerry “dễ như ăn cháo” bằng các công cụ hay code sẵn có. Tuy nhiên, trong lịch sử hơn 1 thập kỷ, unlock đã có lúc là một nghề đòi hỏi biến chiêu và sự cao tay của các unlocker.

<> 

1 thập kỷ unlock


Chẳng ai nhớ nổi những chiếc điện thoại đầu tiên bị lock là model gì nhưng có lẽ là thuộc về Nokia bởi thời gian những năm 2001, 2002 là thời điểm bùng phát của các mạng di động và cũng là lúc các dòng máy này được nhập nhiều về Việt Nam.

 

Nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu qua đường xách tay, các điện thoại lúc bấy giờ có xuất xứ từ Dubai – do thời điểm đó VietNam Airlines còn duy trì đường bay này và điện thoại được các tiếp viên hàng không đưa về. Ngoài ra cũng có những máy khóa mạng do các du học sinh đem về từ các nước châu Âu và có lẽ vì thế thương hiệu chủ yếu lúc bấy giờ là Nokia – khi đó vốn đang chiếm thị phần áp đảo, và nghề mở khóa di động xuất phát từ đây.

 

 


Một bộ box unlock thường đi kèm cả một mớ cáp cho từng loại điện thoại khác nhau.

 

Để mở khóa một điện thoại di động, các unlocker thường dùng tới Box unlock vốn xuất xứ từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Các box này thực chất là một bộ giải mã, có nhiệm vụ dò ngược các đoạn mã bằng phép tính chỉnh hợp lặp để từ đó đưa ra dãy số để người dùng nhập vào và mở mạng hoặc tự động mở.

 

Trong một số trường hợp, máy sử dụng firmware lock, các box này cũng có nhiệm vụ reset sang một firmware “sạch” để sử dụng SIM nhà mạng khác. Dưới những cái tên như Blackbox, Optopus box… thực chất về mặt chức năng là giống nhau, chỉ khác nhà sản xuất hoặc hỗ trợ các dòng di động khác biệt.

 

 


Box unlock giờ đã rẻ và mạnh hơn các thế hệ cũ.

 

 

Anh Dũng, một thợ mở khóa di động đã giải nghệ trầm ngâm kể lại: “Thời giá lúc đó cho một box mở mạng rất đắt, có lúc hơn 2000USD/box và đi kèm rất ít cáp, mỗi cáp lại chỉ dùng được cho một dòng máy riêng. Sau này muốn mua thêm cáp thì phải trả thêm tiền, tùy loại cáp mở mạng máy ‘hot’ hay không có giá khác nhau nhưng không dưới 20USD/sợi. Mỗi box bán ra đều được hưởng chế độ sau bán hàng bằng một tài khoản download các firmware mới cho điện thoại hay các soft unlock dành cho box”.

 

Lịch sử unlock của giai đoạn này gắn liền với những cái tên như Tuấn Anh “Nguyễn Du”, Tuấn “Hàng Gà”, Nhật “Nhà Chung”… với việc nhận unlock điện thoại theo lô hay cập nhật firmware tiếng Việt với chất lượng ổn định. Thậm chí, đã có lúc việc mở khóa điện thoại tại Việt Nam còn được trang tin CNet đánh giá như một công việc thú vị, lợi nhuận cao.

 

Thời điểm này, các máy đem về Việt Nam giải mã đa số là các máy Nokia đơn sắc hoặc các dòng Samsung màn hình đa sắc xách tay từ châu Âu. Thường thì việc unlock chỉ mất khoảng 5 đến 10 phút để dò code và giá thành thì “thuận gà mà chém”, dao động từ 50 ngàn cho tới vài trăm ngàn.

 

Những giai thoại của unlocker


Xuyên suốt 1 thập kỷ unlock ấy, đã có khá nhiều giai thoại liên quan đến công việc khó-định-nghĩa-về-tính-hợp-pháp này. Thực tế thì ở các nước mà nhà mạng bán máy kèm dịch vụ, unlock là bất hợp pháp, nhưng ở Việt Nam, đó lại là một nghề hái ra tiền bởi nhu cầu ngày một tăng do lượng người Việt nhập cảnh về nước sau thời gian tu nghiệp gia tăng.

 

Unlock cũng ba bảy đường unlock. Ngoài việc dò code và mở mạng dễ dàng bằng box thì cũng có những “ca khó”, đòi hỏi thợ cao tay hơn với những tiểu xảo mà chỉ có dân trong nghề mới biết.

 

 


Nhiều máy Motorola phải mở máy và đấu testpoint tiếp đất mới có thể unlock.

 

 

Anh Quốc Anh, thợ mở mạng di động một cửa hàng Hai Bà Trưng kể lại: “Có những dòng máy Motorola khi đem về muốn mở mạng thì phải tháo toàn bộ vỏ máy, để trơ ra phần bo mạch rồi đấu tiếp đất testpoint và chạy phần mềm unlock P2K trên máy tính để giải mã”.

 

Cũng có những trường hợp khác là những chiếc điện thoại Sharp 903SH – vua điện thoại chụp ảnh một thời vốn chỉ có hàng xách tay từ Nhật của nhà mạng Vodafone thì lại phải câu dây để “đánh lừa” bộ quét SIM. Thủ thuật này nhằm tác động tới máy bỏ qua phần nhận dạng SIM nhà mạng Vodafone mà chạy thẳng vào chức năng, từ đó cho phép người dùng cắm SIM nhà mạng Việt Nam để sử dụng.

 

 


Sharp 903SH hay các dòng điện thoại từ Nhật là những "ca khó" đối với các unlocker.

 

 

Ngoài ra, cách unlock bằng ghép SIM cũng là phương pháp khá hữu hiệu cho những trường hợp siêu khó như những dòng điện thoại nội địa Nhật của Softbank hay ngay cả với iPhone 4 bản lock nhà mạng AT&T. Các SIM ghép này cũng có tác dụng như việc câu dây nhưng an toàn hơn do không phải đụng chạm đến bảng mạch của máy.

 

Có những trường hợp công nghệ unlock không theo kịp công nghệ khóa của nhà mạng khiến không ít tình huống bi hài xảy ra. Đơn cử như hồi năm 2006, thị trường xuất hiện hàng loạt điện thoại Nokia 6630 của Vodafone tại Nhật đưa về với giá “cực bèo”, chỉ xấp xỉ 1,8 triệu/máy do không thể unlock (trong khi giá hãng là hơn 7 triệu) và người ta mua về chỉ để nghe nhạc và chụp ảnh vì máy ảnh 1.3 Megapixel của Nokia 6630 lúc bấy giờ là thuộc hàng “đỉnh”.

 

Đùng một cái, các dòng máy BB5 như Nokia 6630 có box giải mã và ngay lập tức giá máy tăng gấp 3 lần chỉ sau 1 đêm và những chủ hàng đang ôm lô máy này cũng thở phào thoát gánh nặng “ôm bom” sau gần nửa năm “đắp chăn” máy trong kho, vốn chết.

 

 


Một dàn PC "khủng" dùng để giải mã điện thoại (Ảnh: Phuonganhmobile).

 

 

Cùng thời điểm này năm ngoái, một hiện tượng hy hữu với dân IT khi đồng loạt các card màn hình Radeon HD 5800, 5900 series cháy hàng một cách bí ẩn. Ngay cả tại những site linh kiện nước ngoài cũng không có hàng mà bán và giá card này đang từ 7,8 triệu có lúc cao điểm vọt lên tới hơn 15 triệu/card.

 

Hỏi ra mới biết, một hacker người Nga đã viết được một phần mềm mang tên MXKey tối ưu hóa các lõi GPU của các card màn hình cao cấp này, từ đó vận hành như một bộ dò mã điện thoại để mở khóa mềm các dòng máy BB5 SL3 của Nokia như N97, E71, E63…

 

 

Để giải mã code dòng BB5 SL3 phụ thuộc sức mạnh của card màn hình, càng cao thì càng nhanh.

 

 

Vậy là nhà nhà đua nhau lắp những dàn PC “khủng” với 2 card màn hình chạy chế độ CrossFire nhằm tăng hiệu năng…giải mã. Chưa biết lời lãi cho mỗi lần mở khóa là bao nhiêu nhưng xem ra mỗi lần unlock cho một chiếc di động mất tới 2,3 tiếng dò code thì tiền điện cũng quá…tiền vốn bởi card HD 5890 vốn là dòng “ngốn điện như trâu uống nước”. Ấy là còn chưa tính đến việc đang unlock thì... cúp điện hay card màn hình yếu dẫn tới việc giải mã tốn nhiều thời gian, thậm chí là...vài ngày khiến khách hàng khó chịu.

 

Gần đây nhất là sự kiện iPhone 4 với sản phẩm Gevey SIM, có thể mở khóa được các máy khóa mạng AT&T, một điều mà các hacker vẫn “bó tay” kể từ khi siêu hacker Geohot rời bỏ sân chơi phá mã hệ máy này.

 

Tính hợp pháp của việc mở mạng di động cho đến nay còn khá nhiều bàn cãi bởi đa số các khách hàng tìm đến dịch vụ này đều là phá vỡ hợp đồng sử dụng với nhà mạng, lấy máy về với giá rẻ và “bùng” các cam kết về cước tại quốc gia mình mua máy. Nhưng bên cạnh đó cũng có những người dùng đã hết thời gian cam kết và trở về Việt Nam, từ đó phát sinh nhu cầu unlock để sử dụng với các nhà mạng trong nước. Thật khó để quy tội cho các unlocker bởi xét cho cùng họ cũng chỉ là những thợ khóa, sửa những ổ khóa của khách nhưng đôi khi lại “đánh chìa” cho kẻ gian và vì thế lock và unlock sẽ vẫn mãi là một câu chuyện dài song hành cùng sự phát triển của thế giới di động.