Laptop

Ultrabook màn hình chạm: bán cho ai?

Ultrabook màn hình chạm: bán cho ai?

Intel muốn đưa ultrabook màn hình chạm ra thị trường trong khi ultrabook "không chạm" còn đang chật vật tìm chỗ đứng. Liệu ultrabook "chạm" có đất sống?

Intel vừa đưa ra một kiểu thiết kế tham khảo dành cho ultrabook màn hình chạm trong tuần này. Trong khi đó, các nhà sản xuất máy tính (PC) còn đang chật vật trong việc làm cho các ultrabook không “chạm” trở nên chấp nhận được với đông đảo người tiêu dùng. Câu hỏi đặt ra là: nếu họ sản xuất ultrabook màn hình chạm, ai sẽ chấp nhận mua nó?

Tại Cebit 2012, gian hàng của Intel trưng bày mẫu thiết kế tham khảo của chiếc ultrabook cảm ứng nói trên. Máy có đặc tính nổi trội là mỏng và nhẹ, dùng bộ xử lí Ivy Bridge tốc độ 1,5 GHz, màn hình chạm 13,3 inch với độ phân giải 1600x900 pixel, hỗ trợ điều khiển chạm trên cả 10 ngón tay. Đây mới chỉ là dạng mẫu Intel trưng bày chứ chưa phải là sản phẩm thương mại, có tác dụng để các nhà sản xuất PC tham khảo khi xây dựng laptop theo ý tưởng của riêng họ.

Tương tác với màn hình chạm của ultrabook Lenovo IdeaPad Yoga

Tuy nhiên, các nhà sản xuất PC này đang gặp phải khó khăn khi cố gắng giảm giá các model ultrabook đang bán trên thị trường, sử dụng bộ xử lí Sandy Bridge (“đàn anh” của Ivy Bridge) và không có màn hình chạm. Đơn cử là trường hợp Acer. Hãng này chia sẻ rằng ngay cả việc duy trì các ultrabook cấp thấp có giá khoảng 799 USD cũng chỉ là một cách gắng “cầm cự”, vì Acer hầu như không có lãi khi người dùng mua ultrabook với mức giá này.

Theo Acer, giá bán thấp là cần thiết để thu hút nhiều người sử dụng ultrabook, nhưng điều này chỉ có ý nghĩa nếu như có những khách hàng mua máy có thông số tốt hơn, đi kèm là lợi nhuận công ty thu về cũng phải cao hơn. Do đó, mô hình trên có vẻ sẽ không kéo dài.

Các nhà phân tích cho rằng khi Intel giới thiệu ultrabook màn hình chạm với bộ xử lí Ivy Bridge thì dường như các nhà sản xuất máy tính xách tay trông chờ Sandy Bridge giảm giá, hơn là nghĩ đến hiệu quả sử dụng điện năng và năng lực cao hơn của bộ xử lí mới. Thực tế, các nhà sản xuất chưa đủ điều kiện thuận lợi để cạnh tranh với sản phẩm công nghệ cao của Apple cũng như giữa họ với nhau.

Do vậy, Intel cần giới thiệu mẫu thiết kế tham khảo có khả năng chuyển đổi laptop thành máy tính bảng, chứ không chỉ là đưa thêm màn hình chạm vào laptop truyền thống. Nếu một ultrabook có thể chuyển đổi thành máy tính bảng thì nó cũng mang đến cơ hội để giá bán cao hơn, bởi vì người mua có thể chấp nhận chi tiền để mua một thiết bị “2 trong 1”. Với Windows 8 Consumer Preview đã được cung cấp, giờ là lúc Intel và các nhà sản xuất PC có thể thu hút sự chú ý của người dùng bằng việc trình diễn các máy tính "2 trong 1".