Laptop

Ultrabook khó có thể bùng nổ trong năm 2012

Ultrabook được cho là có hứa hẹn cạnh tranh với máy tính bảng (MTB) nhưng giới chuyên môn vẫn nhận định, 2012 sẽ không phải là năm vàng của ultrabook.

Trong năm 2011, các ultrabook sử dụng nền tảng Windows đã trễ hẹn về ngày lên kệ. Trong khi đó, cả Acer và Asus – hai hãng sản xuất tích cực nhất trong việc chuyển hướng từ MTXT thông thường sang ultrabook đã buộc phải thông báo về việc cắt giảm sản lượng sản xuất ở mức lên đến 40%, bất chấp những nỗ lực của Intel trong chiến lược phát triển ultrabook của họ.

Liệu sang năm 2012, các nhà sản xuất có thể làm gì để ultrabook "bùng nổ"?

Giới phân tích nói gì?

Điểm sáng cho tương lai của ultrabook có lẽ chính là Intel khi hãng này vẫn đang nỗ lực đưa ultrabook trở thành xu hướng chiến lược chính của họ trong năm 2012. Triển lãm CES đầu tháng 1 tới hứa hẹn sẽ có sự góp mặt của khoảng 30-50 mẫu ultrabook và theo dự tính, số lượng ultrabook bán ra trong năm 2012 tới sẽ tăng từ 1 triệu chiếc (2011) lên đến 136,5 triệu chiếc (2015), theo iSuppli projects.

Thậm chí, CEO của Intel là Paul Otellini còn muốn các nhà sản xuất cho ra những mẫu ultrabook có màn hình cảm ứng để hỗ trợ Windows 8. Liệu một làn sóng những mẫu máy hoàn toàn mới về thiết kế và kiểu dáng sẽ tạo nên doanh số ấn tượng?

“Sự hào hứng người dùng đang tăng lên. Giờ đây, họ rất quan tâm đến việc liệu ultrabook có phù hợp cho công việc”, David Johnson – phân tích viên của Forrester nói, “Đó sẽ là các mẫu sản phẩm đáng chú ý bởi nó rất hợp thời”.

Thách thức đối với các nhà sản xuất ultrabook là phải tạo nên được sản phẩm với những đặc tính tiện dụng mà không phải hi sinh khả năng xử lí – điều mà hầu hết khách hàng mong muốn ở các notebook đa dụng. Apple đã làm rất tốt điều này trong sản phẩm MacBook Air của họ.

Các mẫu ultrabook đòi hỏi linh kiện bên trong phải thật xuất sắc. “Bạn thấy đấy, tất cả các thông số kĩ thuật tuyệt vời, như là bộ xử lí i5, i7, hay các chip xử lí tốc độ cao khác, cùng với ổ lưu SSD… chính là đặc điểm tạo nên đẳng cấp của dòng ultrabook. Các nhà sản xuất đang nỗ lực làm ra những chiếc ultrabook khác biệt về hình thức, đồng thời tăng cường tính khả dụng của nó”, Johnson nói.

Thêm vào đó, vấn đề giá bán cũng là một yếu tố quan trọng khi con số coi là hợp lí với người dùng là không quá 1.000 USD (~21 triệu đồng). Hiện tại, mới chỉ có một vài mẫu ultrabook như Acer Aspire S3, Toshiba Portege Z835, và Asus Zenbook có giá ở mức như mong muốn đó.

"Người ta không thể đoán biết trước được Windows 8 sẽ mang đến điều kì diệu nào, cũng như không thể biết được giá bán của ultrabook liệu có thể hạ được bao nhiêu. Ultrabook khó có thể tăng tốc nếu như giá thành không giảm xuống ít nhất 25% so với mức trung bình hiện tại. Vì thế, chúng tôi không nhiều lạc quan về doanh số của ultrabook trong năm 2012”, Ranjit Atwal, Giám đốc nghiên cứu của Gartner, nói.

Nhà sản xuất cũng thận trọng

Theo DigiTimes, đến nay, hầu hết các nhà sản xuất MTXT đều đã quay lưng lại với thị trường netbook đang có doanh số vô cùng èo uột; đồng thời, những tham vọng của họ trên thị trường máy tính bảng trước kia cũng đang giảm sút sau những kết quả không mấy sáng sủa trong năm.

U-series của Asus chưa hấp dẫn.

Gần như thất bại trên mọi mặt trận, các nhà sản xuất máy tính truyền thống đang mong muốn đẩy mạnh phát triển các mẫu ultrabook với hi vọng thu về lợi nhuận vốn đang bị suy giảm. Họ đặt niềm tin vào xu hướng ultrabook bởi doanh số của Macbook Air vẫn không ngừng tăng lên. Trong tháng 11/2011, Macbook Air chiếm đến 28% tổng sản lượng máy tính xách tay của Apple – trong khi đó, nhiều tin đồn nói rằng Apple sẽ tiếp tục phát triển dây chuyền sản xuất của họ với mẫu máy có kích cỡ màn hình 15-inch.

Dù vậy, trong năm 2011, các hãng sản xuất đã có một khởi đầu khá chậm với những nỗ lực để có thể giảm giá sản phẩm bằng việc nghiên cứu sử dụng các linh kiện giá rẻ hơn nhằm cạnh tranh với Macbook Air.

Nhưng có một thực tế đang diễn ra là sản lượng tiêu thụ của ultrabook trong 2 quý vừa qua hoàn toàn không đạt mức cao như kì vọng. Theo thông tin từ DigiTimes, Acer và Asus cho biết, mỗi hãng đã tiêu thụ khoảng 100 nghìn sản phẩm. Tuy nhiên, con số này mới chỉ bằng 50% so với mức kì vọng. Trong khi đó, lượng đơn đặt hàng trước của 2 hãng này cũng dừng lại ở khoảng từ 150 nghìn đến 180 nghìn chiếc - so với dự tính ban đầu lên đến gần 300 nghìn chiếc.

Thậm chí, có những nơi phải khó khăn lắm mới có thể tìm thấy 1 chiếc ultrabook. Câu hỏi đặt ra là, có phải số lượng tiêu thụ nghèo nàn do yêu cầu quá thấp của khách hàng hay do sự chậm trễ của dây chuyền sản xuất và đội ngũ marketing khiến các nhà sản xuất phải dè dặt khi cho ra các quyết định sản xuất?

Acer không đưa ra bình luận trực tiếp về thông tin này, nhưng nói rằng, chính sách của họ là hạn chế bất kì nguy cơ phải mắc nợ nào, do họ cũng đã vướng vào các khoản tồn kho có giá trị lên đến hàng triệu bảng Anh và thậm chí, các đối tác phân phối cũng từ chối nhận thêm hàng.

Antonello Fornara, Giám đốc Sản phẩm khu vực EMEA của Acer, cũng trả lời trên The Reg rằng, họ vẫn đang phải tiếp tục nghiên cứu thăm dò để có thể nắm bắt được quy mô và tiềm năng thực tế của thị trường này.

Intel vẫn đang nuôi kì vọng rằng, các sản phẩm MTXT siêu mỏng, siêu nhẹ này sẽ có thể đạt được doanh số chiếm đến 40% thị phần MTXT trong năm 2012. Thế nhưng, theo nhận định của vị điều hành cấp cao Asus là Jerry Shen, tham vọng của Intel là hầu như khó có thể hoàn thành trước năm 2013, và cùng lắm con số này sẽ chỉ dừng lại ở mức 20% cho năm 2012 mà thôi.

Các MTXT được gọi là ultrabook khi đảm bảo các yếu tố như: Có thiết kế với độ dày không quá 18mm tại điểm dày nhất; thời lượng pin tối thiểu 5 tiếng; có ổ cứng dạng Flash để lưu trữ thiết bị; được trang bị công nghệ Rapid Start để có thể khởi động tức thời; và mức giá của các loại ultrabook chỉ ở mức xấp xỉ 1.000 USD.

Theo nhận định của trang Cnet.com, 7 yếu tố sau đây sẽ quyết định thành công của ultrabook:

1. Bộ lưu trữ lớn hơn

2. Thời gian dùng pin lâu hơn

3. Nhiều cổng kết nối hơn

4. Giá thấp hơn

5. Hỗ trợ phần mềm trên nền mây tốt hơn

6. Thiết kế độc đáo hơn

7. Thêm dock và kết nối Thunderbolt.

Theo PCWorld VN