Nhịp sống số

Truyền hình IPTV tại Việt Nam: Xu thế mới, rào cản cũ

IPTV đang là một xu hướng mới tại Việt Nam với những kênh truyền hình giải trí chất lượng cao, nhưng vẫn còn nhiều bất cập ngăn cản người tiêu dùng tiếp cận dịch vụ.

 

Đa dạng lựa chọn

Bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2009 với tiên phong là nhà cung cấp VNPT, dịch vụ IPTV đầu tiên có tên gọi là MyTV với một số kênh truyền hình tương tự trên các kênh analog hay cable thông thường. Qua 2 năm, hiện nay thị trường đã đa dạng hơn với việc có thêm các nhà cung cấp khác như Viettel, FPT cùng gia nhập với các gói kênh truyền hình đặc sắc hơn.

Trước trào lưu phát triển của nội dung HD, các ISP này cũng không bỏ lỡ việc "câu khách" bằng các kênh phim truyện nước ngoài hay các dịch vụ truyền hình theo nhu cầu VoD (Video on Demand) độ phân giải cao.

Anh Thành Văn, khách hàng lắp NetTV của Viettel cho biết: "Nhân tiện lắp cáp quang nên mình thử đăng kí luôn gói IPTV của nhà cung cấp này. Nội dung cũng được, nhất là các kênh VoD nhiều phim HD hay, cập nhật nhanh hơn... phim lậu".

Theo khảo sát thì ngoài các kênh cơ bản của các đài trung ương, truyền hình IPTV được bổ sung thêm khá nhiều các kênh địa phương mà nhiều dịch vụ truyền hình cơ bản không có. Đáng chú ý là, một số kênh truyền hình trung ương các nhà cung cấp còn chiều lòng khách bằng cách nâng cao (upscale) độ phân giải, giúp việc hiển thị mượt hơn trên các TV LCD.

Với mức giá dao động khoảng 70 ngàn đến 150 ngàn/tháng, đây được xem là số tiền hợp lí đối với những người dùng có nhu cầu thưởng thức các nội dung có chiều sâu trên nền IPTV.

Thêm vào đó, theo chị Hải Hà, nhân viên văn phòng thì "mình không quan tâm lắm các kênh thêm hay độ phân giải cao mà điểm ưng ý nhất ở IPTV chính là việc nó hỗ trợ xem lại chương trình tuỳ ý. Mình làm ca nên buổi tối thường lỡ mất các phim không chiếu lại. Nhưng buổi chiều ngày hôm sau về bật lại trên TV là xem được ngay".

Tính ra việc sử dụng IPTV không đắt hơn so với truyền hình cáp truyền thống là bao bởi hiện nay qua vài lần điều chỉnh giá thì mức cước hàng tháng trên TV thứ nhất cũng đã hơn 80 ngàn đồng, tất nhiên không tính trường hợp đấu "lậu" một hợp đồng thuê bao ra nhiều TV. Ngoài các tính năng về truyền hình, xem lại kênh hay VoD thì các bộ giải mã Set top box trên nền IPTV còn hỗ trợ khách hàng các dịch vụ gia tăng khác như nghe nhạc trực tuyến, lướt web hay xem các video clip.

Anh Minh Anh, khách hàng vừa chuyển từ dịch vụ truyền hình số sang IPTV cho biết: "Dùng đầu thu số vệ tinh thì phải chỉnh hướng này hướng nọ rất mệt người, chưa kể mưa gió một tí là chẳng bắt được kênh nào chứ đừng nói xem đá bóng. Bây giờ lắp IPTV có cả bóng đá vừa ổn định hơn, có cả đường Internet thì tội gì không dùng".

Tính trung bình mỗi dịch vụ IPTV có khoảng 80 kênh, với phần lớn là các kênh truyền hình SD và trên dưới 10 kênh HD. Đây chưa phải là con số lớn nhưng nó cũng là một giải pháp mới dành cho những khách hàng đã quen với các dịch vụ nền Internet.

Các ISP đua nhau cung cấp nhiều nội dung "độc" cho khách hàng IPTV Ảnh: HDVietnam.

Vẫn còn nhiều bất cập

Đầu tiên là việc mỗi khách hàng muốn triển khai phải có sẵn đường truyền Internet tối thiểu ADSL, hoặc cáp quang FTTH. Đây là một rào cản khá lớn bởi có nhiều khách hàng muốn sử dụng dịch vụ truyền hình của nhà cung cấp này nhưng lại đang kí hợp đồng Internet với ISP khác.

Anh Lê Sơn, khách hàng mới lắp IPTV than thở: "Dịch vụ hay thật nhưng khi khảo sát xong nhân viên cho biết là đường ADSL của mình chỉ lắp được ra 1 TV cùng 1 Set top box do lưu lượng băng thông không đủ, trong khi nhà mình có tới 3 TV. Theo lời nhân viên thì phải nâng cấp đường truyền lên gói cáp quang FTTH mà chi phí thuê bao cũng như lắp đặt vẫn còn ở mức khá cao".

Việc hạn chế ở đường truyền dữ liệu, chi phí lắp đặt và chi phí thuê Set top box đang là một rào cản khá khó gỡ đối với các nhà cung cấp dịch vụ và buộc các đơn vị này phải hướng tới các thị phần ngách vốn là các thuê bao Internet của mình thay vì phát triển thuê bao mới.

Mặt khác, tại nhiều toà nhà, khu đô thị, việc các đơn vị viễn thông đấu thầu độc quyền dịch vụ Internet cũng đang gây tình trạng sống dở khóc dở cho các khách hàng muốn lắp dịch vụ IPTV. Chẳng hạn, nếu một toà nhà của VNPT đấu thầu toàn bộ dịch vụ Internet thì sẽ không sử dụng được dịch vụ IPTV của Viettel và ngược lại. Vậy là lựa chọn của khách hàng cũng bị giảm đi và điều này gây những thất vọng bởi dịch vụ nội dung của mỗi nhà cung cấp là khác nhau.

Ngoài ra, hiện tại các ISP đang hút khách bằng các kênh VoD thử nghiệm với chất lượng HD gồm toàn các phim "bom tấn" vừa đưa ra chiếu rạp. Nhưng do vẫn trong thời gian thử nghiệm, không bị kiểm duyệt nội dung nên đa phần các phim đưa lên đều chưa có bản quyền. Vì vậy người xem tuy được thưởng thức các phim “bom tấn” mới phát hành, nhưng luôn thấp thỏm không biết đến lúc dịch vụ chính thức cung cấp thì các nguồn phim này có bị cắt hay không.

Việc các ISP tham gia vào thị phần này với sự đầu tư mạnh bạo về chất và lượng là một xu hướng tốt, đem tới nhưng tối ưu hơn cho khách hàng sử dụng Internet. Nhưng rõ ràng các nhà cung cấp dịch vụ cần có sự đảm bảo hơn về chất lượng nội dung, đồng thời có thêm nhiều lựa chọn về gói dịch vụ để tránh việc khách hàng phải chịu quá nhiều chi phí như ban đầu khi đăng kí thuê bao.