Từ trình duyệt Internet số 1 thế giới, tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên IE tuột khỏi mốc 50% thị phần. Tệ hơn, IE hầu như không có chút tên tuổi, hiện diện nào trên thị trường smartphone, máy tính bảng.
Ra đời năm 1995 và trong khoảng thời gian năm 1998 hay 1999, trình duyệt Internet Explorer (IE) là trình duyệt số 1 của thế giới. Một phần vì Microsoft “gói ghém” nó cùng với Windows. Ngày đó, Microsoft đã phải đối mặt với các vụ kiện chống độc quyền khi kết hợp IE vào Windows. Thay vì thị phần sẽ sụt giảm, Microsoft và IE còn khiến đối thủ lớn của IE ngày đó là Netscape bị suy sụp. Năm 2004, IE chiếm trên 95% thị phần trình duyệt web. Thực tế này chứng tỏ sức mạnh “vô đối” của IE. Nhưng đó là ngày xưa. Còn đây là ngày nay.
Cũng trong năm 2004, Firefox bắt đầu chiếm thị phần của IE. Trong nhiều năm liền, Microsoft sao nhãng việc nâng cấp và cải thiện IE 6. Tận dụng tình hình, Firefox nhanh chóng thiết lập chỗ đứng. Và khi Chrome được giới thiệu vào năm 2008, cuộc đua trình duyệt web càng cạnh tranh hơn.
Mới đây, theo hãng nghiên cứu thị phần Internet, NetMarketShare, IE chỉ còn sở hữu trên mốc 50% một chút đối với trình duyệt Internet trên máy tính để bàn. Chính xác, IE có 52,63% thị phần. Nhưng con số này chỉ mới nói lên một phần câu chuyện.
Trên thị trường máy tính bảng, smartphone, IE hoàn toàn “chẳng là gì”, và chỉ có 0,17% thị trường. Nếu so sánh mức độ phát triển thị phần của IE trên mọi nền tảng sản phẩm (cả máy tính để bàn và smartphone, máy tính bảng) từ tháng 12/2012 đến tháng 10/2011, thì IE đã tụt mất khỏi mốc 50% thị phần, và chỉ còn nắm 49,58% tổng thị trường vào tháng 10/2011.
Mặc dù Microsoft tiếp tục nỗ lực cải thiện tình trạng sa sút của IE khi tập trung vào sự tăng trưởng của IE 9 trên Windows 7, điều đó vẫn không thể che mờ một sự thật giản đơn là IE không chỉ đang sụt giảm, mà tốc độ sụt giảm đang ngày càng nhanh chóng hơn. Riêng trên máy tính để bàn, “đất dụng võ” của IE, IE cũng liên tục mất thị phần.
Firefox từng là đối thủ lớn nhất của IE và hiện vẫn là trình duyệt web số 2. Tuy nhiên, Firefox không phải là sản phẩm được hưởng lợi từ sự sa sút của IE. Firefox hiện có 21,20% thị phần, và đã “loanh quanh” ở mức 21% thị phần kể từ tháng 2/2011.
Được lợi nhiều nhất từ sự suy giảm của IE là Chrome và Safari. Chrome đã tăng thị phần lên 16,59% và Safari của Apple đang nắm 8,54% thị phần. Safari còn sở hữu tới 62,17% thị phần trình duyệt trên smartphone và máy tính bảng. Trong sơ đồ thống kê thị phần trình duyệt web trên smartphone và máy tính bảng của NetMarketShare, IE bị xếp vào phần “những trình duyệt khác”, và tổng số thị phần của “những trình duyệt khác” này chỉ chiếm 1,06%.
Câu chuyện buồn của IE còn nằm ở thực tế có 7,49% người dùng đang sử dụng phiên bản trình duyệt cũ IE 6. Vì thế, số phần trăm người dùng sử dụng các phiên bản hiện nay là IE 8 cho hệ điều hành XP và IE 9 cho Vista và Windows 7 – thực sự chỉ là 42%.
Nói tóm lại, IE đang là một trình duyệt “chờ ngày tận thế”, vì không chỉ suy giảm trên mặt trận máy tính để bàn, mà còn không có chỗ đứng trên smartphone và máy tính bảng. Thậm chí nếu người dùng có ý định mua Windows 8 – “cứu tinh” của Microsoft với máy tính bảng và smartphone – thì Windows 8 cũng sẽ không xuất hiện cho đến ít nhất là sang năm.
Tình hình tồi tệ của IE còn khiến một số blog công nghệ dự đoán rất cụ thể rằng nếu xu thế này vẫn tiếp tục, Internet Explorer sẽ không còn người dùng vào khoảng năm 2021.