Khi thời của điện toán đám mây (ĐTĐM) đến thì các dịch vụ hành chính công cần thiết phải “lên mây” là điều tất yếu. Những bước đi đầu tiên trong việc chuyển đổi này chắc chắn gặp không ít thách thức.
Tại Hội nghị cấp cao cho báo chí và các nhà phân tích ICT trong khu vực châu Á - châu Đại Dương (APAC Press & Analyst Summit) do NetEvents tổ chức ngày 16 - 17/11/2011 ở Thái Lan, các nhà phân tích đã đưa ra những cách tiếp cận trong việc triển khai các dịch vụ của chính phủ điện tử (CPĐT) dựa trên nền tảng điện toán đám mây.
“Lên mây” thì thế nào?
Theo Paul Sumner, Quản lí cấp cao, Broadband khu vực AP, công ty Analysys Mason, mục đích của việc hầu hết các chính phủ và các doanh nghiệp (DN) định hướng chuyển các dịch vụ công lên mây là nhằm giảm chi phí. “Họ thấy rằng, việc chuyển các dịch vụ sang một hạ tầng chia sẻ sẽ giúp giảm các chi phí nền, đồng thời tăng các hình thức tiếp cận và cho phép phản ứng linh hoạt hơn đối với các yêu cầu từ phía người dân và nhờ đó có thể nâng cao chất lượng của dịch vụ công”, Paul Sumner nói.
Điều này cũng có nghĩa là, các thông tin, số liệu về dân số, kinh tế, đất đai, trước kia người dân không thể truy cập được, thì giờ đây họ có thể tự mình truy cập thông qua dịch vụ dựa trên nền tảng mây. Nhiều bộ ngành của chính phủ cũng có thể cùng nhau phối hợp thông tin và phân tích thông tin theo chiều sâu tốt hơn. Hơn thế nữa, dân chúng và các ban ngành sẽ có thể sử dụng các thông tin cho bản thân họ một cách chủ động.
Theo chiều ngược lại, các ban ngành chính phủ có thể theo dõi được cách thức mà dân chúng đang tương tác với chính phủ, họ đang làm gì, họ tương tác với nhau như thế nào, và họ muốn phát triển lên theo xu hướng nào…
Về mặt chi phí, xét trường hợp cụ thể là chính phủ Mỹ, hiện tại chi phí cho việc đầu tư phát triển CPĐT của Mỹ đang chiếm đến 25% chi phí đầu tư cho toàn ngành CNTT (theo số liệu của Ủy ban chiến lược về ĐTĐM liên bang - FCCS). “Đây cũng là mức đầu tư trung bình mà các chính phủ đang chi. Tuy nhiên, mục tiêu của họ là con số này sẽ giảm xuống mức còn 20% khi đưa chính phủ “lên mây”, Paul Sumner nói.
Như vậy, có thể thấy rằng, các động lực cho việc phát triển dịch vụ “mây” đối với các chính phủ cũng tương đối giống với các động lực mà các DN có thể nhìn thấy trong việc phát triển hạ tầng cơ sở của mình.
Tuy nhiên, việc đưa CPĐT lên “lên mây” vẫn còn quá nhiều vấn đề. Các nhà phân tích cho rằng, việc chuyển các dịch vụ và hạ tầng của chính phủ “lên mây” đồng nghĩa với việc phải có tầm nhìn cỡ quốc gia chứ không đơn thuần là tại một khu vực hay chỉ các khu vực thành thị.
Theo Paul Sumner, các quyết định cần phải được tạo nên dựa trên việc lựa chọn dịch vụ nào để hội nhập với đám mây, và chọn hình thức nào để triển khai các dịch vụ này. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là nhanh chóng chuyển “lên mây” dựa trên việc phát triển từ hình mẫu CapEx (đầu tư vào hạ tầng cố định) tới mẫu OpEx (thiên về chi phí vận hành) càng nhanh càng tốt, để sớm tận dụng lợi ích mà các dịch vụ này đem lại, hay là trì hoãn việc tích hợp để giúp việc tiếp nhận có ít thách thức hơn và việc triển khai dễ dàng hơn?
Một thách thức lớn không thể bỏ qua là khả năng phối hợp bên trong của từng bộ phận với các ứng dụng có sẵn vốn không dựa trên nền tảng đám mây. Đặc biệt, tại các thị trường mới nổi như châu Á - châu Đại Dương, mức độ sẵn sàng của hạ tầng cơ sở cũng là một vấn đề phải quan tâm khi ở đó luôn thiếu những hạ tầng cơ sở đã được nâng cấp, và đặc biệt là buộc phải phụ thuộc vào hệ thống hạ tầng không dây tại các quốc gia này.
Trong khi đó, một vấn đề nữa nổi lên khi đưa các dịch vụ công “lên mây” là vai trò/quyền sở hữu thông tin và khả năng bảo mật thông tin với những e ngại về việc có thể mất đi quyền kiểm soát đối với dữ liệu - một khi chúng được đưa lên mây, hoặc làm thế nào để tiếp tục đảm bảo chắc chắn rằng những thông tin này được bảo vệ an toàn, và làm thế nào để ngăn người khác truy cập vào những thông tin họ không nên biết….
“Lên mây” bằng cách nào?
Xét về khía cạnh để lựa chọn loại “mây” nào để triển khai là một điều rất đáng chú ý. Như vậy, các chính phủ sẽ phải lựa chọn một loại hình đám mây thích hợp cho các ứng dụng của họ khi đi lên mây. Hình thức mà chính phủ đó lựa chọn để triển khai sẽ phụ thuộc vào loại dịch vụ mà họ muốn chuyển lên “mây”, chẳng hạn như hệ thống lưu trữ dữ liệu, hệ thống quản lí các nguồn điện năng, hay các dịch vụ phần mềm như email nội bộ, hệ thống CRM và HR…
Mây riêng (Private Cloud) thường được nhìn nhận như một sự mở rộng của giải pháp hiện thời. Xét về độ an toàn và riêng tư, loại hình này được coi là tốt hơn cả so với các kiểu đám mây khác. Đối với các phòng ban, tổ chức của chính phủ, mây riêng có lẽ mà một giải pháp an toàn và đáng được quan tâm.
Trong khi đó, mây chung (Public Cloud) với đặc điểm về tính mở cao hơn, đặc biệt là khả năng chia sẻ quyền truy cập đối với các hạ tầng cơ sở, thường lại được sử dụng nhiều hơn bởi các DN vừa và nhỏ (SME) và các DN mới khởi sự như một biện pháp để giảm bớt chi phí. Dù không được chính phủ chú ý một cách đặc biệt do những lí do bảo mật và riêng tư của dữ liệu, nhưng loại hình đám mây này vẫn có những hấp dẫn khác khiến cho các chính phủ có thể để mắt đến, xét về khía cạnh của nền kinh tế và tính linh hoạt.
Trong khi đó, kiểu mây lai (hay còn gọi là mây hỗn hợp – Hybrid Cloud) lại là sự kết hợp của mây chung và mây riêng, trong đó, mây riêng được dùng cho hầu hết hệ thống nội bộ và mây chung dùng để sao chép, lưu trữ dữ liệu,...
Như đã nói ở trên, việc giải quyết thách thức về bảo mật và khả năng quản trị thông tin được chọn như một ưu tiên hàng đầu để các chính phủ chỉ lựa chọn sử dụng hình thức mây riêng trong thời gian ngắn hạn và quyết định có nên chọn mây chung trong thời gian tiếp theo hay không. Những điều này có thể thấy được trong trường hợp của chính phủ Anh và Singapore. Rõ ràng là những lợi ích mà lựa chọn này đem lại hoàn toàn không có được nếu lựa chọn mây chung - mặc dù vấn đề bảo mật và sự riêng tư vẫn là một thách thức họ phải trải qua.
Hiện có rất nhiều quốc gia đang tìm cách hội nhập các cơ sở hạ tầng của chính phủ lên mây, và cung cấp các dịch vụ cho CPĐT theo cách này.
Chính phủ Anh đã tuyên bố chính thức về việc sử dụng nền tảng mây chung trước tiên, song song với việc sử dụng mây chính phủ riêng cho các dịch vụ khác không phù hợp với loại hình mây riêng. Đồng thời, họ cũng đang tiến hành trải qua việc tích cực hỗ trợ các dịch vụ của trung tâm dữ liệu thuộc sở hữu của chính phủ để có thể đưa toàn bộ chúng thành một trung tâm dữ liệu riêng chứ không phân mảng nhằm giảm và tiết kiệm chi phí.
Trong khi đó, các ban ngành khác nhau của chính phủ Nhật Bản lại đang sử dụng một sự kết nối giữa các các chính quyền địa phương trong một nền tảng đám mây, thực hiện các dịch vụ của CPĐT.
Bước khởi đầu của Ấn Độ trong việc thực hiện quá trình lên mây là để giải quyết các thách thức hiện hữu về vấn đề điện toán. Và tương tự, Ủy ban châu Âu tại Thái Lan đang tìm kiếm cách thức để chuyển dần một số dịch vụ lên mây nhằm tiết kiệm chi phí và tăng khả năng tương tác với công dân.