Khoa "bánh ít", người sở hữu hệ thống gần 700 tên miền liên quan đến các lãnh vực văn hóa, đời sống, nghệ thuật, du lịch, danh nhân, lịch sử, địa lý Việt Nam xác nhận với chúng tôi rằng một đối tác rất lớn nước ngoài đặt vấn đề mua lại tất cả các domain của anh với giá 100 tỷ VND.
Các domain mà Khoa "bánh ít" nắm giữ liên quan đến du lịch trải dài từ bắc đến nam như TravelToHanoi, TraveltoHaiPhong, TravelToHue, TraveltoCanTho, TraveltoSaigon... được tập hợp vào một cổng thông tin du lịch VietnamTravelGate.com
Hệ thống domain liên quan đến kinh doanh ở nhiều lĩnh vực như Trà, Cà Phê, Hải Sản, Đặc Sản vùng miền, Lễ hội, Du lịch, Nước mắm... cũng được Khoa mua theo dạng phủ toàn bộ 64 tỉnh thành Việt Nam, bao gồm cả các Thương hiệu mang tính chỉ dẫn địa lý và các doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Thương hiệu của các dự án bất động sản lớn của các Tập đoàn nổi tiếng tại Việt Nam như Vingroup, C.T Group, Becamex, CEO Group, Hapro Center có giá trị hàng nghìn tỷ cũng được Khoa "bánh ít" mua từ lâu.
Khoa "bánh ít" nói với chúng tôi rằng mỗi năm anh phải bỏ ra hơn 200 triệu để nuôi hệ thống tên miền khổng lồ này. Tuy nhiên, nếu so với giá trị vô hình về mặt thương hiệu mà hệ thống 700 tên miền đang lưu giữ thì số tiền 200 triệu là con số quá nhỏ bé.
Còn nhớ trước đây, doanh nhân Việt Nam nhiều lần lao đao trên trường Quốc tế khi để mất những thương hiệu như cà phê Buôn Mê Thuột vào tay giới đầu cơ Trung Quốc hay Nước mắm Phú Quốc bị mất ở Úc, Đức, Canada. Những vụ kiện cáo để đòi lại thương hiệu như vậy thường kéo dài mấy năm trời, tốn tiền của, công sức thời gian tiền bạc mà tỷ lệ thành công không cao. Nhất là, thương hiệu điện tử dưới dạng tên miền thì gần như vô phương lấy lại, vì nguyên tắc cấp phát tên miền là ai mua trước được cấp trước.
Trong xu thế toàn cầu hóa, việc bảo vệ thương hiệu trên mạng Internet là một vấn đề rất nóng mà đa số doanh nghiệp Việt Nam đã bị bỏ qua. Giả sử, hệ thống 700 tên miền - 700 thương hiệu mà Khoa "bánh ít" lọt vào tay một đối tác nước ngoài thì thiệt hại mà Việt Nam phải gánh chịu về mặt truyền thông và kinh tế thật khó mà cân đong đo đếm được.
Nếu domain dienmay.com mới đây được định giá 10 tỷ VND thì con số 100 tỷ mà đối tác nước ngoài đưa ra cho Khoa "bánh ít" cũng chỉ tương đương 10 domain tương tự.
Mang con số 200 triệu đầu tư mỗi năm mà Khoa đang "đổ vào" lĩnh vực tên miền với con số 100 tỷ VND mà Khoa được đối tác nước ngoài đề nghị có thể mức lợi nhuận mà Khoa có được là rất lớn nếu anh đồng ý bán hết khối “báu vật” vô giá này. Tuy nhiên, gần như chắc chắn 100% việc này sẽ không xảy ra.
Khoa "bánh ít" nói với chúng tôi rằng anh muốn hợp tác với các ban ngành, các công ty, tập đoàn lớn ở Việt Nam để cùng họ phát triển kinh tế, bảo vệ thương hiệu và trên hết là bảo vệ tài sản vô hình cho đất nước Việt Nam, cho nhiều ngành nghề quan trọng của Việt Nam từ văn hóa, xã hội tới lịch sử, địa lý và du lịch.
Thực tế, giai đoạn hiện nay có rất nhiều công ty, nhiều mạng xã hội lớn muốn hợp thức hóa việc xuất hiện tại thị trường trong nước. Và giả sử, khối lượng tên miền này rơi vào tay các đối tác nước ngoài như vậy, các doanh nghiệp không khác gì bị bao vây kinh tế và các đối tác nước ngoài có thể sử dụng nó như một lợi thế cạnh tranh cực lớn để yêu cầu "mở cửa".
Khoa cũng nói thêm rằng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, anh còn sẵn sàng nhượng lại với tinh thần hữu nghị hoặc tặng không tên miền mà anh nắm giữ. Các tên miền như dangthuytram.com, nhatkydangthuytram.com, dangthuytramdiary.com được Khoa hứa sẽ trao tặng cho gia đình, thân nhân liệt sỹ Đặng Thùy Trâm. Anh cũng sẽ tặng lại tên miền tranbacha.com (trùng tên với ông Trần Bắc Hà, chủ tịch ngân hàng BIDV), tránh bị các cá nhân có ý đồ xấu như đã tạo mua tên miền và tạo trang thông tin điện tử nguyenbathanh.com (trùng tên một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam).
Đến giờ phút này, có thể chắc rằng với mong muốn bảo vệ thương hiệu tài sản quốc gia của Khoa “bánh ít”, thương vụ mua bán tên miền đình đám này của đối tác nước ngoài sẽ 100% thất bại.