Hôm qua (7/9), IDG Ventures Việt Nam cùng 2 quỹ đầu tư nước ngoài là Rebate Networks (Đức) và RuNet Global (Nga) công bố khoản đầu tư kỉ lục - 60 triệu USD - vào công ty MJ Group hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ trực tuyến tại Việt Nam.
<>
Thương vụ sẽ đi vào lịch sử của ngành thương mại điện tử và dịch vụ trực tuyến Việt Nam. Ảnh: VnEconomy.
MJ Group vừa được thành lập trên cơ sở sáp nhập các công ty đang sở hữu 4 thương hiệu Địa điểm (diadiem.com - bản đồ và địa điểm, Nhóm Mua (nhommua.com - mua hàng giảm giá theo nhóm), Two (two.vn - ứng dụng dịch vụ trên ĐTDĐ) và Two Media (dịch vụ kĩ thuật số).
Ông Tom Trần, Giám đốc điều hành MJ Group và đồng sáng lập các công ty con của MJ là người được biết đến với khả năng tìm kiếm và thu hút vốn đầu tư. Trước đó, công ty Địa Điểm đã được IDG Ventures Việt Nam đầu tư từ năm 2007 (số vốn không được tiết lộ), còn Nhóm Mua được Rebate Networks "rót" 1 triệu USD vào năm ngoái – thông tin từ trang tin công nghệ uy tín TechCrunch.com.
Dù vậy, con số 60 triệu USD được công bố lần này khiến nhiều chuyên gia am hiểu ngành Internet tại Việt Nam bất ngờ và đánh giá là "khó tin".
Thông thường, đầu tư mạo hiểm được thực hiện theo từng vòng (round) và hay được ví như việc vào số xe. Một công ty thường sẽ trải qua một số vòng đầu tư, tại mỗi vòng sẽ tìm đủ vốn để đạt được tốc độ cần thiết và chuyển sang "số" tiếp theo. Đầu tư ít sẽ khiến công ty không đủ "năng lượng" để đạt mục tiêu ngắn hạn cần thiết. Trái lại, đầu tư quá nhiều cũng nguy hiểm không kém, nó được Paul Graham – nhà sáng lập quỹ đầu tư tên tuổi Y Combinator - ví như đang cố khởi hành một chiếc xe từ số 3.
Theo thống kê, ở quy mô toàn cầu hiện chỉ có dưới 100 công ty công nghệ có mức đầu tư ở những vòng đầu lớn hơn 60 triệu USD. Ngay chính Groupon (dịch vụ mua hàng giảm giá theo nhóm mà Nhóm Mua áp dụng) hay thậm chí mạng xã hội Facebook cũng nhận đầu tư ở hai vòng đầu không quá 30 triệu USD.
Tại Việt Nam, số vốn đầu tư mạo hiểm lớn nhất được công bố đến thời điểm này là 2 triệu USD do IDG Ventures Việt Nam đầu tư vào Công ty Truyền thông Việt Nam (VC Corp) hồi năm 2007.
Mức đầu tư lớn khiến nhiều người bất ngờ còn bởi các sản phẩm được nhận đầu tư không chứa đựng ý tưởng mới và đi kèm mô hình kinh doanh hứa hẹn sẽ "bùng nổ". Diadiem.com đã có 7 năm hoạt động nhưng chưa đạt được mức phổ biến đáng kể và đang phải chịu sự cạnh tranh nhất định từ Google Maps cũng như các dịch vụ tương tự trong nước có tên tuổi như vietbando.com. Còn nhommua.com hoạt động theo mô hình "nhái" của Groupon với sự cạnh tranh của hàng chục công ty, trong đó có những thương hiệu không hề thua kém hay thậm chí còn đang có phần trội hơn như muachung.vn, hotdeal.vn.
Dù nhìn nhận ở khía cạnh nào, thương vụ đầu tư "lịch sử" này cũng là thông tin khích lệ lớn với các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành thương mại điện tử và dịch vụ trực tuyến tại Việt Nam. Đồng thời, việc công bố đầu tư lớn của hai quỹ đến từ châu Âu sẽ thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của nhiều nhà đầu tư thế giới đối với thị trường CNTT và truyền thông Việt Nam.
- IDG Ventures Việt Nam là quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên về công nghệ tại Việt Nam, đang quản lý số vốn 100 triệu USD, hiện đã đầu tư vào trên 40 công ty trong lĩnh vực CNTT & Truyền thông tại Việt Nam, tiêu biểu có VNG, VCCorp, Vietnamworks,... - Rebate Networks (Đức) đã đầu tư vào các công ty hoạt động theo mô hình Groupon tại hơn 30 quốc gia trên thế giới. - RuNet (Nga) đang sở hữu Yandex - công ty tìm kiếm hàng đầu của Nga, cùng dịch vụ thương mại điện tử Ozon và dịch vụ mua theo nhóm Biglion. |