Nhịp sống số

Thử chứng minh Steve Jobs sai: Quá khó

Bài "Nếu Steve Jobs đúng…" có nói về việc Steve Jobs từng muốn hủy diệt Android vì ông cho rằng đó là một sản phẩm "ăn cắp". Bài viết này cho thấy vị chủ tịch quá cố của Apple có những cơ sở khi phát ngôn hiếu chiến như vậy.

Sau bài viết “Nếu Steve Jobs đúng …”, có nhiều quan điểm trái chiều nhau về việc Android có phải là phần mềm “ăn cắp” (Steve Jobs đã dùng từ này khi nói về Android) hay không. Cách tốt nhất là xem xét Android có vi phạm bản quyền các phát minh của Apple hay không. Steve Jobs đã từng nói sẽ “tiêu diệt Android dù có phải tiến hành chiến tranh hạt nhân”. Hãy thử chứng minh điều ngược lại là Steve Jobs đã sai.

 

Steve Jobs từng "dọa" sẽ hủy duyệt Android

<>Android tồn tại từ trước khi iOS xuất hiện

Hiện chúng ta đều chưa rõ về mốc thời gian cụ thể mà Jobs và Apple chính thức thai nghén hệ điều hành iOS, nhưng sự thực là công ty Android đã được thành lập từ năm 2003 và bị Google mua lại vào năm 2005. Dựa trên trình tự thời gian đơn giản này, phe Android cũng như các "anti-fan" của Apple đi ngay tới kết luận rằng Android không thể vi phạm các bản quyền sáng chế mà Apple sử dụng trong iOS được, vì iOS tới năm 2007 mới xuất hiện.

Có những kẽ hở trong cách suy luận này. Đầu tiên là trong lĩnh vực cấp bằng sáng chế, ai đăng ký trước sẽ là người chiến thắng. Nơi cấp bằng sáng chế luôn có các bước thủ tục chặt chẽ để đảm bảo phát minh sáng chế đăng ký là chính xác chứ không tương tự như những công nghệ đã hiện diện. Thực tế là các khái niệm và công nghệ mà Apple sở hữu đều đã kinh qua các thủ tục này để chính thức thuộc quyền sở hữu của Apple. Do vậy, ngay cả khi những nhà phát triển Android trước kia thực sự có nghĩ ra điều gì tương tự những gì Apple đang sở hữu (giả dụ như vậy), thì ưu thế trong cuộc chiến pháp lý vẫn nghiêng hẳn về phía Apple.

Kẽ hở thứ 2 nằm ở việc hệ điều hành Android chính thức được Google công bố khác hẳn với hệ điều hành mà Google đã mua lại năm 2005. Do vậy hoàn toàn có khả năng Android cũng sao chép hay bắt chước iOS để tăng sức hấp dẫn cho hệ điều hành.

<>Android không giống iOS đến từng mi-li-mét.

Điều này không thành vấn đề. Apple (và cả Microsoft) đã khẳng định nhiều tính năng quan trọng của Android vi phạm các công nghệ và ý tưởng mà họ đã đăng ký. Nếu Android giống iOS hoàn toàn thì cơ quan chức năng đã đỡ đau đầu trong việc phân xử. Thực tế cho thấy, Android không cần phải sao chép iOS đến từng ly từng tý để có thể vi phạm các bản quyền phát minh sáng chế của Apple.

<>Apple đã ăn cắp ý tưởng trước

Cũng có thể! Song điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc chiến pháp lý gay gắt về vấn đề bản quyền. Cũng không cần quan tâm tới việc Apple có phải người phát minh ra giao diện đồ họa, màn hình cảm ứng, chuột hay cái gì gì đi chăng nữa, Apple vẫn đang nắm giữ hàng trăm giấy phép bản quyền phát minh sáng chế cho nhiều công nghệ và ý tưởng khác nhau trong phạm vi nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay cả những công ty (được cho là) phát minh ra những điều trên như Xerox, Palm… cũng phải chịu lép Apple do không đăng ký bằng sáng chế nào cho riêng mình.


<>Phạm vi các phát minh sáng chế của Apple quá rộng

 

Lý do này chẳng khác nào việc đòi “trâu chậm uống nước trong”. Cũng tương tự như trên, kể cả khi đó là sự thực thì cũng chẳng làm thay đổi được thực tế là các phát minh sáng chế đó đã được cấp cho Apple rồi. Chủ quan mà nói thì nhiều người cũng cho rằng hệ thống duyệt cấp bằng phát minh sáng chế này đã không còn thích hợp với giai đoạn hiện nay nữa và có vẻ như nhiều thứ đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của cơ quan này. Và quả thực có nhiều bằng phát minh sáng chế có phần “nhí nhố” cũng được Apple xin duyệt cấp. Tuy vậy, dù gì đi nữa, một lần nữa cần nhấn mạnh vào thực tế là Apple đang nắm giữ các bằng sáng chế này và có toàn quyền đối với chúng. Nếu phe Android cảm thấy các bằng sáng chế này có phạm vi quá rộng và chung chung để có thể "trói buộc" mình, họ chỉ có thể yêu cầu các nhà làm luật sửa đổi cơ chế xét duyệt cấp phát bằng sáng chế. Cho đến ngày có sự thay đổi đó (nếu thực sự ngày ấy xảy ra), Apple vẫn chiếm thế thượng phong trong việc dùng các bằng sáng chế của mình chèn ép các nhà sản xuất thiết bị chạy hệ điều hành Android.