Thiết bị công nghệ

Thích DSLR, tại sao không bắt đầu với một chiếc máy cũ?

Với người dùng Việt Nam, việc tìm kiếm một combo mảy ảnh và ống kính cũ vẫn luôn là lựa chọn hợp lý.

Khi mức sống ngày càng được nâng cao, xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam dần chuyển sang ưa chuộng những món hàng “xịn”, hàng “đập hộp” chính hãng. Lẽ dĩ nhiên, mua một món đồ mới tinh, có xuất xứ rõ ràng, được bảo hành trong thời gian dài sẽ mang lại tâm lý yên tâm hơn rất nhiều cho người sử dụng. Tuy nhiên cũng cần khẳng định rằng quan điểm “hàng secondhand không tốt” không phải lúc nào cũng đúng.

Đặc biệt là với thị trường máy ảnh số. Mặt khác, đây còn là phương án hợp lý cho những người đam mê nhiếp ảnh, mới bước chân vào "con đường DSLR" nhưng điều kiện kinh tế không thật sự dư dả để có thể nhảy vào cuộc chạy đua công nghệ.

Vì sao chọn máy ảnh secondhand?

Khái niệm “secondhand” được hiểu là những mặt hàng đã qua (ít nhất) một đời chủ. Nhiều người cho rằng chất lượng của những món hàng secondhand là không đáng tin cậy, bởi vì trước khi đến tay mình, không thể biết được người chủ cũ đã sử dụng và bảo quản món đồ đó như thế nào, cũng như rất khó để biết được nó còn nguyên bản hay không, có bị hỏng hóc gì hay không.


Thực tế cho thấy việc “treo đầu dê bán thịt chó”, thay đổi linh kiện, lừa đảo khi rao bán các món đồ điện tử cũ là có thật. Tuy nhiên với thị trường máy ảnh, cụ thể là thị trường máy ảnh ở Việt Nam, do nhiều nguyên nhân mà các thiết bị chụp ảnh secondhand được ưa chuộng và đáng tin cậy. Cụ thể là:

Nhu cầu “lên đời”: Máy ảnh là một vật dụng có tuổi thọ và độ bền tương đối lâu dài. Trừ các trường hợp xảy ra va đập, rơi vỡ, dính nước, v…v.. một chiếc máy ảnh hiếm khi “qua đời” trong khoảng thời gian dưới 10 năm đối với nhu cầu sử dụng bình thường. Trong khi đó một thập kỷ là quãng thời gian quá dài cho những bước tiến phát triển của công nghệ. Đó là lý do đa số người sử dụng máy ảnh ở Việt Nam rao bán máy, nhằm thu hồi lại một khoản tiền tái đầu tư vào chiếc máy mới, được áp dụng những công nghệ mới hơn từ nhà sản xuất.

Sở thích chơi máy: Đây là những người được gọi vui là chơi máy chứ không phải chơi ảnh. Bởi điều kiện kinh tế dư dả, nhiều khi họ mua một sản phẩm mới ra mắt về chỉ để thỏa mãn niềm vui được “đập hộp”, nghiền ngẫm những tính năng mới của sản phẩm đó, rồi lại bán chúng đi do không có nhu cầu “lên đời” như ở trên.

Cần tiền nên bán: Cần tiền ở đây có thể để đầu tư cho công việc khác (“rửa tay gác kiếm”), cũng có thể là để mua các thiết bị khác phục vụ một nhu cầu nhiếp ảnh riêng biệt nào đó. Ví dụ như một người đang chuyên về nhiếp ảnh thời trang sẽ bán đi những chiếc lens có tiêu cự tele cố định (tele prime) để gom tiền mua các loại lens góc rộng (wide-angle lens) nếu công việc mới tuyển dụng của họ liên quan tới nhiếp ảnh kiến trúc. Tương tự như vậy, người chơi ảnh chân dung rất có thể sẽ chuyển từ thân máy Canon sang Nikon nếu một ngày đẹp trời bỗng dưng muốn nghiên cứu thể loại ảnh phong cảnh.

Bởi các yếu tố trên mà trong 10 chiếc máy ảnh / ống kính máy ảnh secondhand được rao trên mạng cũng như tại các camera shop, chí ít cũng phải có 7 chiếc là máy ảnh / ống kính máy ảnh còn sử dụng rất tốt. Rõ ràng đó là một lựa chọn hợp lý cho những người muốn sắm một combo (thân máy và ống kính) để chụp ảnh nhưng túi tiền lại không dư dả. Điều quan trọng ở đây là bạn phải biết cách để kiểm tra tình trạng máy, và trả một cái giá đúng, tránh mua hớ, hay mua phải hàng kém chất lượng.

Kinh nghiệm đi chọn combo máy ảnh cũ

Trước tiên, hãy xác định thật rõ nhu cầu sử dụng của bạn, yếu tố này quyết định tới combo bạn nên sử dụng, mức chi phí phải bỏ ra.

Thể loại ảnh ưa thích của bạn là gì? Chân dung, tĩnh vật, phong cảnh hay thể thao, đời thường, v..v..? Ống kính chân dung, tĩnh vật thường là những ống prime có tiêu cự từ 50mm trở lên. Trong khi đó ống kính góc rộng thiên về chụp phong cảnh, và ống kính tele zoom phù hợp với sở thích “săn bắn” chim chóc, “papparazzi”. Xác định rõ điều này sẽ giúp bạn khoanh vùng những lựa chọn, tránh phung phí tiền vào những ống kính mua về rồi bỏ xó.


Bạn thích “hầm hố” hay gọn nhẹ? Những bóng hồng sau kính ngắm xuất hiện ngày càng nhiều, và một thân máy gọn nhẹ như 600D thường được họ ưa chuộng hơn những “con quái vật” như D300, D700, v..v.. Tương tự như vậy với những người phải di chuyển nhiều và mang theo nhiều vật dụng khác ngoài máy ảnh.

Bạn thường chụp ảnh ở đâu? Trong nhà (indoor) hay ngoài trời (outdoor) và vào thời điểm nào trong ngày: sáng hay tối? Khi điều kiện chụp không lý tưởng (có nguồn sáng yếu như buổi tối, trong nhà, hoặc các nguồn sáng phức tạp pha trộn với nhau như nhiếp ảnh sân khấu) thì công nghệ bên trong chiếc máy thực sự đóng một vai trò không nhỏ. Một chiếc máy tích hợp công nghệ mới sẽ giải quyết được khâu xử lý màu sắc và giảm nhiễu tốt hơn những máy từ thời xưa xửa xừa xưa. Ngược lại, trong điều kiện chụp lý tưởng (nguồn sáng đẹp, background đẹp, vật thể đẹp, v..v..) thì ranh giới về công nghệ gần như bị xóa nhòa. Đó là chưa kể “gã phù thủy” Photoshop hoàn toàn có thể là một trợ thủ đắc lực giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều chi phí cho khoản này.

Sau đó, tiếp tục xác định đến nguồn kinh phí tối đa mà bạn có thể chi trả. Hãy nhớ trừ đi khoảng 1 triệu đồng cho những khoản phụ phí lặt vặt như tiền mua hộp chống ẩm (khoảng 500.000 đồng), túi đựng máy (khoảng 300.000 đồng) và kính lọc (khoảng 150.000 đồng).

Nghiên cứu trước báo giá sản phẩm trên một số website camera shop uy tín như Photoking, Vũ Nhật (Hà Nội) hay Khánh Long (TP. HCM)... Nhớ là chỉ quan tâm tới những sản phẩm trong hoặc trên tầm tiền mà bạn đã xác định được ở trên một chút thôi. Đừng mất thời gian ngắm nghía rồi “thèm thuồng” những “giấc mơ xa vời” như 1Ds mark IV hay D3s làm gì. Mục đích của việc làm này là để nắm được giá cả hiện thời của các sản phẩm mới, từ đó trả giá hợp lý cho những sản phẩm secondhand được giao trên mạng tùy theo mức độ mới và công nghệ của nó.


Sau khi đã xác định rõ các yếu tố này, mới bắt đầu lên các diễn đàn chuyên về nhiếp ảnh như Xóm Nhiếp Ảnh, VNphoto, v…v.. để tìm kiếm các combo đang được rao. Ghi lại tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của người bán, tình trạng máy, giá rao của những món đồ phù hợp với các tiêu chí bạn đã đặt ra ở trên. Đôi khi giá của người rao bán đưa ra sẽ cao hơn một chút, cũng cứ ghi lại vì “mặc cả”, trả giá là một phần không thể thiếu của việc mua bán tại Việt Nam.

Danh sách các món đồ này có thể cập nhật hàng ngày, hàng giờ cho tới khi bạn mua được sản phẩm ưng ý. Ưu tiên các mẩu tin rao bán có kèm hình ảnh thật, miêu tả chi tiết về sản phẩm, có xuất xứ rõ ràng (mua tại cửa hàng nào, ngày tháng nào), còn giữ được đủ hộp với linh kiện thiết bị đi kèm (còn gọi là fullbox) và giấy tờ mua bán, bảo hành (kể cả hết hạn).

Sau khi đã lên được một danh sách các sản phẩm (bao gồm cả thân máy và ống kính), hãy bắt đầu gọi điện cho từng người để hỏi. Một lưu ý quan trọng là đừng bao giờ “mặc cả”, trả giá cho tới khi bạn test xong món hàng định mua.

Ấn định địa điểm gặp tại một nơi nào đó mà bạn có thể dễ dàng tìm lại người rao như nhà riêng, cơ quan/trường học của người đó, đề phòng trường hợp món hàng mua về không vừa ý và muốn tìm gặp để “giải quyết hậu quả” mà chủ cũ của nó lại “bốc hơi” mất.
Thời gian xem máy tốt nhất là ban ngày, tránh tình trạng “quờ quạng trong đêm”. Nên rủ một người thân – ưu tiên nam giới, to cao khỏe mạnh đi cùng vì số tiền mang đi mua máy thường không nhỏ.

Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ đi cụ thể vào việc kiểm tra máy cũ. Ngoài ra, một số combo tầm giá thấp đáng mua nhất cho người mới chơi DSLR cũng sẽ được đề cập.