Nhịp sống số

Thế giới số 2011: Những cuộc chiến bất tận

Những trận so găng khốc liệt giữa các nền tảng di động, giữa laptop, netbook với máy tính bảng… chiếm một phần không nhỏ trong bức tranh tổng thể về thế giới công nghệ năm 2011.

Bên cạnh những cuộc chiến này, thế giới số 12 tháng qua còn chứng kiến nhiều niềm vui, nỗi buồn khác.

Thế giới công nghệ năm 2011 chứng kiến không ít trận chiến nảy lửa giữa các hãng công nghệ.

Dưới đây là một vài sự kiện nổi bật trong thế giới công nghệ năm 2011. Trong đó, được nhắc tới đầu tiên là sự ra đi của “huyền thoại thung lũng Silicon” Steve Jobs, người thuyền trưởng tài ba của hãng công nghệ Apple. Mặc dù đã gần 3 tháng trôi qua, nhưng những câu chuyện về Steve Jobs vẫn còn nguyên độ nóng.

1. Chuyến đi không có ngày về của Steve Jobs

Chưa bao giờ cái chết của một giám đốc công nghệ lại gây được sự chú ý lớn như vậy trong xã hội và trên các phương tiện truyền thông toàn cầu. Steve Jobs, vị thuyền trưởng tài năng của Apple đã ra đi sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh ung thư.

Tên tuổi của Apple trở nên nổi bật hơn bao giờ hết sau sự kiện chấn động này, bởi hàng ngàn người hâm mộ đã tập trung trước các đại lí của Apple trên toàn thế giới để bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi của “huyền thoại” thung lũng Silicon.

Trên mặt báo xuất hiện nhiều bài viết phân tích về ảnh hưởng của Steve Jobs đối với Apple và tương lai của hãng. Tiểu sử của huyền thoại Steve Jobs sau đó cũng nhanh chóng xuất hiện và trở thành cuốn sách bán chạy nhất tại Mỹ trong năm 2011.

2. Nền tảng Android đánh bại iOS

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Gartner, trong quý 3/2011, đã có 60,5 triệu thiết bị chạy Android được bán ra trên toàn cầu, giúp hệ điều hành của Google chiếm 52,5% thị phần thiết bị di động, tăng gấp đôi so với mức 25,3% của cùng kì năm ngoái.

Thêm vào đó, doanh số bán ra của smartphone Android tăng gấp 3 từ con số 20,5 triệu thiết bị lên kệ trong quý III năm ngoái đến 60,5 triệu của quý 3 năm nay. Trong khi đó, Apple giữ 15% thị phần smartphone, doanh số đạt 17,3 triệu thiết bị. Điều này đã đẩy iOS xuống sau cả Symbian của Nokia, hiện giữ 16,9% thị phần sau quý 3.

Robert Cozza, chuyên gia phân tích của Gartner cho biết: "Android được lợi từ nhu cầu của các thị trường đại chúng, nơi môi trường cạnh tranh yếu hơn và khách hàng không hứng thú với các hệ điều hành khác như Windows Phone 7 hay BlackBerry. Thị phần iOS của Apple phải chịu sức mua ảm đạm vì nhiều người chờ đợi chiếc iPhone mới ra mắt".

3. Google+ đọ găng Facebook

Sự xuất hiện bất ngờ của Google+ đã chính thức đưa hãng này trở thành mối đe dọa lớn đối với Facebook trên phân khúc mạng xã hội. Cũng với những tính năng như: danh sách bạn bè, trò chơi xã hội, tin nhanh trên điện thoại di động, videochat... Google+ đã khiến Facebook phải lo ngại, mặc dù hãng này vẫn là "anh cả" trong lĩnh vực mạng xã hội.

Ngay cả Mark Zuckerberg cũng có lúc đã phải mất bình tĩnh và tung ra một chiến dịch bôi nhọ Google+. Theo thống kê sơ bộ của nhà phân tích Paul Allen, Google+ đã vượt qua cột mốc 62 triệu người sử dụng và mỗi ngày có đến 625.000 tài khoản mới được đăng kí.

Riêng trong tháng 12, có đến gần 1/4 tổng số người sử dụng hiện tại đã tham gia mạng xã hội Google+. Paul Allen dự báo rằng, nếu tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng như hiện nay, mạng xã hội này sẽ đạt tới cột mốc 100 triệu người sử dụng vào ngày 25/2/2012 và có khả năng lên tới 200 triệu vào ngày 3/8/2012.

4. Google thâu tóm Motorola Mobility

Hồi giữa năm nay, hãng tìm kiếm trực tuyến khổng lồ Google công bố đã đạt được thỏa thuận mua lại nhà sản xuất điện thoại di động thông minh Mobility Holdings với giá 12,5 tỉ USD, bước quan trọng để Google tiến sâu hơn vào thị trường di động.

Motorola Mobility là công ty chuyên sản xuất điện thoại di động và máy tính bảng. Đầu năm nay, tập đoàn Motorola đã chính thức tách thành hai công ty: Motorola Mobility và Motorola Solutions - chuyên bán máy bộ đàm cho doanh nghiệp và chính phủ.

Thương vụ của Google được xem như bước đi gây nhiều ngạc nhiên cho thế giới công nghệ, khi không ai lường trước được việc Motorola Mobility sẽ thuộc về gã khổng lồ tìm kiếm. Đồng thời cũng là một thông tin gây chấn động thị trường chứng khoán Mỹ, giúp các chỉ số chính Phố Wall tăng mạnh phiên thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, cho tới nay, thương vụ trên vẫn đang bị tạm dừng.

5. Nỗi buồn của Nokia và BlackBerry

Niềm vui của người này lại là nỗi buồn của kẻ khác. Sự lên ngôi của các smarphone iPhone và Android, đồng nghĩa với sự suy giảm thị phần của hai “gã khổng lồ” Nokia và BlackBerry. Cả hai hãng này đều phải gánh chịu những tổn thất không nhỏ về tài chính, thị phần bị thu hẹp nhanh chóng.

Riêng với BlackBerry, sự cố sập hệ thống dịch vụ hồi tháng 10, khiến hàng triệu người dùng điện thoại loại này không thể sử dụng email, duyệt web và gửi tin nhắn. "Thảm họa" đã kéo tụt lòng tin của người dùng vào hãng, đánh mạnh vào doanh số và doanh thu của công ty trong quý cuối năm nay.

6. Máy tính bảng lên ngôi

Số lượng máy tính bảng bán ra đã nhân 3 trong năm 2011, đạt 63 triệu sản phẩm trên toàn thế giới. Trong 2010, iPad là hiện tượng của năm. Và tới 2011, nhờ có một số tính năng mới được bổ sung, iPad tiếp tục gặt hái được nhiều thành công và Apple vẫn là hãng thống trị thị trường màu mỡ này.

Máy tính bảng cũng trở thành mục tiêu vươn tới của Amazon, Sony, đe dọa trực tiếp tới các dòng máy tính khác đặc biệt là laptop, netbook. Thậm chí, ngay trên chiến trường máy tính bảng, nhiều hãng công nghệ đã ngậm ngùi dừng cuộc chơi máy tính bảng vì không thể nào cạnh tranh nổi với iPad. Hiện, nhiều người đang trông đợi vào cú “vượt vũ môn” của “cá chép” Kindle Fire.

7. Cuộc xâm lăng của hacker “mũ đen”

Hacker, tội phạm mạng đã ồ ạt xuất hiện trong năm 2011, trong đó nổi đình đám nhất là hai nhóm Anonymous và LulzSec. Website của một loạt các công ty và dịch vụ Internet lớn như Google, Sony, FBI, CIA, YouTube, quân đội Mỹ, nhà thầu quốc phòng Nhật bị tấn công. Sự lộng hành của Anonymous và LulzSec khiến nhiều người lo ngại hacker có thể là thủ phạm châm ngòi chiến tranh ảo giữa các quốc gia.

Một điểm đáng chú ý khác trong vấn đề này là xu hướng tấn công các website chính trị đang gia tăng, chẳng hạn gần đây website của Thượng viện Pháp đã trở thành mục tiêu tấn công của hacker. Những đe dọa từ không gian ảo đã khiến các chính phủ nhận thấy sự cần thiết phải coi trọng hơn tới công tác an ninh mạng.

8. Cuộc chiến bản quyền sáng chế

Hàng loạt các vụ kiện cáo liên quan tới bản quyền sáng chế đã bung nở trong năm 2011. Trong đó, nổi bật nhất là cuộc chiến của Apple và Samsung. Hãng công nghệ Mỹ đã vác đơn đi kiện đối thủ Hàn Quốc ở khắp nơi với cáo buộc dòng sản phẩm Samsung Galaxy đã “sao chép” các thiết kế iPhone và iPad.

Cũng trong năm 2011, thế giới còn chứng kiến nhiều vụ tranh cãi, kiện tụng nhằm giành, giữ phát minh trong thế giới công nghệ của HTC, Microsoft, Nokia, Google, Motorola, RIM. .. Những cuộc chiến này càng khiến cho thị trường smartphone trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn.

9. Groupon nổi lên thành một hiện tượng

Groupon, một mô hình mua bán theo nhóm trên mạng đã có những phát triển với "tốc độ của ánh sáng" trong năm vừa qua. Ý tưởng chính của Groupon là cam kết với các đối tác một lượng người lớn người dùng xác định, nhờ đó hứa hẹn sẽ có các chương trình khuyến mãi tốt nhất.

Groupon đã trở thành tên tuổi lớn trong lĩnh vực quảng cáo và khuyến mãi trên mạng và nhiều website bắt đầu nhái mô hình này. Groupon hiện nay được định giá khoảng 1.35 tỉ USD, vượt qua Twitter và Facebook về tốc độ đạt lợi nhuận. 2012 hứa hẹn sẽ là năm bản lề của mô hình này.

10. Sự trở lại của siêu máy tính Nhật

Theo danh sách 500 siêu máy tính hàng đầu thế giới được công bố hôm 20/6, lần đầu tiên sau 7 năm, siêu máy tính K của Nhật Bản, do Tập đoàn chế tạo máy tính Fujitsu và Học viện nghiên cứu Riken phát triển, đã vượt thành công hàng trăm đối thủ khác, giành vị trí dẫn đầu bảng tổng sắp.

K được trang bị hơn 80.000 bộ xử lí trung tâm (CPU), mỗi CPU có tới 8 lõi. Siêu máy tính này có thể thực hiện 8,162 triệu tỉ phép tính/giây, vượt xa siêu máy tính dẫn đầu năm ngoái - Tianhe 1A của Trung tâm siêu máy tính quốc gia ở Thiên Tân (Trung Quốc).

Tianhe-1A đạt được tốc độ 2,6 triệu tỉ phép tính/giây. Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản đoạt ngôi siêu máy tính nhanh nhất thế giới, lần trước vào tháng 11/2004, siêu máy tính của Nhật cũng đã truất ngôi Earth Simulator của NEC sau hai năm là siêu máy tính nhanh nhất thế giới.

Theo VnEconomy