Nhịp sống số

Thâm nhập FBI - Tổ chức hành pháp bí ẩn và nổi tiếng nhất thế giới

Thâm nhập FBI - Tổ chức hành pháp bí ẩn và nổi tiếng nhất thế giới
FBI - cục điều tra Liên bang hiện nay chính là cơ quan có quyền lực tối cao tại Hoa Kỳ. Có người cho rằng đó là cơ quan thực thi pháp luật lớn nhất thế giới. Trong lịch sử hơn 100 năm của mình, FBI đã là trung tâm của hàng trăm vụ án đình đám, một số thành công, một số vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn. Và giờ đây, khi chủ nghĩa khủng bố đã lên đến một cao trào mới, FBI đang trở nên phức tạp và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
 

 
Vậy FBI, công việc của họ là gì? Họ được bắt đầu như thế nào? Làm thế nào họ có được quyền lực tối cao như hiện nay? Và làm sao để bạn có thể trở thành một đặc vụ FBI chính hiệu? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
 
FBI - cánh tay của nước Mỹ
 
Giờ đây, khi tình hình kinh tế chính trị, những cuộc xung đột bên ngoài cũng như bên trong Hoa Kỳ đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, rõ ràng nước Mỹ cần đến 1 cánh tay đắc lực như FBI để có thể tự bảo vệ mình - và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết. Nhiệm vụ của FBI đang không ngừng được mở rộng, và giờ đây, danh sách của họ tập trung vào 4 mảng chính, đó là:
 
1. Ngăn chặn khủng bố
 
2. Điều tra và ngăn chặn những vụ tội phạm có tổ chức
 
3. Điều tra và ngăn chặn những vụ tội phạm mạng
 
4. Điều tra và ngăn chặn những vụ tội phạm dân sự
 

 
Họ cũng sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật khác khi cần thiết. Những đối tượng đặc biệt thuộc thẩm quyền của FBI bao gồm những đường dây tội phạm xuyên quốc gia, những tên trùm sò đã vượt qua biên giới Liên bang Hoa Kỳ....
 
Theo như tuyên bố chính thức trên website của FBI:
 
"Nhiệm vụ của FBI là để duy trì pháp luật thông qua việc điều tra các hành vi vi phạm pháp luật Liên bang, nhằm mục đích bảo vệ Hoa Kỳ khỏi các hoạt động tình báo và khủng bố từ nước ngoài, để hỗ trợ cho người lãnh đạo Liên bang Hoa Kỳ và hỗ trợ thực thi pháp luật Liên bang, tiểu bang, các địa phương và các cơ quan quốc tế, và để thực hiện trách nhiệm của mình với quần chúng, và cuối cùng, để thể hiện lòng trung thành với Liên bang Hoa Kỳ."
 

 
Mặc dù là một cơ quan nắm rất nhiều quyền lực trong tay, nhưng sức mạnh của FBI vẫn luôn bị thổi phồng (đặc biệt là qua phim ảnh và báo chí). Dưới đây là một số điều bạn nên biết:
 
1. FBI không phải là một lực lượng cảnh sát xuyên quốc gia. Các cơ quan thực thi pháp luật của nhà nước và địa phương (mà cụ thể ở đây là lực lượng cảnh sát địa phương) hoàn toàn không nằm dưới quyền chỉ huy của các đặc vụ FBI. FBI chỉ có những thẩm quyền nhất định đối với một số loại tội phạm.
 
2. FBI không đơn giản chỉ "nhận" vụ án từ các cơ quan địa phương. Nếu như một vụ án có dính dáng đến thẩm quyền điều tra của FBI, hay đủ nghiêm trọng để kéo FBI vào cuộc, họ sẽ cử ra một đội tham gia, và các đặc vụ sẽ hoạt động phối hợp với cảnh sát địa phương.
 
3. FBI không được quyền truy tố tội phạm. Mọi thông tin họ thu thập được, sẽ được chuyển sang cho bộ Tư pháp Hoa Kỳ, nơi quyết định ai sẽ bị truy tố ra trước tòa.
 

 
Đặc vụ FBI được phép mang vũ khí khi tiến hành nhiệm vụ (và đây là một câu chuyện dài mà bạn đọc có thể tìm hiểu thêm ở cuối bài viết này), và việc sử dụng súng của họ cũng bị hạn chế, tương tự như các cơ quan thực thi pháp luật khác trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Một đặc vụ chỉ được phép nổ súng khi cần thiết, để tránh gây ra thương vong (hoặc tệ hơn là tử vong) cho các đặc vụ khác, hoặc dân thường.
 
Các đặc vụ FBI cũng không được phép nghe trộm điện thoại của các đối tượng đang nằm trong diện nghi vấn. Và để xin được quyền cho phép từ phía toàn án, họ phải trình bày rõ được những nguyên nhân chứng minh rằng đối tượng này có tham gia vào một hoạt động bất hợp pháp nào đó, và việc nghe trộm điện thoại sẽ giúp họ có được những thông tin quan trọng. Thẩm phán liên bang sẽ là người tiến hành phê duyệt và theo dõi việc nghe trộm. Nếu như không có sự cho phép của tòa án, nghe lén điện thoại là một trọng tội - và đối với 1 điệp vụ FBI - đó là sự đánh đổi gần như cả sự nghiệp của họ.
 
Cấu trúc của FBI
 
FBI là một phần của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, đúng đầu là Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ, và dưới thẩm quyền của cơ quan này, FBI sẽ là cánh tay cho việc điều tra và thực thi pháp luật Liên bang. Tuy nhiên, Tổng Chưởng lý sẽ không có quyền trực tiếp kiểm soát FBI, đó là công việc của Tổng thanh tra. Trước năm 2002, quyền hạn của một viên tổng thanh tra là rất hạn chế, tuy nhiên, sau một số vụ bê bối vào năm 2001, mà đỉnh điểm là việc phát hiện ra một nhân viên FBI đã bán những bí mật quốc gia của Mỹ cho Liên Xô trong suốt 15 năm trời, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua việc mở rộng quyền lực cho viên tổng thanh tra này.
 

 
Vị trí tổng giám đốc FBI sẽ được bổ nhiệm bởi tổng thống, và một nhiệm kỳ của chiếc ghế này sẽ kéo dài trong 10 năm. Giám đốc hiện nay là Robert S. Mueller, bên dưới ông sẽ là một vài vị trí phó giám đốc, trợ lý giám đốc đảm nhiệm việc điều hành 11 đơn vị của FBI.
 

 
Trụ sở chính của FBI hiện tại nằm ở Tòa nhà J.Edgar Hoover - Washington DC. Tổ chức này cũng có văn phòng đặt tại nhiều thành phố lớn - với con số lên đến 56 văn phòng đại diện. Ngoài ra, FBI cũng có hơn 400 cơ quan thường trú tại các thành phố nhỏ và một số khu vực khác - những vùng "nhạy cảm" đòi hỏi sự có mặt của họ.
 

 
Trước đây, FBI được coi là nơi không mấy thân thiện với phụ nữ và những người thuộc dân tộc thiểu số. Năm 1972, không có một đặc vụ nữ nào, và người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 1 tỷ lệ rất nhỏ. Giờ đây, FBI đã có hơn 13.000 nhân viên nữ, gần 8000 người dân tộc thiểu số và hơn 1000 người khuyết tật.
 
Nguồn tiền chính của FBI được trích ra từ nguồn tiền rót vào phía bộ tư pháp, và theo báo cáo chính thức thì số tiền mà FBI đã tiêu tốn của chính phủ vào 2 năm 2010 và 2011 lần lượt là 7.9 tỷ và 8.3 tỷ đô la Mỹ.
 
FBI - một chặng đường
 
Sở Tư pháp Hoa Kỳ luôn sở hữu quyền lực tuyệt đối trong việc điều tra tội phạm, tuy nhiên, trong những ngày đầu, họ lại chưa có được những phương tiện tương xứng với quyền lực này. Vào thế kỷ 19, cơ quan chính phủ thường sử dụng những công ty thám tử tư như là phương tiện điều tra cho mình. Vào năm 1908, khi sự kiện bán đất bất hợp pháp ở miền Tây Hoa Kỳ trở thành một cái gai nhức nhối, và các cơ quan luật pháp Hoa Kỳ không tìm được cách giải quyết, tổng thống Hoa Kỳ lúc đó, Theodore Roosevelt, đã cho phép viên trưởng Tư pháp được quyền mở ra văn phòng thám tử chính thức để điều tra và xử lý tội phạm. Và năm 1909, FBI đã ra đời dưới cái tên chính thức : The Bureau of Investigation - tạm dịch: Cục điều tra.
 

 
Ban đầu, thẩm quyền của FBI là rất hạn chế. Gian lận đất đai, lừa đảo ngân hàng xuyên quốc gia, cùng với một số loại tội phạm khác - đó là phạm vi hoạt động của FBI. Trong khoảng vài thập kỷ tiếp theo, Quốc hội Hoa Kỳ mới bắt đầu thông qua việc mở rộng phạm vi hoạt động của FBI, và số lượng các đặc vụ FBI cũng dần tăng lên. Thời điểm này, khi Thế chiến 1 nổ ra, công việc chủ yếu của FBI là ngăn chặn hoạt động gián điệp và phá hoại, đồng thời truy lùng những người không tham gia nghĩa vụ quân sự.
 

 
Cho đến đầu những năm 1920, các đặc vụ FBI hầu hết được đào tạo không chuyên nghiệp và không có đủ tiêu chuẩn để làm việc. Chính trị lúc này có ảnh hưởng cực kỳ mạnh, và tệ hối lộ để nhắm mắt bỏ qua việc điều tra đã hoành hành trong suốt một thời gian dài. Các đặc vụ nhiều khi được các chính trị gia trả tiền để thu thập các thông tin nhằm mục đích hạ bệ đối thủ của mình.
 
J.Edgar Hoover và công cuộc cải tổ FBI
 
Không quá lời khi  nói rằng người đàn ông này đã tạo nên một cuộc cách mạng ở FBI. Một tay ông đã hoàn toàn thay đổi FBI: từ một tổ chức mục rữa với sự hoành hành của nạn hối lộ, chuyên môn cực kỳ thấp cùng với hàng loạt các vụ bê bối được phanh phui, thành một FBI như ngày hôm nay - một tổ chức với sức mạnh và quyền lực tối cao, với cách thức hoạt động cực kỳ chuyên nghiệp và hiệu quả.
 

 
Ngay từ khi mới nhậm chức, vào năm 29 tuổi, ông đã lập tức sa thải hơn 100 nhân viên FBI chỉ trong chưa đầy 1 tháng. Sau đó, Hoover tiến hành nâng cao tiêu chuẩn tuyển dụng của FBI, đòi hỏi bắt buộc các nhân viên FBI phải được giáo dục đại học và có kinh nghiệm trong việc thực thi pháp luật. Ông đã tạo ra hàng loạt những quy tắc và thủ tục để khép các nhân viên của mình vào quy củ trong việc điều tra tội phạm. "Chúng ta chỉ nên có một mối quan tâm duy nhất: đó là sự thanh trừng tội phạm" - trích lời Hoover.
 

 
Bên cạnh đó, Hoover cũng tạo ra rất nhiều cải cách trong lĩnh vực điều tra hình sự. FBI Crime Lab, nơi phân tích các bằng chứng tội phạm, lần đầu tiên ra đời vào năm 1932. Năm 1935, học viện đào tạo dành riêng cho các nhân viên FBI ra đời, và thời điểm này cũng là lúc cái tên FBI chính thức xuất hiện.
 
Một trong những thay đổi đáng chú ý của Hoover trong thời điểm này chính là danh sách Most Wanted 10. Ra đời vào năm 1950, danh sách này cung cấp thông tin và hình ảnh của 10 tên tội phạm nguy hiểm nhất bị truy nã, và danh sách này được đăng tải rộng rãi ở những nơi công cộng như bưu điện, bến xe... Cho đến năm 2002, 458 người đã lọt vào danh sách này và có đến 429 tên đã lọt lưới.
 

 
Trải qua cuộc Thế chiến 2 và chiến tranh lạnh, nhiệm vụ của FBI tiếp tục được mở rộng. Trong giai đoạn này, nhiệm vụ của FBI chủ yếu là săn lùng những tên gián điệp của Đức và Nhật Bản. Sau sự kiện kinh hoàng 9/11, các ưu tiên của FBI một lần nữa thay đổi, và hiện nay, chống khủng bố đứng hàng đầu trong danh sách.
 
Quyền lực của Hoover tại FBI gần giống như 1 vị vua trên ngai vàng, và theo nhiều nguồn tin, ông đã củng cố địa vị của mình thông qua việc sử dụng những thông tin mà FBI thu thập được, để buộc tội và lần lượt hạ bệ những người đối đầu với ông. Chính trị, tình dục, tài chính, đó là những thứ vũ khí lợi hại giúp Hoover tại vị. Và ông chỉ chính thức kết thúc nhiệm kỳ của mình khi .... qua đời vào năm 1972, mặc nhiều đời tổng thống đã xem xét việc bãi bỏ chức vụ của ông.
 
Cách thức hoạt động của FBI
 
Bởi nhiệm vụ của FBI liên tục được mở rộng, nên rất nhiều đơn vị khác nhau đã được phát triển nhằm xử lý các thông tin, sự cố và tình huống. Trong phạm vi của bài viết, chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến hoạt động của 3 đơn vị, được coi là những cánh tay "to" nhất và đắc lực nhất của FBI
 
1. The Criminal Justice Information Services Division (CJIS) - tạm dịch: Bộ phận thông tin.
 

 
Là bộ phận lớn nhất của FBI, và điều này cũng dễ hiểu bởi việc thu thập, phân tích và so sánh các dữ liệu thu thập được tại hiện trường vụ án là công việc quan trọng nhất trong quá trình điều tra. Được coi là kho lưu trữ thông tin tội phạm lớn nhất thế giới hiện nay, kho lưu trữ của FBI chứa đến hơn 47 triệu dấu vân tay, kèm theo đó là vô số những thông tin chi tiết về các thể loại tội phạm trên khắp Hoa Kỳ. Phương thức bảo mật an toàn tuyệt đối khiến kho dữ liệu này trở nên bất khả xâm phạm trước sự tấn công của các tin tặc, đồng thời cách thức truy cập cũng rất nhanh gọn. Bất kỳ cơ quan thực thi pháp luật nào ở cấp độ quốc gia, địa phương và tiểu bang đều có thể truy cập vào kho dữ liệu này để nhanh chóng lấy được những thông tin cần thiết.
 
2. Bộ phận phân tích và xử lý bằng chứng.
 

 
Sở hữu những phòng thí nghiệm cùng những công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay, rõ ràng đây là một thế mạnh không phải bàn cãi của FBI. Bộ phận này sẽ tiến hành phân tích tất cả các mẫu bằng chứng bao gồm DNA từ máu, tóc, vũ khí, dấu vân tay và phân tích chữ viết. Những nhân viên phân tích đều phải trải qua một quá trình đào tạo bài bản từ Phòng thí nghiệm và Trung tâm đào tạo tại học viện FBI.
 
3. Đội giải cứu con tin
 

 
FBI cũng sở hữu trong tay một trong những đội giải cứu con tin hàng đầu thế giới - The Hostage Rescue Team (viết tắt: HRT). Ban đầu, HRT cũng chỉ giống như một đội chiến đấu thông thường, và được trang bị gần như đội SWAT. Công việc của họ là sử dụng sức mạnh vũ lực để giải cứu con tin. Trong khi đó, đơn vị đàm phán, với công việc chính là giải cứu các con tin trong hòa bình và tránh xảy ra đổ máu sẽ vào cuộc trước khi HRT nổ súng. Thế nhưng, một sự cố xảy ra vào năm 1992 khi 2 đội này hoạt động lệch pha nhau, các tay súng từ phía HRT đã nổ súng trước khi đội đàm phán vào cuộc, và kết quả là toàn bộ gia đình nạn nhân đã thiệt mạng. Sau sự cố này, HRT và đội đàm phán đã được sát nhập vào thành 1 tổ chức duy nhất - The Critical Incident Response Group - tạm dịch: Đội phản ứng với các tình huống khẩn cấp, và đội này sẽ hoạt động dưới quyền của 1 chỉ huy duy nhất.
 
Một số thông tin bên lề
 
Về cái tên FBI
 

 
FBI - viết tắt của Federal Bureau of Investigation - Cục điều tra Liên bang, đồng thời cũng là phương châm hoạt động của tổ chức này: Fidelity, Bravery and Integrity - Trung thành, Can đảm và Chính trực.
 
Quyền sử dụng súng của các đặc vụ FBI
 

 
Sau khi thành lập được khoảng 20 năm, quyền sử dụng súng của các vụ FBI vẫn còn rất hạn chế. Và điều này chỉ thay đổi sau vụ thảm sát kinh hoàng tại Kansas City. Trong khi đang áp giải Charles Floyd, một tên tội phạm lừng danh thời bấy giờ đến nhà giam, đồng bọn của hắn đã bất ngờ xuất hiện và nổ súng. 2 viên cảnh sát, 1 cảnh sát trưởng và 1 đặc vụ FBI đã hi sinh sau vụ tấn công này. Vụ tấn công đã làm chấn động dư luận nước Mỹ, và để đáp lại, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cho phép các đặc vụ FBI được mang theo súng và được quyền sử dụng nó khi cần thiết. Đây được coi là một động thái nhằm ngăn chặn sự bành trướng của giới gangster Mỹ vào thời điểm đó.
 
Ngân quỹ hoạt động dành cho FBI hàng năm lên đến 4,3 tỷ USD.
 
Làm thế nào để trở thành 1 đặc vụ FBI?
 

 
Để trở thành một nhân viên FBI, bạn phải tốt nghiệp đại học, mang quốc tịch Mỹ và đang trong độ tuổi từ 23 đến 39. Bạn cũng cần có một hồ sơ sạch sẽ, không có liên quan đến bất cứ một tội ác nghiệm trọng nào. Và chỉ có 10% hồ sơ được chấp nhận. Sau khi đã được chọn, bạn sẽ được đào tạo tại học viện FBI, nằm tại căn cứ của một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến ở Quantico, Virginia. Thời gian đào tạo kéo dài 18 tuần, và sau đó bạn sẽ được gửi về các đơn vị phù hợp để tiếp tục việc đào tạo và thử việc.
 
Với mỗi vị trí, FBI yêu cầu ở ứng viên những tố chất khác nhau. Khác với suy nghĩ của nhiều người, điều kiện để được tuyển vào FBI không quá khó như cách lựa chọn thành viên vào SEAL hay biệt đội bảo vệ tổng thống bởi FBI có rất nhiều vị trí và bộ phận chỉ yêu cầu những kỹ năng thông thường.
 
 
Kỳ sau: FBI vs Al Capone, tổ chức KKK và những thay đổi sau thảm họa kinh hoàng ngày 9/11
 
Tham khảo Howstuffwork