Phần cứng máy tinh

Thách thức làm ăn tại Trung Quốc nhìn từ vụ kiện iPad

Từ vụ tranh chấp thương hiệu iPad giữa Apple và Proview có thể thấy thị trường Trung Quốc không "béo bở" như các công ty nước ngoài vẫn tưởng.

Đối với đa phần người sử dụng trên toàn thế giới, iPad là thương hiệu gắn liền với nhà sản xuất Apple. Tuy vậy, công ty Proview của Trung Quốc lại cho rằng mình mới là chủ nhân thực sự của cái tên "iPad". Thậm chí, các cơ quan chính quyền của Trung Quốc cũng tỏ ra đồng thuận với việc này bằng cách ban bố lệnh cấm bán iPad tới các cửa hàng trong nước. Việc này được Washington Post cho là "ngược đời". Nguyên nhân là bởi từ trước tới nay chỉ có các công ty Mỹ cũng như quốc gia khác cáo buộc các hãng Trung Quốc vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng trường hợp này lại ngược lại.

Mặc dù đưa ra được bằng chứng mình đã mua thương hiệu iPad từ năm 2009 nhưng toà án cấp thấp của Trung Quốc vẫn xử Proview thắng kiện trước Apple. Những tranh chấp kể trên cho thấy các công ty Mỹ khi làm ăn tại Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Apple có nguy cơ mất nhiều thị phần tại Trung Quốc. Ảnh: Cnngo.
Apple có nguy cơ mất nhiều thị phần tại Trung Quốc. Ảnh: Cnngo.

Adam Segal, một chuyên gia nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế, cho biết vụ tranh chấp thương hiệu nói trên thể hiện rõ một loạt vấn đề. Đó là vấn đề về việc chính phủ ban hành, thực thi luật pháp cũng như quyết định từ toà án các cấp khác nhau. Hay nói cách khác, các điều luật về sở hữu trí tuệ tại nước này sẽ khiến cho những doanh nghiệp khác phải "đau đầu" khi hầu toà. Bill Reinsch, Giám đốc của Hội đồng Ngoại thương Quốc gia, cho biết, các doanh nghiệp của Mỹ khi làm ăn tại nước ngoài đều muốn chính phủ các nước đưa ra cách thức giải quyết tranh chấp một cách minh bạch. Ông cho biết, "những công ty này không cần lúc nào cũng phải thắng nhưng họ muốn biết rằng mình có một cơ hội để kháng cự. Ở Trung Quốc, họ không có điều mình cần".

Ông Reinsch nói rằng, các hãng công nghệ phải chi trả hơn nhiều so với những công ty khác khi gặp phải vấn đề về sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc. Ví dụ như một studio vi phạm sở hữu trí tuệ trong một bộ phim thì chỉ có sản phẩm bị cấm lưu hành. Nhưng nếu một công ty công nghệ vi phạm sở hữu trí tuệ, họ có thể bị mất thị phần trong lĩnh vực kinh doanh chủ chốt của mình. Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với Apple, đặc biệt là trong hoàn cảnh thị trường di động ở Mỹ ngày một bão hoà. CEO của Tim Cook đã từng nhận định về nhu cầu sử dụng sản phẩm của thị trường này là "đáng kinh ngạc".

Proview giành nhiều lợi thế hơn trong vụ tranh chấp thương hiệu với Apple.
Proview giành nhiều lợi thế hơn trong vụ tranh chấp thương hiệu với Apple.

Hôm qua (22/2), cả Apple và Proview đều hầu toà tại Thượng Hải (Trung Quốc). Nhưng sau bốn giờ kiện tung, thẩm phán của buổi điều trần vẫn không đưa ra được kết luận cuối cùng, thậm chí không đề cập gì đến thời gian cho cuộc gặp mặt kế tiếp. Trong khi đó, toà án cấp cao tại Quảng Đông (Trung Quốc) cũng sẽ tổ chức buổi điều trần dành cho hai công ty này vào ngày 29/2 sắp tới.

Proview cho biết công ty này sẵn sàng dàn xếp để giải quyết tranh chấp sau khi nhận được thư đe doạ từ Apple. Nhà sản xuất iPad nói rằng sẽ kiện Proview vì đưa ra những cáo buộc sai trái và gây hiểu lầm về Apple. Vụ tranh chấp trên đã khiến cho Apple chùn bước trong cuộc đua khai thác thị trường Trung Quốc "béo bở". Trong khoảng thời gian từ tháng 10-11 năm trước, thị phần smartphone của hãng đạt giảm mạnh. Samsung lúc đó nắm giữ 23,4% thị phần, nhiều hơn gần gấp 3 lần so với con số 7,5% của Apple. Theo Gartner, các smartphone của Nokia và hai nhà sản xuất Trung Quốc bao gồm Huawei, ZTE cũng bán nhiều hơn so với iPhone. Thời gian tới, Apple sẽ phải đối mặt tiếp với việc có ít nhất 39 công ty cũng như các cá nhân khác đang cố gắng đăng ký thương hiệu iPhone và iPad tại Trung Quốc.