Nhịp sống số

Tạo trình diễn trực tuyến nên chọn dịch vụ nào?

Tạo trình diễn trực tuyến nên chọn dịch vụ nào?
Bạn đang muốn tạo ra một bài thuyết trình để trình bày trong buổi họp, một bài báo cáo trước hội đồng khoa học, một bài giảng điện tử cho một tiết hội giảng trên lớp học,…thì chắc chắn phải nghĩ đến phần mềm Microsoft PowerPoint. Nhưng vì một lý do nào đó không thể sử dụng được phần mềm này.
 
Khi đó, các dịch vụ tạo trình diễn trực tuyến sẽ là một thay thế kịp lúc và lâu dài. Với các thế mạnh là không cần cài đặt, hoàn toàn miễn phí, hoạt động trên nền Web, chia sẻ nhanh chóng, nhiều tính năng trình chiếu, các dịch vụ tạo trình diễn sẽ dần trở thành một lựa chọn sáng giá ở thời đại công nghệ “đám mây”. Bài viết sẽ giới thiệu bốn dịch vụ tạo trình diễn trực tuyến Google Docs Presentation, 280 Slides, Empressr và SlideRocket, cũng như đưa ra một vài gợi ý để bạn có thêm thông tin lựa chọn.
 
 
1. Google Docs Presentation (http://docs.google.com)
 
 
 
 
Là một ứng dụng trong gói sản phẩm Google Docs của Google nên Google Docs Presentation được thừa hưởng những tính năng mạnh mẽ của bộ văn phòng trực tuyến này. Để khai thác tính năng của ứng dụng, bạn dùng tài khoản của Google đăng nhập vào địa chỉ docs.google.com rồi bấm nút Create new chọn Presentation. Giao diện của ứng dụng khá thân thiện, gần giống với phần mềm hoạt động trên máy tính, gồm có các menu: File, Edit, View, Insert, Format, Slide, Table, Help. Đặc biệt hơn là người dùng có khả năng tương tác các với tính năng thông qua menu chuột phải, chẳng hạn: bạn có thể bấm chuột phải vào vùng soạn thảo chọn New Slide để tạo một trang mới. Khi xét về số lượng tính năng giúp soạn thảo một slidetrình diễn thì dịch vụ có đầy đủ tính năng thông dụng, như tạo mới, sao chép, di chuyển, xóa một slide; chèn văn bản, hình ảnh, video, bảng biểu, các hình cơ bản vào một vùng trên slide, đặc biệt là tính năng tự do thiết kế Drawing.
 
Một tính năng tuyệt vời của dịch vụ là hỗ trợ chỉnh sửa tập tin của Microsoft PowerPoint (định dạng *.pps, *.ppt), xuất ra định dạng *.ppt giúp dễ dàng hơn cho những ai thường xuyên làm việc ở nhiều máy tính. Khi đã thiết kế xong một bài trình diễn thì bạn có thể chia sẻ ngay với bạn bè qua địa chỉ email (chỉ có người nhận được thư mới xem được bài trình diễn), hoặc xuất bản tài liệu để mọi người trên Internet cùng xem bằng cách dùng đoạn mã được dịch vụ tạo ra nhúng vào Website và Blog.
 
Ngoài dung lượng lưu trữ do tài khoản Google cung cấp thì bạn còn được cung cấp thêm 1GB lưu trữ trực tuyến miễn phí, đủ để đáp ứng nhu cầu làm việc trực tuyến của cá nhân. Bên cạnh đó, máy chủ của dịch vụ được đặt tại Việt Nam nên tốc độ truy cập các tính năng của ứng dụng rất nhanh và ổn định.
 
 
2. 280 Slides (http://280slides.com/Editor/)
 
 
 
 
 
Tuy đang ở giai đoạn thử nghiệm nhưng dịch vụ đã được nhiều người dùng Internet biết đến và sử dụng, bởi khả năng tạo bài trình diễn chỉ với vài cú nhấn chuột. Điểm mạnh đầu tiên là giao diện, hầu hết các tính năng được hiển thị dạng biểu tượng và nằm ngay trên thanh công cụ. Số lượng tính năng của dịch vụ 280 Slides chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của việc tạo trình diễn, như New- tạo mới, Delete- xóa, Themes- mẫu, Layout- kiểu bố trí, Picture- chèn ảnh, Movies- chèn video, Shapes- hình mũi tên, Text- văn bản, Share- chia sẻ, Import- nhập tập tin PowerPoint (định dạng *.pptx).
 
 
Điểm tiện lợi của 280 Slides là người dùng có thể dễ dàng chèn các tập tin ảnh hay video từ các trang web: Flickr, Photobucket, YouTube. Sau khi hoàn thành các Slides, bạn nhấn vào nút Save rồi nhập thông tin tạo mới tài khoản ở hộp thoại hiện ra nếu lần đầu sử dụng dịch vụ. Tính năng không thể bỏ qua của dịch vụ là Share, bạn có thể chọn một trong ba hình thức: Publish to SlideShare (gửi tập tin đến Slideshare.net), Email a PowerPoint Document (gửi đến địa chỉ email mong muốn, với định dạng *.pptx- PowerPoint 2007), Link to and Embed Your Presentation (tạo mã nhúng vào Website, Blog). Một hạn chế nhỏ của dịch vụ là chưa có tính năng Help để hỗ trợ người dùng.
 
 
3. SlideRocket (www.sliderocket.com­­)
 
 
 
Điểm thu hút đầu tiên là giao diện được thiết kế tông màu đen bóng bẩy và sang trọng, với thanh menu nằm ngang phía trên, thanh công cụ nằm dọc ở bên trái, thanh thuộc tính slide nằm dọc bên phải, thanh quản lý slide nằm ngang phía dưới. Để sử dụng dịch vụ, bạn truy cập vào địa chỉ www.sliderocket.com và đăng kí một tài khoản. Với tài khoản miễn phí SlideRocket Lite, bạn sẽ được sở hữu 250MB không gian lưu trữ trực tuyến và 15MB cho mỗi tập tin tải lên nhưng giới hạn một số tính năng so với tài khoản SlideRocket Pro.
 
Ngoài những tính năng cần thiết để tạo một slide trình diễn, SlideRocket còn có nhiều tính năng tương tự như PowerPoint, ví dụ như Transition (hiệu ứng chuyển cảnh), Advanced to next slide (thiết lập chế độ chuyển slide), Record (ghi âm),…Để tăng thêm phần hấp dẫn của slide trình diễn, bạn có thể thêm vào hiệu ứng đối với một số đối tượng đã chèn vào slide. Đầu tiên, bạn bấm chọn đối tượng cần tạo hiệu ứng rồi bấm vào thẻ fx ở khung tính năng bên phải, bấm Add Effect. Trong khung Choose Effect, bạn kéo thanh trượt và tìm đến hiệu ứng mong muốn.
 
 
 Ví dụ, khi chọn xong hiệu ứng phản chiếu Reflection, bạn kéo thanh trượt ở ba mục Amount, Distance, Offset để thay đổi độ đậm, khoảng cách, vị trí của nét phản chiếu. Đặc biệt, nếu bạn đang sử dụng kho ứng dụng Chrome Web Store của Google thì có thể tích hợp SlideRocket vào danh sách những ứng dụng ưa thích.
 
4. Empressr (www.empressr.com)
 
 
 

 

Việc đăng kí tài khoản tại dịch vụ này khá đơn giản, bạn chỉ cần truy cập vào địa chỉ www.empressr.com và khai báo một số thông tin cần thiết. Ở cửa sổ quản lý tài khoản, bạn bấm Create New để tạo một trình diễn mới. Giao diện của dịch vụ rất đơn giản, các nhóm tính năng chính được hiển thị ngay trên cửa sổ, gồm có thanh công cụ nằm ngang phía trên và phía dưới, khung quản lý slide ở bên trái, các khung tính năng được gom gọn ở bên phải.
 
Để thêm các đối tượng Text- văn bản, Shape- hình cơ bản, Table- bảng biểu, Chart- biểu đồ. Với mỗi đối tượng, bạn bấm chuột vào rồi các khung tính năng Properties- thay đổi thuộc tính, Info- thông tin, Align to Canvas- canh chỉnh, Effects- hiệu ứng trong suốt. Tính năng Upload giúp chèn các tập tin đa phương tiện, bấm Browse để duyệt đến tập tin trên máy tính, hỗ trợ các định dạng jpeg, gif, png, mov, swf, flv, mp3.
 
 Các tập tin do bạn tải lên được tập trung quản lý tại tính năng Library.Tính năng Share giúp chia sẻ bài trình diễn thông qua các mạng xã hội MySpace, Facebook, Twitter, Friendster,…và có thể sử dụng đoạn mã ở khung Embed code để nhúng vào WordPress, Blogger, Hi5,…