Nhịp sống số

Tản mạn chuyện ăn theo Apple

Tản mạn chuyện ăn theo Apple

Các sản phẩm của Apple luôn luôn là một trong những niềm cảm hứng lớn cho những người yêu công nghệ và có hầu bao kha khá. Điều này đã nhanh chóng thúc đẩy một dịch vụ đặc biệt ở Việt Nam và trên thế giới, đó là ngành “công nghiệp ăn theo Apple”. Tại Việt Nam, dịch vụ này đang có những bước phát triển khá mạnh.

 

Trang trí

 



      

Việc trang trí cho những chiếc điện thoại, máy tính, máy tính bảng của mọi người ở Việt Nam bây giờ không còn là một việc quá hiếm như hồi xưa. Theo Nhân, chủ một cửa hiệu trang trí các sản phẩm công nghệ trên đường Cách Mạng Tháng 8 (TP. HCM) thì những người đến dịch vụ để yêu cầu trang trí các món đồ vật của mình có thể thuộc bất kỳ thành phần nào, từ học sinh, sinh viên, công chức, nhà báo,… Điểm chung của họ là đều muốn “lên đời” cho chú dế yêu hoặc chiếc máy tính của mình trông đẹp hơn. “Đôi khi máy bị một lỗi gì đó khiến cho hình dáng bên ngoài không còn được toàn vẹn, người ta cũng mang máy đến để “trám” lại chỗ vỡ, rách, gãy ấy bằng các miếng trang trí tùy chọn”, Nhân cho hay.

 

 




 

Hiện trên thị trường, hầu hết các sản phẩm trang trí cho đồ công nghệ nói chung và các sản phẩm của hãng Apple đều đến từ Trung Quốc. Giá cho những lần dán các vật phẩm trang trí như thế thường khác nhau tùy theo chất liệu miếng dán và kích thước. Nếu dán vỏ nhựa thông thường cho điện thoại thì giá chừng 50 ngàn, trong trường hợp cần trang trí miếng dán giả da thì giá có thể lên tới 100 ngàn. Trong trường hợp bạn cần dán cho máy tính Mac hoặc tablet thì mức giá còn tăng lên tới 200-300 ngàn hoặc cao hơn vì diện tích dán rộng hơn. “Mức giá trên với nhiều người thật sự là rất rẻ. Nếu so với việc bỏ hơn 20 triệu mua chiếc máy tính Mac hay trên 10 triệu mua iPad 2 thì bỏ thêm vài trăm ngàn trang trí cho nó đẹp hơn là điều nên làm”, anh Liêm, một nhà báo công nghệ thông tin kết luận.

 

Cài phần mềm

     

 

Apple luôn tự hào với kho phần mềm 380.000 ứng dụng của mình với niềm tin đây là kho ứng dụng lớn nhất trên thế giới. Trong kho ứng dụng này có muôn vàn phần mềm miễn phí và cả những phần mềm có thu phí. Thông thường, các phần mềm có thu phí thường tích hợp nhiều tính năng “đáng đồng tiền bát gạo” hơn so với cácphần mềm miễn phí và bổ sung thêm muôn và các khả năng mới mà điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad hoặc máy tính xách tay Mac không có. Điều này khiến cho kho App Store của Apple luôn là một trong những kho dữ liệu phần mềm tấp nập “người ra kẻ vào” nhất trên thế giới với việc người tiêu dùng liên tục tải, cài đặt, gỡ bỏ, cài tiếp hàng loạt phần mềm cho các thiết bị của mình.

“Nhiều phần mềm có khả năng biến iPhone trở thành đèn phát tín hiệu khẩn cấp, làm cho iPhone có khả năng đo được nhiệt độ, áp suất, đo tốc độ hay hỗ trợ các công việc thường ngày khác. Nhiều ứng dụng cho Mac còn giúp đảm bảo việc kiểm soát máy tính 100% ngay cả khi bị mất máy để chủ nhân bảo vệ tuyệt đối cho các dữ liệu cá nhân và lấy lại khi cần. Tuy thế - đa phần các phần mềm trên là có bản quyền” – Hoàng, một thành viên trên diễn đàn macvn giải thích. Với thói quen xài… chùa hoặc crack các phần mềm trên máy tính đã… “nhiễm” vào máu, phần đông mọi người tìm đến giải pháp… cài lậu phần mềm cho iPhone, iPad, Mac,…

Tại TP. HCM, Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn khác ở Việt Nam, phần đông các cửa hàng kinh doanh điện thoại di động đều có dịch vụ này nhưng không chuyên bằng những cửa hàng “chuyên doanh” về Apple. “Trên mạng luôn có những kho lưu trữ các phần mềm thu phí đã được crack trên App Store. Các hacker sau khi “xử lý” xong chúng liền đem lên đây để chia sẻ cho mọi người xài… chung. Và khi có khách hàng nào muốn cài phần mềm nào, chỉ việc đến với các cửa hàng dịch vụ, liệt kê phần mềm muốn cài là hôm sau sẽ có đầy đủ”, Hoàng phân tích thêm. Thông thường, các cửa hàng thường có một danh mục khá đồ sộ các phần mềm để khách lựa chọn, tuy thế - hạn chế lớn nhất của các cách cài lậu này là không thể update version cho hệ điều hành iOS hoặc Mac để Apple sẽ phát hiện ra và làm liệt điện thoại, máy tính của bạn ngay lập tức.

 

Đồ chơi

    

   

Tại các triển lãm công nghệ lớn ở Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản hay mới nhất là Computex ở Đài Loan mới đây, có một số lượng không nhỏ các gian hàng đến chỉ để trưng bày các món… đồ chơi cho iPhone, iPad hay máy nghe nhạc iPod… “Có một thực tế rất thú vị là Apple làm giàu cho mình nhờ các sản phẩm công nghệ cao kia nhưng cũng giúp làm giàu cho những người khác một cách đồng thời”, Laptop Magazine cho biết, “Đã có người bán sách trên App Store và trở thành triệu phú. Có người kinh doanh phần mềm trên này mà nhanh chóng trở thành đại gia triệu “đô”. Và cũng không ít người hốt bạc tạo ra được các món đồ chơi lạ cho những mặt hàng công nghệ của Apple”.

Những thiết bị giúp biến iPad thành một máy chơi game đỉnh hay thiết bị tạo màn hình 3 chiều cho iPhone, các công cụ đặc biệt giúp cho iPod trở thành một hệ thống giải trí “hầm hố” hoặc các phụ kiện để khiến cho máy tính Mac thành trung tâm điều khiển thông minh cho hệ thống giám sát từ xa,… tất cả những “đồ chơi” ấy đã thu hút được không ít người mua tìm đến.

 “Nghề chơi cũng lắm… công phu”, một câu thơ trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du hồi xưa, nay đem áp dụng cho những người sở hữu các thiết bị công nghệ đóng mác “Quả táo cắn dở” cũng chẳng hề sai chút nào.

Nếu so với việc bỏ hơn 20 triệu mua chiếc máy tính Mac hay trên 10 triệu mua iPad 2 thì bỏ thêm vài trăm ngàn trang trí cho nó đẹp hơn là điều nên làm