Điện thoại

Tại sao tôi “dính chặt” vào iPhone?

Tại sao tôi “dính chặt” vào iPhone?

Nếu bạn nói rằng vì tôi là người dùng Mac nên nhất định iPhone là một phần của "hệ thống", thì mới chỉ đúng một phần.

 

Khá nhiều người dùng Mac đã chọn máy Mac (iMac, Mac Pro, Mac Book Pro, Mac Book Air, vân vân) làm công cụ làm việc nhưng điện thoại không nằm trong danh mục "làm việc", điện thoại là điện thoại, nên người ta vẫn ung dung (và hồn nhiên) mà chọn Nokia N9 hay Samsung Galaxy.

Nếu bạn nói rằng vì tôi là dân nhạc nên mê iPod, rồi mê lây sang cái iPod gọi-điện-được, thì bạn cũng chỉ đúng một phần. Quả tình, tôi có đủ các thế hệ iPod từ khi nó được chào đời đúng mười năm trước; nhưng iPhone thì tôi không sưu tập. iPhone không phải là iPod, hay ít nhất, nó không có ý nghĩa "lịch sử" cũng như kĩ thuật như một iPod.

Vậy thì tại sao?

Một chút hồi ức: tôi đã tự mình unlock chiếc iPhone vỏ nhôm thế hệ I vào năm 2007, mất năm đêm thức trắng. Hồi đó, unlock phải can thiệp phần cứng; tôi làm cho chiếc iPhone thoát khỏi tình trạng đồ đập đá và trở thành điện thoại, nhưng làm trầy mất một chút vỏ và tất nhiên đuối sức sau tuần lễ trắng đêm ấy. Cái gì bỏ công bỏ sức, cái gì đổ mồ hôi sôi nước mắt thì nhớ lâu. Vậy nên tôi nhớ chiếc iPhone đầu đời của mình, chiếc 8 GB vỏ bạc.

Thế rồi chẳng mấy chốc mà 3G (thoạt tiên tôi chê cái vỏ nhựa trông yếu ớt), 3GS (thoạt tiên tôi chê chẳng hơn gì 3G), 4, rồi 4S. Trong những năm từ 2007 đến giờ, tôi dùng thêm khá nhiều sản phẩm điện thoại của các hãng khác, hệ điều hành khác (chủ yếu là Android, rồi Symbian) nhưng bao giờ điện thoại chính vẫn là một iPhone.

 

Tôi vẫn chưa giải thích tại sao…

Đây là lí do: iPhone ĐỦ cho tôi. Không THÊM VÀO, không "giá trị gia tăng", không khuyến mại những thứ người ta nhận lấy mà chẳng bao giờ động đến vì chẳng biết dùng vào việc gì. iPhone - ngoài tính năng điện thoại - là một công cụ làm việc, cho nghề nghiệp của tôi.

Với iPhone, tôi làm được tất cả. Tôi sẽ cho bạn xem các folder chứa ứng dụng:

Utilities: Reminders, ToDo, Dropbox, Office Plus, TouchPad. TouchPad là một tiện ích tuyệt vời dùng để điều khiển máy tính từ xa. Tôi dùng nó khi lười điều khiển trên touchpad máy xách tay, tôi có thể ngồi tương đối xa màn hình mà vẫn duyệt web, nghe nhạc, ra lệnh cho máy tính được.

Social: Facebook, Google+, Myspace, Skype, Twitter, Tumblr, Chat, Vimeo. Hội đủ tất cả các công cụ mạng xã hội và bạn có thể làm mọi điều, từ viết blog đến upload hình ảnh, video thông qua các app này.

Music: cái này chuyên biệt một chút, tôi dùng Cleartune để lên dây đàn, GigBaby, MusicTrack và MusicStudio để làm nhạc trực tiếp trên iPhone. Các files xử lí xong đều có thể đưa lên web server để sau đó lấy xuống từ máy tính khác. Nhiều bản thu demo, nhiều bài hát tôi đã viết bằng iPhone nhờ các ứng dụng kể trên.

 

Giải trí: tôi không giải trí bằng games mà bằng việc vẽ tay. Tôi có bốn ứng dụng ưa thích: Brushes, Inkiness, LiveSketch và Quill.

Photography: chỗ này tôi tách riêng ra để nói rõ hơn. iPhone các thế hệ trước không có gì đáng tự hào về việc chụp ảnh. Phải từ iPhone 4 trở đi, tình hình mới sáng sủa. Từ khi có iPhone 4, nhiếp ảnh có thêm thuật ngữ "iphoneography" - nhiếp ảnh bằng iPhone. Tôi là một tín đồ của nhánh này, và càng lúc càng hâm mộ, càng say mê. iPhone 4S còn tiến xa hơn nhiều, camera tốt hơn, độ phân giải cao hơn, độ tương phản sâu hơn và khả năng lấy nét nhanh hơn. Tôi dùng các ứng dụng 6x6 (giả lập máy ảnh TLR khổ vuông), Camera+, CameraBag, Hipstamatic, Instagram, Lenslight, Pinhole HD cho việc chụp ảnh của mình. Bên cạnh đó, máy đo sáng Light Meter cũng là công cụ đáng tin cậy không thua sút bất kì một máy đo chuyên nghiệp rời nào. Điểm này đáng nhấn mạnh bởi vì tôi đã test các chương trình đo sáng viết cho điện thoại Android, hầu như chưa dùng được cái nào, do cảm biến ánh sáng của các điện thoại ấy hoạt động sai.

 

iPhone còn sáng giá hơn nhiều kể từ khi có hệ điều hành nền tảng iOS 5 và đám mây iCloud. Việc đồng bộ dữ liệu diễn ra tự động, rất nhanh chóng, ổn định, đáng tin cậy. Cập nhật ứng dụng trực tiếp trên điện thoại, không cần lệ thuộc máy tính. Đồng bộ (hay là "sống chung") giữa iOS với Android/Google cũng đỡ phiền toái hơn xưa. Niềm yêu mến khi đã được khích lệ bởi các cải thiện tiện ích tích cực, thì càng thêm yêu mến, điều này dễ hiểu.

Vậy nên tôi mới không rời nổi chiếc iPhone của mình.