Nhịp sống số

Sự thật về những biên pháp ẩy não?

Bài viết này hoàn toàn không nhằm mục đích hướng dẫn bạn thoát khỏi âm mưu khủng khiếp nhằm lấy đi toàn bộ ký ức của bạn, không, vấn đề đơn giản hơn thế rất nhiều. Hãy cùng nhớ lại một vài chi tiết trong buổi sáng đẹp trời ngày hôm nay. Tấm biển quảng cáo đập vào mắt bạn mỗi sáng khi bạn vừa phi xe ra khỏi ngõ. "Cạch. Kangaroo, máy lọc nước hàng đầu Việt Nam. Cạch." Bộ ngực đồ sộ của chị kế toán xinh đẹp đập vào mắt bạn suốt cả ngày làm việc. Và trong khi bạn đang moi móc thông tin từ một góc rất xa xôi nào đó trong bộ nhớ, tiếng lạch cạch không ngừng vang lên trong đầu bạn, số đo 3 vòng của chị kế toán bay nhảy trong não bạn - đây là lúc vấn đề trở nên thực sự nan giải.
 

 
Tẩy não là gì?
 
Trước khi đi vào những chi tiết cụ thể, chính xác thì tẩy não (nguyên văn: Brainwash) là gì? Wikipedia đưa ra một khái niệm khá dễ hiểu:
 
"Tẩy não, hay điều khiển tâm trí, quấy rối tâm trí, định hình lại suy nghĩ là một khái niệm đề cập đến một quá trình, trong đó một cá nhân hay một tổ chức nào đó sử dụng những mánh khóe khác nhau, qua đó tác động đến tâm lý của người khác, buộc họ phải có những quan niệm, suy nghĩ phù hợp với mục đích của mình".
 

 
Thực tế, đó là những mánh khóe lừa gạt ở cấp độ cao. Khi đọc khái niệm này, hẳn bạn đọc sẽ liên tưởng ngay đến những thứ cao xa như tôn giáo hay chính trị, nhưng thực chất, nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy sự hiện diện của nó trong cuộc sống hàng ngày. Kỹ thuật thao túng trí óc người khác này thường xuyên được các nhà quảng cáo (Vâng, lại một lần nữa tiếng lạch cạch vang lên trong đầu tôi), các mạng lưới thông tin hay các chính trị gia sử dụng.
 
Hãy cùng thử điểm qua một vài phương thức thường được họ sử dụng:
 
1. Họ cung cấp cho bạn nhiều lựa chọn, nhưng tất cả những lựa chọn này đều đi đến một kết quả cuối cùng.
 
2. Ý tưởng hay một câu nói nào đó thường xuyên được lặp lại cho đến khi nó đóng đinh vào não bạn.
 

 
3. Cung cấp hàng tá những thông tin khác nhau, làm bạn trở nên quá tải về số lượng trong một khoảng thời gian ngắn. Và bạn sẽ đánh giá cao câu trả lời mà họ đưa ra, tất nhiên, tùy thuộc vào lượng thông tin quá tải.
 
4. Đặt bạn vào một trạng thái cảm xúc nào đó, và làm bạn khó có thể đưa ra những suy luận logic. Giận dữ và sợ hãi là những thứ hay được sử dụng nhất.
 
Đọc qua một lượt danh sách này, có thể bạn đang tìm kiếm cho mình một vài ví dụ cụ thể. Các kênh tin tức thường lặp lại một thông điệp cố định nào đó khi họ muốn vượt lên trên đối thủ. Nhà quảng cáo đưa ra rất rất nhiều lựa chọn, nhưng rồi tất cả đều dẫn đến việc bạn nên mua sản phẩm của họ. Những trò lừa gạt này, trên thực tế, xuất hiện khắp nơi. Chúng không biến bạn trở thành một cái xác không hồn, nhưng chúng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và lựa chọn của bạn.
 

 
Hãy chủ động tránh né chúng, bạn sẽ dọn sạch được một phần khá lớn trong bộ não của mình. Đó là phần dành cho những thứ có ý nghĩa như tìm ra phương thuốc chữa trị ung thư, hay giải quyết nạn đói đang hoành hành - không phải dành cho những thứ vô bổ như Kangaroo hay một bộ ngực đồ sộ đang tung tăng nhảy múa.
 
Làm cách nào để loại bỏ những tin rác?
 
Tránh tiếp xúc với chúng, đó có thể là thứ đầu tiên bạn nghĩ tới, và điều đó gần như là không thể. Bạn không thể né tránh những đoạn quảng cáo vô cùng nhảm nhí được nhai đi nhai lại 5 phút 1 lần, trừ khi bạn từ bỏ hẳn thói quen xem tivi. Bạn cũng không thể nào không thấy nụ cười tỏa nắng của chị kế toán xinh đẹp mỗi ngày, trừ khi bạn bỏ việc. Tiếp xúc một cách vô thức với những điều này hàng ngày, bằng cách này hay cách khác, chúng đã đi vào tiềm thức của bạn. Lấy ví dụ như trong lúc đang tập trung vào bài thi, khi bạn đã đến rất gần với đáp án, bỗng dưng, "Cạch, blah blah...". Không cần phải nói gì thêm, tác giả hoàn toàn đồng cảm với bạn trong tình huống này.
 

 
Tìm kiếm sự cân bằng, đó là chìa khóa giải quyết vấn đề. Đây là tất cả những gì bạn cần làm:
 
1. Xác định những thông tin nhiễu mà bạn buộc phải tống vào não mỗi ngày
 
2. Tìm ra những thông tin ngược chiều, dù nó có mang tính chất thao túng hay không. Sau đó tìm ra một thông tin khác mang tính chất trung lập giữa hai thông tin trên.
 
3. So sánh các nguồn thông tin này với nhau.
 

 
Tẩy não, dù ở mức độ nào đi chăng nữa, xuất hiện chủ yếu dựa trên bản chất của sự cô lập thông tin. Nếu bạn chỉ nghe thấy, hoặc nhìn thấy một thông tin nào đó, lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác mà không bao giờ tiếp xúc với những lựa chọn thay thế khác, bạn sẽ dần dần chấp nhận một cách vô thức những điều mà bạn nghe thấy, hoặc nhìn thấy. Hãy tự tạo ra một dải thông tin xung quanh mình, điều đó sẽ tốt hơn việc chỉ đơn thuần chấp nhận những thứ mà bạn được nhồi vào đầu.
 

 Tham khảo: LifeHacker