Steve Jobs khó tính, đây là điều mà chúng ta đều biết. Nhưng hiếm ai biết được rằng cựu CEO của Apple là một người khắt khe và đòi hỏi sự hoàn hảo đến mức độ cực đoan.
<>
Steve Jobs là một người cực kỳ kỹ tính. Ông chăm chút cho từng chi tiết của sản phẩm, từng quảng cáo, từng cửa hàng và tất cả những gì liên quan đến Apple.
Sự quan tâm đến các chi tiết và cách chế tạo sản phẩm đến từ lời người cha, dạy rằng việc chế tạo những chi tiết là rất quan trọng, cho dù chúng có thể không bao giờ lộ ra ngoài. Steve Jobs kể lại cho Walter Isaacson, người viết tiểu sử cho ông –“Ông ấy thích làm mọi thứ với độ chuẩn xác cao nhất. Ông ấy cũng quan tâm đến những chi tiết mà người ta không nhìn thấy.”
Đây là một bài học đáng giá, nhưng Jobs có lẽ đã quá chú tâm vào việc này. Cuốn tiểu sử về Steve Jobs chứa đầy những ví dụ về việc ông loại bỏ tất cả những chi tiết cực kỳ nhỏ nhặt.
Ví dụ như khi Apple muốn mở một cửa hàng mới, cộng sự của ông là Lee Clow kể rằng –“Steve bắt chúng tôi dành nửa tiếng đồng hồ để lựa chọn độ đậm nhạt của màu ghi hợp nhất cho phòng vệ sinh.” Thực ra việc để ý đến những chi tiết nhỏ cũng là thói quen tốt, tuy nhiên dành nửa tiếng chỉ để chăm chút cho một thứ nhỏ nhặt như vậy là hơi quá đáng. Dĩ nhiên đó lý do tại sao ông ấy là Steve Jobs, còn chúng ta thì không. Sau đây là một vài ví dụ về sự cẩn trọng của ông về các chi tiết nhỏ.
Steve Jobs phàn nàn về những thanh tít trên các file và cửa sổ
Steve Jobs muốn thanh tiêu đề của cửa sổ hiển thị có đường chấm đứt, Bill Atkinson là một trong những thiết kế sư của Mac, kể lại –“Chúng tôi phải làm đi làm lại đến 20 lần để có thể thiết kế được thanh tiêu đề như ý muốn của ông.”
Atkinson và nhiều nhân viên khác cũng phàn nàn về việc tốn quá nhiều thời gian chỉ để chỉnh sửa những chi tiết nhỏ nhặt, Steve Jobs đã khiến họ hết hồn với màn quát tháo –“Các anh có biết rằng hàng ngày người dùng sẽ nhìn vào chúng hay không? Đây không phải là những chi tiết nhỏ nhặt, đây là những thứ chúng ta cần phải thiết kế một cách hợp lý.”
Ông muốn bo mạch bên trong Mac nhìn thật đẹp
Có lẽ sẽ chẳng ai ngoài những kỹ sư của Apple có cơ hội được "diện kiến" bo mạch chủ của các máy Mac, nhưng Jobs đã từng chỉ trích nặng nề về bề ngoài của bảng mạch điện tử này.
Một kỹ sư nói với ông rằng –“Vấn đề là nó có hoạt động tốt hay không. Chẳng ai lại quan tâm đến bề ngoài của bảng mạch cả.” Jobs trả lời –“Tôi muốn nó đẹp nhất có thể, cho dù đây là một bộ phận nằm bên trong vỏ máy. Một người thợ mộc giỏi chẳng bao giờ dùng loại gỗ xấu xí để làm mặt sau của cái ngăn kéo, kể cả khi chẳng ai quan tâm đến phần đó.”
Ông muốn máy Apple II phải có màu be thật chính xác
Đối tác sản xuất của Apple có đến 2000 loại màu be khác nhau. Nhưng Steve Jobs chẳng hài lòng với cái nào và tự ông tạo ra màu be riêng dành cho máy.
Ông chỉnh sửa nội thất trong máy bay riêng và khiến cho những người thiết kế phải phát điên
Steve Jobs mất một năm để thiết kế nội thất cho chiếc Gulfstream, máy bay riêng của ông. Tại sao ư? Ông không thích những nút bấm nổi. Ông cũng ghét nút bấm bằng thép không gỉ, vì vậy ông thay tất cả chúng bằng kim loại đánh nhám.
Ông muốn các máy Mac có thể vẽ được chữ nhật có góc bo tròn
Khi thiết kế phần mềm đồ họa cho Mac vào thuở sơ khai, một kỹ sư đưa vào Mac khả năng vẽ các đường hình tròn và trái xoan (thời đó khả năng vẽ đồ họa là các hình đơn giản trên những máy tính thô sơ đã là rất tân tiến). Tất cả các thành viên trong nhóm Mac đều tự hào về thiết kế này, ngoại trừ Jobs. Ông nói rằng –“Hình tròn và trái xoan cũng được đấy, nhưng thế còn hình chữ nhật với góc bo tròn thì sao?” Anh kỹ sư này nói –“Tôi muốn tính năng đồ họa thật giản tiện và giới hạn ở những hình thường gặp nhất.” Steve Jobs phẩy tay và nói rằng hình chữ nhật góc tròn có ở khắp nơi. Ông lôi anh ra ngoài phòng làm việc của Apple, dắt đi dạo xung quanh và chỉ ra đến 17 ví dụ về hình này chỉ sau 3 dãy nhà.
Đá lót sàn của những cửa hàng Apple được lấy từ một mỏ đá gần Florence. Đây là những chi tiết mà Jobs muốn áp dụng cho sàn của những cửa hàng Apple:
Năm 1985, sau khi bị đẩy ra khỏi Apple, ông đã đến Ý để du lịch và rất ngưỡng mộ loại đá màu ghi lót lề đường của thành phố Florence. Năm 2002, ông cho rằng màu gỗ lót sàn của các cửa hàng quá tẻ nhạt và quyết định thay chúng bằng loại đá trên, quả là một tính cầu kỳ quá mức. Một vài nhân viên của ông đề ra ý tưởng dùng bê-tông có màu sắc và bề mặt y hệt, rẻ hơn 10 lần so với loại đá kia, nhưng Jobs phản đối bởi ông không thích đồ nhái lại. Đó là loại đá ghi-xanh tại thị trấn Pietra Serena với chi tiết bề mặt mịn màng, đến từ một mỏ đá của gia đình Il Casone tại Firenzuola cách thành phố Florence không xa. Johnson kể rằng –“Chúng tôi chỉ chọn 3% lượng đá khai thác được, bởi chúng cần phải có màu sắc, đường vân và độ tinh khiết thật chuẩn xác. Steve nhấn mạnh rằng chúng tôi phải chọn loại đá đúng về màu sắc và chất liệu.” Vậy là những nhà thiết kế tại Florence lựa chọn những hòn đá này, cắt chúng ra và đán số thứ tự từng viên để khi xây dựng người ta biết phải đặt chúng thế nào để các vân đá trùng khít vào nhau. “Với loại đá dùng lát đường Florence, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm biết rằng chúng sẽ vượt qua được thử thách của thời gian.”
Ông cũng đem tính cẩn thận này đến với Pixar
Những thanh xà bằng thép của tổng hành dinh Pixar có thiết kế lộ ra ngoài, theo lời Isaacson thì Jobs đã xem thử các thiết kế mẫu trên toàn quốc. Cuối cùng ông chấm loại xà đến từ Arkansas, ông muốn đảm bảo những thanh thép này phải được tôi đến màu tinh khiết nhất. Việc vận chuyển không được gây ra bất kỳ một vết xước nào cho chúng, các thanh xà này phải được liên kết bằng bu lông chứ không bị hàn, lớp sơn chống rỉ cũng phải trong suốt.
Khi còn nằm trong viện, ông bỏ mặt nạ khí ra bởi chúng quá xấu
Không rõ lúc này ông có mê sảng hay không, nhưng cụ thể câu chuyện như sau:
Khi mà Steve Jobs mới hơi tỉnh lại thì cái sự khó tính của ông cũng trỗi dậy. Lúc bác sĩ đang định đeo mặt nạ khí lên cho ông, Jobs gỡ ra và lẩm bẩm rằng ông ghét thiết kế của nó. Cho dù nói chuyện rất khó khăn, ông vẫn yêu cầu mọi người đem vào 5 loại mặt nạ khác nhau để ông chọn. Các bác sĩ thì mắt tròn mắt dẹt nhìn Powell, vợ của ông để cầu cứu. Cuối cùng bà cũng đánh lạc hướng Jobs để các bác sĩ đeo mặt nạ vào. Ông cũng ghét bộ phận kiểm tra khí oxy mà người ta đặt vào ngón tay, cho rằng nó quá xấu và phức tạp. Rồi ông đề xuất các ý tưởng thiết kế để khiến chúng nhìn đơn giản hơn. Powell kể lại rằng –“Ông rất nhạy cảm với quang cảnh và mọi đồ vật xung quanh mình và điều ấy khiến ông ấy luôn mệt mỏi.”
Có lẽ sau những ví dụ này, chúng ta phải thừa nhận rằng Steve Jobs là CEO khó tính nhất trên thế giới. Hoặc thậm chí có thể là người đàn ông khó tính nhất chăng?