Dù cho tới thời điểm này, đã có một số nhà mạng triển cung cấp nghiệm công nghệ 4G - LTE, song theo lãnh đạo Cục Tần số và Vô tuyến điện Bộ Thông tin và Truyền thông, phải tới năm 2014, Việt Nam mới nên thương mại hoá các dịch vụ công nghệ này.
Lí do để 2014-2015 là thời điểm thích hợp cho chính thức cung cấp 4G được đại diện phía cơ quan quản lí nhà nước đưa ra: Việt Nam là một nước nghèo, khi tham gia thương mại hoá dịch vụ công nghệ 4G, chúng ta phải chọn thời điểm chín mùi, hội tụ đầy đủ các yếu tố từ công nghệ tới giá thành thiết bị phải phù hợp với túi tiền người tiêu dùng.
Cho tới thời điểm này, bản thân Cục Tần số Vô tuyến điện vẫn chưa quy hoạch cụ thể tần số cho 4G. Đây cũng là một yếu tố quyết định việc thương mại hoá 4G. Đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện đã cho hay, tiêu chí mà cơ quan quản lí nhà nước đặt ra khi lựa chọn băng tần cấp phép cho các công nghệ mới như 3G, 4G đó là làm sao băng tần đó phải được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng.
Theo đại diện của Cục Tần số, có vậy mới tạo nên được một thị trường lớn, giá thành dịch vụ và máy đầu cuối theo đó cũng sẽ rẻ hơn. Tiếp nữa là chi phí giải phóng băng tần phải thấp nhất có thể. Đây phải là bài toán được xem xét kĩ để có lời giải hợp lí nhất.
Thời điểm năm 2014 được rất nhiều đại biểu của các hãng công nghệ lớn đến tham dự Hội nghị - Hội thảo Vietnam Comm 2011 đồng tình. Ông Marko Lius, Trưởng đại diện phụ trách hệ thống mạng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Nokia Siemens Network cho rằng, Việt Nam không nên vội vã triển khai 4G ở thời điểm này mà hãy để khoảng 2-3 năm nữa.
Đã có kinh nghiệm triển khai mạng 4G tại 16 quốc gia trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, theo đại diện của Nokia Siemens Network, vấn đề giá cả thiết bị đầu cuối đóng một vai trò quan trọng trong việc thương mại hoá công nghệ này.
Ông Marko Lius cho rằng ở thời điểm này, giá cả dành cho các thiết bị đầu cuối 4G còn khá đắt đỏ. 4G chỉ có thể được ứng dụng rộng rãi khi giá thành thiết bị giảm xuống, chẳng hạn như một chiếc smartphone dành sử dụng dịch vụ 4G chỉ còn khoảng 100 USD hay ít hơn. Trên thực tế các dòng điện thoại 3G hiện nay cũng có thể nâng cấp lên 4G song để việc triển khai 4G ở Việt Nam, giá thiết bị đầu cuối cần phải giảm xuống nữa.
Cùng quan điểm, mỗi công nghệ đều có giai đoạn kích cầu, quá trình cung cấp dịch vụ phải chín mùi thì kinh doanh mới có lãi, ông Vũ Hoàng Liên - Chỉ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, khi cung cấp dịch vụ, phải mất vài năm doanh nghiệp mới đạt được sự bùng nổ về dịch vụ.
Chính vì vậy trong tư duy kinh doanh của doanh nghiệp cần phải vạch ra một lộ trình cụ thể, rõ ràng. Phải biết được mình nên bắt đầu vào khi nào để đạt được điểm chín khi dịch vụ bùng nổ. Tuy nhiên, theo ông Liên, cũng có một vấn đề được đặt ra đó là, nếu chọn thời điểm chín mùi, bùng nổ của dịch vụ mới triển khai thì rất có thể, doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong việc xây dựng chính sách làm sao có thể nhanh chóng nhập cuộc, theo kịp đối thủ đã đi trước.
Ông Liên cũng đồng ý với quan điểm thiết bị đầu cuối là yếu tố ảnh hưởng lớn tới triển khai công nghệ 4G, tuy nhiên, cũng phải tính tới thách thức làm sao quản trị được chất lượng dịch vụ khi cung cấp cho khách hàng.
Có mặt tại 35 quốc gia trên thế giới, hãng viễn thông khác đến từ nước Pháp là Orange France Telecom cũng đã có những kinh nghiệm triển khai 4G. Ông Laurent Zylberberg - Giám đốc Quốc gia mới của Orange tại Việt Nam cho rằng, với ông, công nghệ triển khai 4G lại không phải là điều quan trọng nhất. Công nghệ chỉ là công cụ mang dịch vụ tiện ích tới cho người tiêu dùng mà thôi.
Vấn đề chính là người tiêu dùng muốn gì ở phía các nhà cung cấp? Khi nhà cung cấp hiểu được người dùng muốn gì thì đó chính là thời điểm thích hợp nhất triển khai 4G. Bây giờ không nên đặt câu hỏi “khi nào thì triển khai 4G?” nữa mà nên tập trung cho việc tìm ra những dịch vụ 4G nào hấp dẫn nhất, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.