Nhịp sống số

Siêu trực thăng Apache: Con quái vật trên không của người Mỹ

Siêu trực thăng Apache: Con quái vật trên không của người Mỹ

Cùng tìm hiểu về Apache, một phát kiến vượt bậc trong lịch sử quân sự.

Siêu trực thăng Apache là một phát minh mang tính cách mạng trong lịch sử quân sự. Về cơ bản, nó giống như một cỗ xe tăng bay -- một cỗ máy được thiết kế nhằm chịu đựng được mọi loại hỏa lực hạng nặng, đồng thời có sức công phá khủng khiếp. Nó có thể định vị mục tiêu dù ngày hay đêm, bất chấp điều kiện thời tiết tồi tệ ra sao. Như bạn đọc có thể hình dung, những chiếc Apache này thật sự là những hung thần đối với phòng tuyến địch.
 
Một chiếc Apache cấu tạo cũng như những chiếc trực thăng chiến đấu khác, gồm có hệ thống bay, hệ thống cảm biến, vũ khí và hệ thống phòng ngự. Xét riêng lẻ, đây là những phát minh hàng đầu. Kết hợp lại, đó là một cơn ác mộng.
 

 

Hệ thống bay
 
Hệ thống bay của Apache gồm có hệ thống cánh quạt chính và hệ thống cánh quạt đuôi. Hệ thống cánh quạt chính được đặt trên nóc chiếc trực thăng, gồm 4 cánh quạt, mỗi cánh dài khoảng 6 mét. Người phi công sẽ điều khiển trực thăng thông qua một cơ chế gọi là "swash plate mechanism" - tạm dịch: cơ chế tấm chắn. Tấm chắn này được lắp vào các cánh quạt, khi cả bốn tấm chắn cùng hoạt động, nó sẽ giúp chiếc trực thăng cất cánh và hạ cánh. Điều chỉnh một trong số những tấm chắn này, chiếc trực thăng sẽ nghiêng và bay đi theo những hướng khác nhau.
 

 

Mép sau của mỗi cánh quạt được phủ bởi một lớp hợp kim chì vững chắc, trong khi đó mép trước được làm từ titanium. Titanium sẽ đủ mạnh để giúp cánh quạt trụ vững trước sức cản của những vật thể gần mặt đất như cây, bụi rậm, đất đá... Apache sẽ rất cần đến đặc tính này của cánh quạt, do nó thường xuyên phải bay sát mặt đất để lẩn tránh và săn tìm mục tiêu. Hệ thống cánh quạt gắn ở đuôi máy bay sẽ giúp Apache ổn định đường bay khi đang bay cao cũng như khi đang ở sát đất.
 
Hệ thống bay không tạo nên sự khác biệt giữa Apache và những chiếc trực thăng khác. Chính những trang bị vũ khí tối tân mới là thứ đưa những chiếc Apache lên một đẳng cấp mới.
 
Vũ khí
 
Hệ thống tên lửa không đối đất
 
Vai trò chính của Apache trên chiến trường là loại bỏ những tấm "lá chắn" kiên cố của bộ binh phe địch, như những chiếc xe tăng, hay boong-ke. Để có được mức độ sát thương khủng khiếp đến thế, bạn cần được trang bị các loại hỏa lực hạng nặng. Và để làm điều đó trên một chiếc trực thăng, bạn cần những thiết bị định vị cực kỳ chính xác.
 

 

Thứ vũ khí chính của trực thăng Apache - hệ thống tên lửa không đối đất có đầy đủ những yêu cầu trên. Mỗi quả tên lửa là một chiếc máy bay thu nhỏ, với hệ thống dẫn đường, hệ thống lái và động cơ phản lực. Bên trong chứa một lượng chất nổ lớn, cùng với đầu đạn có khả năng đâm xuyên cực cao, những chiếc tên lửa này có khả năng xuyên thủng qua những tấm thép dày hàng mét. Nghĩa là, ngay cả các loại xe tăng -- bức tường kiên cố nhất cũng sẽ nát vụn trước sức công phá khủng khiếp này.
 
Những chiếc tên lửa không đối đất này sử dụng hệ thống dẫn đường bằng laser. Hệ thống định vị trên trực thăng sẽ chiếu một tia laser có cường độ cao vào mục tiêu (trong vài trường hợp, bộ binh phải làm thay công việc này), những tia laser này sẽ mã hóa những thông tin về mục tiêu như tốc độ bay, hình dạng, vị trí... Sau đó, những thông tin này sẽ được gửi đến hệ thống điều khiển tên lửa, qua đó, hệ thống dẫn đường sẽ tính toán chính xác đường đi, và rồi quay tên lửa hướng thẳng đến mục tiêu.
 

 

Hệ thống này tuy hoạt động rất có hiệu quả, nhưng nó vẫn có những nhược điểm chết người:
 
Mây hoặc chướng ngại vật sẽ cản trở tia laser, nên có thể nó chẳng bao giờ đến được mục tiêu.
 
Nếu tên lửa bay xuyên qua mây, nó có thể mất dấu mục tiêu.
 
Trực thăng phải giữ cho tia laser chiếu vào mục tiêu cho đến khi có tín hiệu phản hồi về hệ thống định vị trên tên lửa. Điều này làm cho chiếc trực thăng buộc phải lộ diện, và khi đó nó có thể bị triệt hạ bởi hệ thống phòng không của địch.
 
Những chiếc tên lửa không đối đất thế hệ mới, tên lửa Hellfire 2 đã khắc phục được điểm yếu này thông qua việc sử dụng hệ thống định vị bằng radar. Sóng radar không chịu ảnh hưởng của mây hay chướng ngại vật, do đó tên lửa sẽ dễ tìm đường hơn. Và do không cần phải giữ đèn laser chiếu vào mục tiêu, nên chiếc trực thăng cũng sẽ dễ dàng tìm chỗ ẩn nấp hơn.
 
Hệ thống tên lửa Hydra
 
Trực thăng Apache thường có hai bệ phóng tên lửa Hydra, đặt cạnh hệ thống không-đối-đất. Bệ phóng chứa 19 chiếc tên lửa với kích thước khoảng 6-7cm mỗi chiếc. Mỗi lần khai hỏa, Apache có thể bắn riêng lẻ từng chiếc, hoặc xả hàng loạt cả chùm tên lửa. Khi đã ra khỏi bệ phóng, hai cánh ổn định lắp ở thân tên lửa sẽ bung ra giúp ổn định đường bay cho những chiếc tên lửa này.
 

 

Trên thực tế, hệ thống tên lửa này có rất nhiều mục đích khác nhau, tùy thuộc vào thiết kế của đầu đạn. Nó có thể là thứ vũ khí tấn công, nếu như đầu đạn được nhồi vào các loại chất nổ hạng nặng, hoặc cũng có thể là vũ khí đánh lạc hướng nếu như bên trong đầu đạn là một quả bom khói. Đầu đạn cũng có thể là một loại bom, nó sẽ tách ra khỏi tên lửa trong quá trình bay, và rơi xuống những mục tiêu bên dưới.
 
Súng ống
 
Để đối phó với những mục tiêu ở cự ly gần, Apache được trang bị một khẩu súng máy M230 30mm, gắn vào một ụ súng đặt ở dưới mũi trực thăng. Khẩu súng được điều khiển bằng hệ thống vi tính, về cơ bản là giúp xoay ụ súng lên trên, xuống dưới và sang hai bên. Sức chứa tối đa của súng khoảng trên 1000 viên đạn, tốc độ bắn là 600 đến 650 viên/phút.
 

 

Hệ thống cảm biến
 
Một trong những thứ tạo nên tên tuổi của Apache chính là hệ thống cảm biến cực kỳ tinh vi. Bằng cách sử dụng hệ thống radar cực nhạy, Apache có thể làm hiện hình bất kỳ vật gì nằm trong tầm hoạt động. Những tín hiệu truyền về sẽ được xử lý, sau đó, những hình ảnh vừa tạo ra sẽ được so sánh với dữ liệu nguồn của hàng loạt những chiếc xe tăng, xe tải, hay các khí tài quân sự khác để "định giá" mục tiêu.
 

 

Apache sử dụng hệ thống cảm ứng Night Vision cho những nhiệm vụ trong bóng đêm. Hệ thống này làm việc dựa trên bộ phận tìm kiếm tia hồng ngoại (nguyên văn: forward-looking infrared system), giúp xác định các tia hồng ngoại phát ra từ các vật tỏa nhiệt. Sau đó, những tia hồng ngoại này sẽ được gửi về bộ phận xử lý, tạo thành những hình ảnh hiển thị ở mắt kính được gắn trên mắt phải của người phi công.
 
Làm cách nào Apache có thể "tàng hình" và sống sót trên chiến trường?
 
Chiến thuật đầu tiên cần nhắc đến đó là giữ khoảng cách. Như ta đã thấy ở trên, Apache được thiết kế để bay ở rất thấp, do đó có thể ẩn nấp bất cứ khi nào có thể. Nó cũng đã được thiết kế để né tránh radar của quân địch. Nếu như phi công bắt được tín hiệu radar trên màn hình, anh ta sẽ ngay lập tức kích hoạt hệ thống làm nhiễu radar để đánh lạc hướng quân địch.
 

 

Apache cũng có khả năng né tránh những chiếc tên lửa tầm nhiệt, nhờ vào hệ thống khử tia hồng ngoại mang tên Black Hole. Hệ thống này sẽ khử nhiệt động cơ bằng cách trộn lượng khí nóng thoát ra từ động cơ với không khí xung quanh trực thăng. Lượng khí này, sau đó sẽ đi qua một bộ lọc đặc biệt, có khả năng hấp thụ nhiều nhiệt hơn. Một số loại trực thăng Apache còn có hệ thống làm nhiễu tia hồng ngoại, hoạt động bằng cách phát ra nhiều tia hồng ngoại ở những tần số khác nhau, qua đó biến những chiếc tên lửa tầm nhiệt của quân địch trở thành vô dụng.
 
Vai trò và chiến thuật của Apache trên chiến trường
 
Sự ra đời của Apache đã tạo nên một bước đột phá trên chiến trường. Hãy tưởng tượng nó giống như một quân cờ có thể đến bất kỳ đâu nó muốn. Trang bị hỏa lực tối tân cùng với tốc độ vượt trội cho phép Apache càn quét và phá nát hàng ngũ quân địch - cũng giống như những gì mà các kỵ binh thời trung cổ vẫn hay làm, nhưng với sức mạnh lớn gấp hàng nghìn lần như thế. Với hỏa lực mạnh nhất trên chiến trường, một chiếc Apache có thể được trang bị đến 16 chiếc tên lửa không đối đất, với khả năng sát thương đủ để biến một chiếc xe tăng hay một chiếc xe bọc thép trở thành đống sắt vụn. Với hệ thống điều khiển tân tiến, Apache có thể cùng lúc khai hỏa 16 chiếc tên lửa này để đổi lại 16 chiếc xe tăng bên địch trong chưa đầy một phút.
 

 
Trên chiến trường, Apache có thể được sử dụng vào nhiều mục tiêu khác nhau. Hạ gục một binh đoàn đang tiến công với nguy cơ bị phát hiện thấp nhất, phá vỡ tuyến phòng thủ của quân địch từ xa, tham gia vào một cuộc tiến công hay giữ vững vị trí phòng ngự... Kết hợp với những khí tài quân sự tối tân khác, quân địch dường như không còn khả năng chống cự. Laser và bom định vị GPS, tên lửa từ những chiếc Apache, đầu đạn hạt nhân từ xe tăng M1-A2 Abrams..., tất cả cùng khai hỏa tạo nên một bản nhạc giao hưởng của súng và đạn, nhanh chóng dọn dẹp bất cứ thứ gì trên chiến trường.
 
Một số thông tin bên lề
 
Một chiếc Apache cần đến 2 người điều khiển. Buồng lái được chia làm hai phần: tay xạ thủ sẽ ngồi ở buồng phía trước để có thể dễ dàng khai hỏa các loại tên lửa súng đạn, người phi công sẽ ngồi ở buồng phía sau và điều khiển chiếc trực thăng. Tuy nhiên, mỗi buồng đều sở hữu hệ thống điều khiển máy bay và vũ khí, để một người có thể ngay lập tức trợ giúp người kia trong trường hợp có biến cố xảy ra.
 
Buồng lái được chia làm hai phần, buồng phía sau được thiết kế ở cao hơn phía trước giúp người phi công nhìn rõ đường bay
 
Apache ra đời vào năm 1970, tuy nhiên mãi đến năm 1989 những chiếc trực thăng này mới có cơ hội được phô diễn sức mạnh, trong một chiến dịch của Quân đội Mỹ tại Panama. Với sức mạnh và tốc độ vượt trội, Apache nhanh chóng chứng tỏ được vai trò của mình và góp mặt vào rất nhiều cuộc chiến: chiến dịch bão táp Sa mạc, cuộc xung đột giữa Bosnia và Kosovo vào những năm 1990, cuộc chiến tại Afghanistan năm 2001, cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 ... và gần đây nhất là cuộc chiến tranh tại Lybia.
 
Trận chiến kinh điển nhất mà lực lượng trực thăng Apache của không lực Hoa Kỳ tham gia được ghi nhận trong cuộc chiến tranh Vùng vịnh năm 1991, nơi mà Apache đã thực sự tỏa sáng. Mở màn bằng việc phá hủy các trạm radar bên phía Iraq, những chiếc Apache đã dọn đường để không quân Hoa Kỳ tiến vào không phận Iraq mà không lo ngại bị phát hiện. Trong suốt 100 giờ đồng hồ oanh tạc, gần 3000 tên lửa Hellfire được bắn ra, đổi lại là thiệt hại gần 1000 xe tăng thiết giáp, 500 xe tải quân sự, cùng với số lượng không đếm xuể binh lính Iraq. Trận địa phòng không bên phía Iraq đã hoàn toàn nát vụn trước sức ép từ đến từ những chiếc siêu trực thăng này.
 

 
Theo những số liệu tính toán của hãng Boeing, những chiếc siêu trực thăng Apache được sử dụng trong lực lượng quân đội Hoa Kỳ đã bay tổng cộng gần.....3 triệu giờ bay, kể từ khi mẫu thử đầu tiên cất cánh vào năm 2011.
 
Giá của một chiếc Apache vào khoảng 12 triệu đô la Mỹ. Và để sở hữu những chiếc trực thăng này, bạn phải đến từ một chính phủ thân thiện với Mỹ, để một ngày nào đó không sử dụng những cơn ác mộng Apache quay lại tấn công chính nơi đã khai sinh ra nó.
 

 
Lái một chiếc Apache vào chiến trường là cực kỳ nguy hiểm, nhưng với những trang bị về vũ khí, vỏ bọc cùng với hệ thống cảm biến, Apache là một địch thủ đáng gờm với hầu hết mọi thứ trên chiến trường. Nó là một sự kết hợp hoàn hảo giữa sức mạnh, tốc độ và hỏa lực.