Điện thoại

Samsung bác tin đồn nhăm nhe thâu tóm RIM

Samsung Electronics, hãng sản xuất điện tử tiêu dùng lớn thứ hai thế giới vừa lên tiếng khẳng định không hề có hứng thú mua lại RIM trước hàng loạt tin đồn liên quan đến vụ việc này xuất hiện mới đây.

Samsung “chưa bao giờ” xem xét việc mua nhà sản xuất điện thoại di động Canada và không có bất cứ cuộc tiếp xúc nào giữa hai công ty, James Chung, một phát ngôn viên của Samsung tuyên bố. Người này còn cho biết Samsung cũng không hứng thú với việc sử dụng phần mềm của RIM thông qua một thỏa thuận cấp phép.

Ngày hôm qua, giá cổ phiếu của RIM đã tăng lên mức 17,47 USD sau khi trang công nghệ BGR đưa tin Samsung có thể muốn nhăm nhe thâu tóm RIM nhưng đã không có bất cứ thỏa thuận nào được kí kết vì RIM đòi hỏi quá nhiều. Tuy nhiên, trang BGR đã không tiết lộ danh tính các nguồn tin của họ. Năm ngoái, giá cổ phiếu của RIM đã giảm tới 75% khi công ty này để mất thị phần thị trường vào tay Apple và các nhà sản xuất thiết bị Android, trong đó có cả Samsung.
Samsung khẳng định không hứng thú để mua lại RIM.

Tenille Kennedy, một phát ngôn viên của RIM từ chối đưa ra bình luận về thông tin Samsung muốn mua lại công ty này.

Sự sụt giảm giá cổ phiếu của RIM đã buộc hãng đầu tư Jaguar Financial nhắc nhở RIM phải tách thành các công ty riêng biệt hoặc tìm một đối tác mua lại và điều chỉnh cung cách quản lý.

Theo hãng nghiên cứu ComScore, thị phần thị trường thuê bao di động Mỹ trong ba tháng (từ tháng 9 đến tháng 11) đã giảm từ 7,1% xuống 6,5%. Trong khi đó, thị phần của Samsung, nhà sản xuất Android lớn nhất đã tăng từ 25,3% lên 25,6% còn Apple thì nhảy vọt từ 1,4% lên 11,2%.

Hiện tại, Samsung cũng đang sản xuất các dòng điện thoại chạy trên hệ điều hành Windows Phone của Microsoft và nền tảng Bada riêng của hãng

Với việc sở hữu 19 tỷ USD tiền mặt tính đến ngày 30/9 vừa qua, Samsung thường “dính” đến những tin đồn thâu tóm, mua lại các công ty khác. Hồi năm ngoái, Samsung đã bỏ qua thương vụ mua lại mảng kinh doanh máy tính cá nhân và phần mềm webOS của HP.

Võ Hiền
Theo Bloomberg