Cộng đồng mạng

Running man và thói GATO thời mạng xã hội

Running man và thói GATO thời mạng xã hội

Từ câu chuyện ồn ào của “Running Man” Vũ Xuân Tiến và những hộp bánh đậu trên đất Anh, người ta lại có dịp “ngắm” kỹ hơn thói “GATO” của những anh hùng bàn phím, núp bóng cụm từ “cư dân mạng”.

 

 

Sự kiện “Running Man” Vũ Xuân Tiến, chàng trai 20 tuổi người Hải Dương khoác trên vai lá quốc kỳ Việt Nam, chạy trên sân vận động (SVĐ) Emirates nổi tiếng trong tiếng vỗ tay chào đón của hàng vạn cổ động viên, đã được truyền đi khắp thế giới với niềm tự hào của nhiều người dân Việt Nam. Ngoài việc được sang London xem Arsenal thi đấu, Vũ Xuân Tiến còn có cơ hội tiếp xúc với các cầu thủ đội Arsenal, được truyền thông nước Anh đặc biệt chú ý, đem hình ảnh người Việt Nam tới nhiều kênh truyền hình và báo chí nước ngoài.

Vũ Xuân Tiến

Vũ Xuân Tiến theo đuổi đam mê và thực hiện được giấc mơ của mình

Khi “Running Man” chia sẻ những bức ảnh trong chuyến đi trên Facebook của mình, các hình ảnh mà ai cũng phải ghen tị với sự may mắn ấy, điển hình là bức ảnh Tiến tự tay ghi tên các cầu thủ thành London lên hộp bánh đậu xanh quê hương làm quà tặng, một hành động thể hiện sự thân thiết, mộc mạc và chân thành, thì lại có một số ý kiến tỏ ra bức xúc, xấu hổ khi “soi” thấy những món quà không được bọc gói mĩ miều. Đó là một thói quen rất điển hình và thường thấy của các “anh hùng bàn phím”, mỗi khi có những bài viết về sự may mắn, giàu có, giỏi giang của người khác…

Hình ảnh chuẩn bị quà cho các cầu thủ Arsenal của Vũ Xuân Tiến

Status của một FBer trong vài ngày qua đã được nhắc đến rất nhiều với nội dung đại ý là Xuân Tiến đã quá sơ sài, cẩu thả ghi tên người được tặng quà bằng bút dạ lên hộp bánh, không bọc gói nổi món quà cẩn thận hơn. Được đón tiếp trọng thị nhưng lại không chuẩn bị nổi một món quà ra hồn. Và FBer này cho rằng, chỉ nhiệt tình thôi thì chưa đủ.

Chưa hết, người này tiếp tục comment ở dưới: “Có thể không đi nước ngoài, không gặp người nước ngoài nhưng tự tìm hiểu một chút về văn hóa của họ trên internet. Chắc em này suốt ngày chỉ xem đá bóng, nói chung là bô lô nhếch và cũng chỉ đến thế thôi”.

cộng đồng mạng thực sự (chứ không phải chỉ có một Facebooker duy nhất được vống lên thành Cư dân mạng) nổi giận. Họ phản ứng như một lẽ thường tình khi cho rằng “Kẻ ngồi ở nhà và soi mói hành động của Vũ Xuân Tiến mới là người cần xem lại mình. Ghen vì không được ngồi đấy để viết tên các cầu thủ nổi tiếng vào hộp bánh đậu xanh quê hương à?”.

Nhiều tờ báo lợi dụng bức ảnh này để che giấu cho sự GATO không thể chối cãi

Rất nhiều Facebooker dẫn link bài viết và bức xúc comment. Ví dụ như nick Thanh Huyen Nguyen: “Không thấy gói giấy vuông vắn thế kia à mà bảo cẩu thả. Hay mang hộp bánh đậu xanh ra hàng gói quà thắt nơ kiểu Hàn Quốc mới là chỉn chu?? Anh hùng bàn phím Gato vớ vẩn. Nhiều năm nữa liệu có người thứ 2 được khoác cờ Việt Nam chạy vòng vòng trên sân của Ars và được hàng triệu người, tỉ người theo dõi chú ý không?”

Nick này tiếp tục chia sẻ ở dưới: “Nếu HAGL support cho em ấy thì sẽ là sự đầu tư quảng bá hình ảnh có bài bản. Người ta support quá chuyên nghiệp sẽ làm mất đi cái lòng hâm mộ, lòng nhiệt tình vốn có của bạn ấy. Mà nó mang tính chất quảng bá thương mại này nọ rồi”.

"Running Man" là biểu tượng đẹp cho việc quyết tâm theo đuổi để thực hiện hóa ước mơ

Độc giả đọc bài viết trên cũng đã kịp phản hồi: “Cậu ấy mới là một chàng trai mới 20 tuổi, cậu ấy nhớ mang quà cho các cầu thủ Arsenal là hành động rất đẹp rồi, cậu ấy đi sang Anh theo lời mời của câu lạc bộ Arsenal và có được sự tài trợ và trợ giúp gì của cơ quan, tổ chức hay đoàn thể nào đâu mà đòi hỏi ở người ta như vậy, bạn viết status và bài báo này nên xem lại chính bản thân mình và nội dung mình viết. Bản thân tôi thấy tự hào khi lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay trên đất nước Anh xa xôi và và trên truyền hình của mấy chục quốc gia. Chàng thanh niên này mới 20 tuổi mà nhìn bước chạy của cậu ta chạy trên sân đầy tự tin và khỏe khoắn ai là người Việt Nam cũng thấy tự hào, còn món quà đó là thể hiện sự chân thật, giản dị như chính con người Việt Nam!”

Nhìn nhận một sự việc bằng cái nhìn tiêu cực, thiếu thiện chí; quá khắt khe trong việc công nhận khả năng hay thành công của người khác; không bao giờ khen nổi ai một câu mà phải chê trước cho “không ngóc đầu lên nổi”… dường như là căn bệnh kinh niên của không ít người Việt Nam.

Vũ Xuân Tiến đã chuẩn bị quà bằng cả tấm lòng của cậu, hành động ghi tên người được tặng lên hộp bánh không hề cẩu thả, ngược lại rất chân thành và chứa đựng nhiều tình cảm. Mỗi hộp bánh sau khi ghi tên người nhận, đều được cho vào một túi giấy có quai xách riêng. Vậy phải như thế nào nữa mới là không cẩu thả? Việc không dùng một lớp giấy bọc quà long lanh nào đó để bọc ngoài gói bánh, liệu có thực sự quan trọng trong tình huống này? Và liệu đáng dùng việc đó để bắt lỗi một chàng trai chân chất, một thân một mình gấp gáp lo thủ tục xuất ngoại lần đầu tiên nhưng đã biết chuẩn bị từ gói bánh đậm màu sắc quê hương, hay món quà lưu niệm đậm tinh thần dân tộc để mang sang tặng những cầu thủ phương Tây?

Comment

Dân mạng bất bình với thói GATO của kẻ tự xưng "cư dân mạng"

Câu chuyện hộp bánh đậu xanh của Vũ Xuân Tiến trên đất Anh không phải “phát súng” đầu tiên từ “cái giếng” của sự GATO này. Trong giới nghệ sĩ, điều này rõ ràng hơn cả.

Mỗi khi có bài báo về những chuyến du lịch, hoặc công tác, dự sự kiện ở nước ngoài của sao Việt, là y như rằng trên một vài diễn đàn, không ai điểm mặt chỉ tên mà các “chú ếch” GATO lại xuất hiện nhanh như chảo chớp. Điển hình, trên một diễn đàn dành cho phụ nữ, bất cứ tin tức gì về diễn viên Lý Nhã Kỳ, là chị em thi nhau chê lấy chê để các lỗi ngoại hình mà chỉ có họ nhìn ra, soi từ bộ cánh cô diễn viên mặc cho tới ngoại cảnh phía sau. Mở đầu comment bao giờ cũng là câu “Không phải GATO gì đâu nhưng mà…”, và sau đoạn “nhưng mà” đó, là cả một rổ “đá”.

Với thói GATO này thì tất cả những cố gắng về nghệ thuật lẫn quan hệ “khủng” với các đối tác nước ngoài của cô diễn viên đều như “cái đinh”. Các anh hùng bàn phím không bao giờ nhìn thấy sự tích cực trong người khác, mà chỉ chăm chăm soi mói, chê bai và lên án. Hay khi có vụ việc gì không hay ho của nghệ sĩ bị đưa lên mặt báo, họ hả hê và lại càng chê bai nhiều hơn nữa. Khi bước chân vào cái diễn đàn phụ nữ ấy, người ta cảm nhận rõ ràng rằng nếu ngày xưa có môn học “Chê bai”, có lẽ những người này sẽ đạt điểm A liên tục. Nó giống như thói quen “đòi” nghệ sĩ hay người giàu phải làm từ thiện mỗi khi báo chí đưa tin về tài sản cá nhân xa hoa của họ, trong khi rất nhiều nghệ sĩ, đại gia làm từ thiện “khủng” thế nào thì lại không biết, hoặc cố tình lờ đi.

Bùi Anh Tuấn

Các ca sĩ hơi nổi tiếng một chút thôi cũng sẽ trở thành "bia tập bắn" của những kẻ GATO

Giỏi nhìn cái xấu của người khác hơn là cái tốt, một phần do thói ghen tị, phần khác vì không muốn nhìn nhận những người xung quanh bằng cái nhìn thiện chí. Dù vì lý do gì thì đó cũng là một thói quen xấu xí, càng xấu xí hơn khi “núp bóng” cụm từ “cư dân mạng” để phát ngôn bừa bãi, quy chụp, khiến những người chơi mạng “sạch” khác cảm thấy xấu hổ như câu chuyện của “Running Man” Vũ Xuân Tiến.

Đọc thêm: Lộ chân tướng thực của “Thánh Phồng Tôm”

Thanh Hải