Phòng kiểm định có trang thiết bị hiện đại bao gồm các máy logic chuyên nghiệp, phần mềm hỗ trợ chuyên dụng và các Kit FPGA cao cấp, máy phân tích phổ, dao động ký số...
"Phí kiểm định 10.000-15.000 USD cho một sản phẩm. Đây là phòng kiểm định đầu tiên của Việt Nam", đại diện Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch ICDREC thuộc Đại học Quốc gia TP HCM - đơn vị được UBND TP HCM ủy quyền làm chủ đầu tư dự án cho biết.
Cơ sở này có kinh phí đầu tư gần 7,2 tỷ đồng, được xây dựng trong vòng 2 năm. Phòng kiểm định lõi IP nhằm mục đích thúc đẩy và nhân rộng ngành công nghiệp vi mạch tại TP HCM. Phòng có khả năng kiểm dịnh lõi IP vi xử lý 32 bit, lõi IP dùng trong xử lý ảnh, lõi IP điều khiển bộ nhớ DDR2/DDR3, lõi IP dùng trong thiết bị viễn thông.
Phòng kiểm định lõi IP đầu tiên của Việt Nam vừa đi vào hoạt động. Ảnh: Kiên Cường. |
"Công nghệ vi mạch là ưu tiên hàng đầu của TP HCM. Đầu tiên chúng ta có trung tâm thiết kế vi mạch, rồi sản xuất chip, nhiều vi mạch nhưng kiểm định sản phẩm thiết kế vi mạch - lõi IP thì hiện nay mới có", ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đôc Sở Thông tin Truyền thông TP HCM, đánh giá.
Trong ngành thiết kế vi mạch, một lõi sở hữu trí tuệ bán dẫn (semiconductor intellectual property core), hay gọi tắt là lõi IP (IP core) là một bộ phận thiết kế cho phép tái sử dụng. Lõi IP có thể là một thiết kế cho một mạch logic, một tế bào, hay cho cả một chip.
Các lõi IP là những module đã được thiết kế sẵn, có tính tương thích với nhau, người thiết kế chip chỉ cần lắp ghép các lõi IP lại theo cách phù hợp để tạo thành hệ thống.
Một số lõi IP có hàm lượng công nghệ cao mà công ty thiết kế chip chưa thể làm được. Như vậy, bằng cách mua và sử dụng lõi IP, công ty thiết kế chip đã có thể khắc phục được hạn chế về mặt công nghệ của mình.
<>Kiên Cường >