Nhịp sống số

Nơi “an nghỉ” online… sau khi lên thiên đàng

 Các trang mạng xã hội cho phép chúng ta tiếp tục duy trì sự hiện diện một thời gian dài trên web, ngay cả sau khi đã chết. 

<>Từ mộ phần trên Facebook…

Có một thực tế cơ bản nhất của cuộc sống: tất cả chúng ta đều phải chết. Không có bất kì loại thuốc men hay câu thần chú nào có thể thay đổi điều đó. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người trong chúng ta có thể duy trì sự hiện diện của mình trên cõi đời này nhờ chức năng lưu trữ, nhắc lại các dữ liệu mà chúng ta đã đăng tải của Facebook.

Sau khi chết, chúng ta để lại một thứ “di sản” mà nó sẵn sàng kể lại những câu chuyện về chúng ta lúc sinh thời. Chúng ta hoàn toàn không thể kiểm soát bản thân sẽ được thể hiện như thế nào, được nhìn nhận ra làm sao: cái chết bị đem ra mổ xẻ, như Muammar Gaddafi trở thành chủ đề cho hàng loạt chương trình thời sự, phân tích chính trị, các hình ảnh về ông ta tràn ngập trên truyền thông và website; hai nhà khoa học máy tính vừa qua đời là Dennis Ritchie và Steve Jobs thì được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn và báo chí. Họ thực sự vẫn duy trì được sự quan tâm của mọi người về tiểu sử khi sống và sự tưởng niệm khi đã ra đi.

Trước khi có website hay internet, ký ức về chúng ta phai mờ nhanh chóng đối với đa số người khác. Nhưng ngày nay, nó vĩnh viễn hiện hữu và được công khai trên mạng. Điều này hẳn sẽ làm những người thân quyến của chúng ta bối rối. Nhiều người kể lại những trải nghiệm về “cái chết kỹ thuật số” khi họ khám phá những hoạt động trên mạng của người thân đã mất: “sau khi một người qua đời, trên trang Faecebook của họ xuất hiện điều kỳ quặc: một “lễ tưởng niệm” được tổ chức mà bất kì ai cũng có thể tham gia mà người thân của người đã mất không thể kiểm soát được”. Tài khoản Facebook cũ trở thành cầu nối vào thế giới của người đã khuất, tìm hiểu mọi mối quan hệ tiềm ẩn hoặc những vấn đề sức khỏe tâm thần (nếu có) của họ.

Còn nhớ cách đây 2 năm, một chức năng của Facebook là “nhắc người sử dụng tái liên lạc lại với những người đã lâu không còn liên lạc”, trong đó có cả những người đã chết, gây ra phản ứng bất bình đối với nhiều người dùng. Sau đó, mạng xã hội này đã đề ra chính sách cho phép người thân của người chết gửi một bản yêu cầu tới Facebook để đóng băng hoặc xóa hoàn toàn tài khoản cũ, nếu họ không muốn lưu giữ nó để tưởng nhớ người đã khuất.

 

Mẫu hướng dẫn đăng kí thông tin về người đã chết gửi cho Facebook

Thường thì khi một người qua đời, người thân của họ sẽ không xóa tài khoản mạng xã hội mà biến nó thành nơi tưởng niệm, lưu trữ những ký ức về người đó. Như thế cũng có nghĩa là, một phần cuộc sống của người đã khuất cũng được tái hiện và tồn tại mãi. Điều đó có thể giúp cho người thân của họ tìm thấy một chút an ủi. Nhiều người bày tỏ rằng: “Sau ngày giỗ đầu của [người thân] mới đây, nỗi đau thương đã phần nào nguôi ngoai, tôi đăng nhập vào tài khoản [mạng xã hội] và thấy nhiều người cũng truyền tải những thông điệp tưởng nhớ [anh ấy/cô ấy], như vậy là [anh ấy/cô ấy] vẫn còn hiện diện trong tâm trí của mọi người”.

Sống trong xã hội trực tuyến đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ rất nhanh chóng nắm bắt thông tin về một ai đó và cảm thấy như đang cùng chung hưởng đời sống với họ. Vì thế khi biết tin một ai đó qua đời, mặc dù chỉ là quen biết trên mạng nhưng chúng ta cũng cảm thấy sự đau buồn và đôi khi còn muốn tới dự lễ tang người quá cố.

Như vậy, cái chết trở th&aagrave;nh một vấn đề lớn và việc quản lý những di sản trực tuyến của người đã mất cũng là việc quan trọng phải bàn. Hội nghị Digital Death Day lần thứ 4 tổ chức tại Amsterdam trong tháng 11 này tập trung các nhà nghiên cứu sự tương tác giữa con người-máy tính và các nhà quản lý mạng xã hội. Họ sẽ thảo luận và hy vọng tỉm ra cách quản lý hữu hiệu di sản của người đã chết, tác động của các trang web tới việc kết thúc cuộc sống và sau khi qua đời, các điều kiện khi xem xét yêu cầu cuối cùng liên quan tới tài khoản trực tuyến của người chết.

Rất nhiều ý kiến được gửi tới hội nghị: nào là nên cung cấp dịch vụ hacking để tang quyến có thể truy cập vào máy tính bị khóa hoặc tài khoản mạng xã hội của người quá cố, nào là có thể tạo nên những ngôi mộ online để người khác có thể viếng thăm và tìm hiểu về cuộc đời của người chết chỉ bằng thao tác lướt trên smartphone… Tài khoản cá nhân trên mạng xã hội của chúng ta thực sự là kho lưu trữ phong phú các tình cảm, kí ức và sự kiện trong quá khứ. Trẻ em ngày nay còn được bố mẹ đăng tải chi tiết những hình ảnh, video clip từ lúc chào đời, ngày đi học đầu tiên và vô vàn những kỉ niệm khác.

 

Một khi đã kiểm soát được con người trên mạng của mình, chúng ta sẽ dần bộc lộ từng chút nhân cách nhỏ vụn vào những trang tầng của cuốn sách ký ức vô cùng sâu sắc. “Tôi không tán thành việc chúng ta cứ đi gom góp từng khía cạnh nhỏ nhặt của cuộc sống; đây là việc dư thừa, lố lăng và nhàm chán.” John Romano, một trong những tác giả của cuốn Your Digital Afterlife, phát biểu. “Nhưng có những thứ mang ý nghĩa đối với bản thân đã được chúng ta đưa lên mạng. Và có đôi khi việc lưu trữ online là cách duy nhất để chúng ta bảo tồn những thứ ấy.”

Đã có giai đoạn những tài sản giá trị nhất đối với chúng ta đều tồn tại trong trạng thái hữu hình, Even Carroll, đồng tác giả với Romano, tiếp tục. “Nhưng bây giờ khi cuộc sống được số hóa, nội dung bên trong mới là thứ quyết định, hình thái bên ngoài đã không còn quan trọng nữa.” Có những tài sản tinh thần mang giá trị tiềm tàng, về mặt cá nhân hay về mặt xã hội, mà giá trị của chúng chỉ thực sự được nhận ra bởi lớp hậu thế của chúng ta. Vì nguyên nhân này, Carroll và Romano đã đề nghị mỗi người nên có sự kiểm tra đều đặn đối với những thứ quan trọng – như hình ảnh, video, những cập nhật trạng thái, những bài viết trên blog, mật khẩu ngân hàng online – và giao cách thức truy cập chúng cho người thừa hành di chúc của mình hoặc một người đáng tin cậy nào đó.

<>… đến “nghĩa địa online” ở Việt Nam

Năm 2008, trang web nhomai.vn được anh Nguyễn Anh Tú thành lập với mục đích trở thành một “nghĩa địa online” để nhiều người chôn vùi những quá khứ, ký ức đau buồn hoặc lập “mộ phần” cho những người đã chết mà vì một lý do nào đó, họ không thể thường xuyên lui tới hương khói cho người đó ở nơi an nghỉ thực sự. Tới nay, chỉ sau 3 năm hoạt động, “nghĩa trang online” này đã có gần 22 ngàn thành viên với hơn 10 ngàn đề tài.

Khác với một nghĩa địa thật chỉ có những bia mộ khác nhau về tên tuổi, quê quán, ở nhomai.vn, có tới 14 khu vực khác nhau dành cho nhiều đối tượng: Nghĩa trang chung, Nghĩa trang Nghệ sĩ, Nghĩa trang Thiếu nhi, Nghĩa trang liệt sỹ, Nghĩa trang lịch sử… và những nghĩa trang thực sự nhân văn như Nghĩa trang dành cho trẻ mồ côi, người neo đơn; Nghĩa tranh dành cho người bị tai nạn, thiên tai… Ngoài ra, có những khu vực độc đáo có lẽ không bao giờ xuất hiện ngoài đời thật như Nghĩa trang tình yêu, Nghĩa trang ảo…

Một ngôi mộ dành cho nhân vật ảo

Khi trở thành user (thành viên) của trang web, bạn có thể “lập mộ” theo những mẫu có sẵn, kèm thêm thông tin về người đã khuất và lời tưởng niệm. Các thành viên khác cũng có thể viếng thăm, thắp hương, cúng hoa và để lại lời chia sẻ tại “ngôi mộ” của bạn. Điều đặc biệt là trang web được lập trình theo thời gian thực, nên những ngôi mộ mới, thường xuyên được nhang khói trông sẽ “sáng sủa, ấm cúng” hơn những ngôi mộ ít người thăm viếng sẽ trở nên xám xịt, rêu phong, quạnh quẽ.

Nghĩa trang này phản ánh bộ mặt thực sự của cuộc sống: những người mẹ lỡ lầm thương tiếc đứa con mới chỉ là bào thai trong bụng mình, những cô cậu tuổi teen vùi chôn mối tình “bọ xít” trong thời gian ngắn ngủi, những người lập mộ không nhằm chôn một thân xác hữu hình nào mà bỏ vào đó là quá khứ tội lỗi, là ký ức đau thương… Đó là những khoảng lặng rất cần thiết trong cuộc sống vội vàng, gấp gáp hôm nay.

Ngoài nhomai.vn, ở Việt Nam còn có trang web nghiatrangtruongson.quangtri.gov.vn, được lập ra để thân nhân liệt sĩ và người khắp mọi nơi có thể thăm viếng, tìm kiếm thông tin về hàng ngàn liệt sĩ đang được chôn cất tại Nghĩa trang Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Ở đây có danh sách chi tiết về các liệt sĩ, địa điểm phần mộ, cho phép người dùng có thể xem bản đồ chi tiết các khu mộ dưới dạng 3D, có thể thắp hương, gửi vòng hoa hoặc để lại lời tưởng niệm gửi tới các liệt sĩ. Nghĩa trang là nơi nhắc nhở chúng ta về lịch sử hào hùng của dân tộc, về công lao của các liệt sĩ và sự cần thiết phải gìn giữ niềm tự hào, tôn trọng với những người đã ngã xuống.

 

Ảnh chụp toàn cảnh thông tin về một liệt sĩ

Không chỉ riêng ở Việt Nam, Trung Quốc cũng có những “nghĩa địa online”, nơi người sử dụng có thể tìm trên bản đồ ảo một vị trí ưa thích, “mua” lại nó với giá chỉ vài chục nghìn đồng Việt Nam và xây mộ, hương khói, tụng kinh… tại phần đất đó.

Các nghĩa địa online được thành lập tại nhiều quốc gia cho thấy sự hòa hợp về mặt tâm linh với cuộc sống kĩ thuật số, mặc dù khi mới nghe qua hai thứ đó có vẻ không mấy liên quan đến nhau. Tuy nhiên, việc làm này chỉ mang tính an ủi, vỗ về tâm trạng người đang sống, lưu giữ kỉ niệm và bày tỏ lòng tiếc thương tới người đã khuất chứ không thể thay thế hoàn toàn cho các nghi lễ và việc tới viếng các phần một có thật.

<>Lời kết

Cái chết trong thời đại kỹ thuật số nhắc nhở chúng ta rằng, công nghệ đã trở thành một phần bản sắc cá nhân và xã hội. Khi qua đời, những di sản mà chúng ta để lại khắc họa rõ ràng chân dung con người của chúng ta khi còn sống. Nhờ có internet và các công nghệ khác của thời đại ngày nay, chúng ta có thể tin tưởng rằng: CHẾT chưa phải là HẾT.