Nhịp sống số

Những xu hướng công nghệ trong năm 2012

Chúng ta đang sống trong 1 thời đại công nghệ cao với tất cả các sản phẩm từ điện thoại đến ti vi đều không ngừng cải tiến mỗi ngày. Và trong năm 2012 này chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều bước phát triển lớn trong công nghệ.

Bộ xử lý lõi kép trở thành tiêu chuẩn của smartphone
 

 

 

Năm 2011, Motorola Atrix và Droid Bionic là những smartphone lớn đầu tiên có bộ xử lý lõi kép. Sau đó là hàng loạt các smartphone cao cấp khác như Samsung Galaxy S II, Samsung Galaxy Nexus, Motoroloa Droid Razr, iPhone 4S… Và bộ xử lý lõi kép dần trở thành điều phải có nếu muốn cạnh tranh trên thị trường smartphone.

Không chỉ mang đến hiệu năng mạnh mẽ mà bộ xử lý lõi kép còn giúp tiết kiệm điện năng hơn do chia đều mức xử lý qua 2 nhân. Hơn nữa, trong năm 2012 này bộ xử lý sẽ không chỉ dừng ở lõi kép mà sẽ có sự xuất hiện của các smartphone và tablet sử dụng bộ xử lý lõi tứ Tegra 3 của Nvidia.

Các laptop sẽ không còn ổ đĩa quang
 

 

 

Với sự phổ biến của Internet và Wifi hiện nay thì ổ đĩa quang dần không còn cần thiết khi mà bạn chỉ mất vài giây để xem phim hay xem ảnh trực tuyến. Có lẽ giờ rất ít người còn cần dùng đến đĩa CD hay DVD nữa. Chủ tịch Ali Sadri của Wireless Gigabit Alliance cho biết công nghệ mạng sẽ ngày càng nhanh hơn và đạt tới tốc độ vài gigabit.

Như vậy thì sẽ không chỉ có MacBook Air và Ultrabooks như hiện nay mà cả các laptop bình thường cũng sẽ nói tạm biệt với ổ đĩa quang. Tất nhiên không phải ổ đĩa quang sẽ biến mất nhưng sẽ không còn phổ biến như hiện nay nữa.

Gói cước điện thoại thiên về dữ liệu nhiều hơn
 

 

 

Ngày nay có lẽ nhiều người sử dụng email và Facebook nhiều hơn cả gọi điện. Hơn nữa giờ đây nhắn tin cũng dần bị các ứng dụng như iMessage, BlackBerry Messenger, Facebook Messenger, Whats App… thay thế. Ngay cả cuộc gọi cũng đã có các ứng dụng Skype hay Viber cho phép sử dụng 3G và Wi-Fi thay vì đàm thoại tính theo phút thông thường. Với sự phổ biến của các gói cước dữ liệu không giới hạn (Viettel, Mobifone, Vinaphone đều đã có các gói cước 3G không giới hạn) thì rõ ràng số người sử dụng nhắn tin và cuộc gọi thông thường sẽ ngày càng giảm.

Tài khoản Facebook sẽ cần thiết hơn
 

 

Dù giờ đây mới chỉ có 1 vài dịch vụ như Spotify và Turntable.fm yêu cầu người dùng phải có tài khoản Facebook mới có thể sử dụng được nhưng có lẽ lựa chọn “Đăng nhập bằng tài khoản Twitter hoặc Facebook” đã trở nên phổ biến trong hầu hết mọi dịch vụ phổ biến.

Trong năm 2012 có lẽ bạn sẽ còn thấy nhiều lựa chọn này hơn và thậm chí nó sẽ dần trở thành bắt buộc chứ không chỉ là tùy chọn nữa. Việc người dùng đăng nhập bằng tài khoản Facebook mang lại lợi ích cho cả dịch vụ họ dùng và cả Facebook nữa. Dịch vụ/trang web người dùng đăng nhập sẽ có thể tránh được 1 lượng lớn các tài khoản “ảo” và  người dùng sẽ không còn phải đối mặt với rắc rối quên mật khẩu nữa. Facebook thì qua các trang web và dịch vụ này có thể thu thập được thông tin về sở thích của người dùng. Điều duy nhất bất lợi là tất cả các hoạt động của bạn sẽ bị đăng tải lên Facebook và bạn bè đều thấy được.

Thanh toán bằng điện thoại qua NFC
 

 

 

Hãy tưởng tượng thay vì rút ví thanh toán bạn chỉ cần chạm điện thoại vào thiết bị ở quầy thu ngân siêu thị, rạp chiếu phim… Năm 2012 công nghệ này sẽ trở nên phổ biến với việc chip NFC được tích hợp vào hầu hết các thiết bị điện thoại.

Hiện nay mới chỉ có Google Nexus S với ứng dụng Google Wallet hỗ trợ thanh toán kiểu này. Nhưng ngày càng nhiều các smartphone mới mang đến khả năng hỗ trợ NFC như BlackBerry 9900, Samsung Galaxy Nexus… Ngoài ra Android Ice Cream Sandwich mới nhất còn hỗ trợ chia sẻ dữ liệu giữa 2 điện thoại bằng NFC. Vì vậy chắc chắn rằng năm 2012 bạn sẽ thấy thêm nhiều smartphone với công nghệ này và thêm nhiều ứng dụng hỗ trợ nữa.

Xử lý trên đám mây
 

 

Giờ đây xử lý không chỉ giới hạn trong chip nữa mà các nhà sản xuất đã nghĩ tới 1 công nghệ tiên tiến hơn: Xử lý trên đám mây. Tiêu biểu cho dạng này là những ứng dụng trợ giúp bằng giọng nói như Siri của iPhone 4S. Siri gửi yêu cầu giọng nói của bạn về trung tâm dữ liệu của Apple và ở đó yêu cầu của bạn sẽ được nhận diện, xử lý và gửi lại về điện thoại. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng và khiến các ứng dụng hoạt động hiệu quả hơn.

Trước khi có Siri thì Goggles của Google cũng làm được điều tương tự. Bạn chụp ảnh 1 quyển sách, 1 logo hay 1 địa điểm nào đó và Goggles sẽ gửi thông tin hình ảnh về server của Google, xử lý rồi gửi lại máy bạn kết quả kìm kiếm liên quan. Trong năm 2012, bạn sẽ chứng kiến sự phổ biến hơn của các ứng dụng tận dụng công nghệ nhận diện giọng nói, nhận diện hình ảnh và xử lý qua đám mây này.

HTML5 thống trị
 

 

Với khả năng tích hợp hình ảnh và âm thanh dễ dàng hơn, HTML5 đang dần thay thế Flash và trở thành sự lựa chọn của các trang web lớn. Facebook đã sử dụng HTML5 để xây dựng trang web. Pandora cũng thay đổi trang web bằng HTML5 và hầu hết các hệ điều hành điện thoại đều hỗ trở HTML5. Tháng 11 vừa qua, Adobe đã tuyên bố ngừng phát triển Flash trên di động vì HTML5 được đón nhận nhiều hơn Flash. Những dấu hiệu trên đều dự đoán 1 tương lai cực kỳ phổ biến của HTML5.

IPv6 bắt đầu xuất hiện
 

 

Để truy cập được Internet thì các thiết bị đều cần có 1 địa chỉ IP và năm 2011 là năm mà chúng ta đang cạn dần kho số IPv4. Hiện nay thì IPv4 vẫn đủ dùng bởi các nhà mạng có thể cung cấp 1 địa chỉ cho nhiều thiết bị, nhưng điều này không thể tiếp diễn mãi mãi. Và khi mà sự chuyển đổi sắp xảy ra thì các công ty lớn sẽ muốn 1 địa chỉ IPv6 bên cạnh IPv4 cũ để sẵn sàng.

Người tiêu dùng sẽ thuê nhiều sách, phim, nhạc hơn
 

 

 

Internet đã thay đổi cả thế giới giải trí trong những năm qua. Spotify và Rdio cho phép bạn nghe nhạc theo lựa chọn miễn phí còn Google Music thì cho phép người dùng chia sẻ nhạc với bạn bè. Các thiết bị như Amazon Kindle và Sony Reader Wi-Fi PRS-T1 cho phép bạn mượn ebook và xem phim trực tuyến từ nhà cung cấp dịch vụ.

Sự xuất hiện của các thiết bị như Amazon Kindle Fire với bộ nhớ 8GB và Nook Tablet với 1GB chứng tỏ mục đích của các nhà sản xuất giờ đây là hướng tới dịch vụ dữ liệu trực tuyến chứ không còn là lưu trữ trên máy nữa.

Tablet ít nhưng chất lượng hơn
 

 

Năm 2011 là năm bùng nổ của tablet nhưng thực tế thì ngoài iPad của Apple và Kindle Fire của Amazon, chẳng có tablet nào có thể coi là thành công. Năm 2012 chúng ta sẽ được thấy rất nhiều các nhà sản xuất rút khỏi thị trường tablet bởi không thể cạnh tranh nổi với iPad. Nhưng những công ty còn lại sẽ là những công ty hiểu được điều mà người dùng muốn: 1 thiết bị giải trí và phục vụ cho nhu cầu sử dụng nặng chứ không phải chỉ là một chiếc điện thoại lớn.

Ít nhất năm nay chúng ta sẽ thấy sự ra mắt của các tablet Android Ice Cream Sandwich, Windows 8 và PlayBook 2.0. Và có lẽ “sát thủ iPad” sẽ xuất hiện chăng?