Sự bùng nổ của những vấn đề liên quan đến an ninh mạng, hệ điều hành Android hay ultrabook là những chủ đề "hot" nhất làng công nghệ trong năm 2011.
Hacker hoành hành
2011 thực sự là năm lên ngôi của những hacker. Nổi đình nổi đám nhất là việc nhóm hacker ẩn danh Anonymous khét tiếng, với biểu tượng là chiếc mặt nạ bí ẩn Guy Fawkes, liên tục đe dọa tấn công những trang web lớn, các cơ quan bảo mật. Điển hình là vụ 77 triệu tài khoản PlayStation của Sony bị hack, khiến hãng này điêu đứng, phải đóng cửa dịch vụ trong suốt ba tuần liền, gây thiệt hại lên đến 170 triệu USD. Mặc dù thủ phạm là một hacker 19 tuổi đã bị bắt, nhưng cộng đồng mạng cho rằng, chính Anonymous là người đứng sau vụ xâm nhập hệ thống bất hợp pháp này.
Đối thủ chính của Anonymous là LulzSec cũng không vừa. Nhóm hacker này đã làm điêu đứng cả CIA (cục Tình báo Trung ương Mỹ), hack trang The Sun nổi tiếng và máy chơi game Nintendo trong suốt 60 ngày (tháng 5 và tháng 6). Ngay sau khi “làm mưa làm gió” trên cộng đồng mạng, nhóm này lập tức “bốc hơi” và không để lại bất cứ tung tích gì.
Sự tăng trưởng chóng mặt của Android
Android chính thức xuất hiện từ năm 2008, nhưng 2011 mới thực sự là năm bùng nổ của hệ điều hành này. Với 10 tỉ ứng dụng được tải về và lượng smartphone cũng như máy tính bảng Android xuất hiện cực kỳ đông đảo, rất có thể người dùng sẽ chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa của Android trong năm 2012.
Từ những sản phẩm giá rẻ của Huawei hay ZTE cho đến những sản phẩm cao cấp như Galaxy Nexus hay Droid Razr, Android có thể đáp ứng được nhu cầu của mọi đối tượng người dùng.
RIM đang trên đà tụt dốc
Đã từng có thời, bất cứ ai cũng phải thể hiện sự kính nể hoặc thèm muốn khi nhắc đến BlackBerry hay điện thoại bàn phím QWERTY, nhưng giờ đây RIM đang dần đánh mất mình, đánh mất thương hiệu BlackBerry. Trong khoảng thời gian 5 năm, từ 2006-2011, RIM đánh mất 27% thị phần di động, và riêng từ năm 2010 đến nay, họ đánh mất 15%. Hiện các sản phẩm của hãng điện thoại này chỉ chiếm khoảng 10% thị phần di động toàn cầu.
Đó là chưa kể đến thất bại nặng nề của máy tính bảng BlackBerry PlayBook khi sản phẩm này không thể cạnh tranh được với iPad 2, khiến RIM phải bù ra gần 500 triệu USD để “bán tống bán tháo” sản phẩm với giá rẻ, mong sớm thu hồi vốn. Chưa hết, vụ sập hệ thống dịch vụ trên toàn cầu hồi tháng 10 vừa qua không chỉ gây thiệt hại về tài chính, mà còn làm uy tín của hãng sản xuất Canada này bị sụt giảm nghiêm trọng.
Thị trường máy tính bảng là của iPad
2010 là năm iPad đánh dấu sự xuất hiện trên thị trường, còn 2011 là năm mà nó đánh dấu sự thống trị trên thị trường. Thật khó để đếm được đã có bao nhiêu sản phẩm được gán cho biệt danh “iPad killer”, nhưng sau đó lại mất tăm trên thị trường. Asus Transformer hay Sony Tablet S đều đã gây được những sự thích thú nhất định, nhưng chưa phải là đối thủ của iPad về doanh số. Riêng HP TouchPad và RIM BlackBerry PlayBook còn thất bại thảm hại hơn nữa, mặc dù đến từ những nhà sản xuất uy tín, trong khi Samsung Galaxy Tab bị chê là “hàng nhái” của Apple trong con mắt của khá nhiều người.
Vấn đề bản quyền
Làng công nghệ đã “bội thực” với những vụ kiện cáo liên quan đến bản quyền, mà điển hình là cuộc chiến giữa Apple và Samsung. Vụ kiện đã kéo dài nhiều ngày liền, và phạm vi lãnh thổ của nó đã mở rộng lên đến 10 nước.
Thậm chí, vụ mua lại Motorola Mobility trị giá 12,5 tỉ USD của Google cũng mang đậm "màu sắc" bản quyền. Là một công ty khổng lồ, nhưng Google chỉ sở hữu khoảng 5.000 bằng sáng chế trước khi mua lại Motorola. Tuy nhiên, sau vụ mua bán này, họ đã có trong tay thêm 17.000 bằng sáng chế và có thể ung dung “kê cao gối ngủ” mà không sợ bị đụng chạm đến vấn đề bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ.
Kỷ nguyên ultrabook
Khi Apple ra mắt MacBook Air, một số người cho rằng chiếc laptop “siêu mẫu” này chỉ là những món đồ chơi của giới nhà giàu. Tuy nhiên, năm 2011 đánh dấu sự vào cuộc của hàng loạt các nhà sản xuất lớn khác trong phân khúc laptop siêu di động, với tên gọi ultrabook. Thuật ngữ này dùng để chỉ những chiếc laptop mỏng dưới 20mm, nặng không đến 1,3 kg, dùng chip mới nhất của Intel, cùng với đó là ổ cứng thể rắn, cho khả năng khởi động siêu tốc. Nhờ đó, người dùng có cơ hội sở hữu những chiếc máy tính bảng mỏng, nhẹ, cấu hình cao với mức giá xấp xỉ 1.000 USD. Có vẻ như kỷ nguyên hậu PC đang bước vào giai đoạn đầu của nó, với tâm điểm là những chiếc ultrabook.