1. Những cách phân loại Mousepad
Trước hết theo trải nghiệm của người dùng với mousepad, chúng ta có thể phân thành hai loại:
Mousepad Speed
Là dòng mousepad phổ biến nhất, thường là chất liệu vải, có bề mặt trơn láng và nhẵn mịn giúp tăng tốc độ di chuột. Do sử dụng thoải mái, đơn giản nên loại mousepad này phù hợp với tất cả mọi người, từ người dùng phổ thông chỉ có nhu cầu lướt web, người làm văn phòng hay game thủ.
Đại diện: Razer Mantis Speed, Razer Goliathus Speed, các mousepad phổ thông của Logitech.
Mousepad Control
Mousepad Control là những chiếc bàn di chuột có bề mặt khá thô ráp, nếu nhìn gần bạn có thể thấy rõ các lỗ vải nhỏ (nếu là mousepad vải) trên bề mặt. Cấu trúc này khiến bàn di chuột dòng Control có độ sần nhất định, tạo cảm giác di chuột “lì” hơn so với dòng Mousepad Speed.
Ảnh trái: mousepad Speed, ảnh phải: mousepad Control.
Đại diện: Razer Mantis Control, SteelSeries QCK heavy, Razer Goliathus Control.
Ngoài ra trên thị trường còn xuất hiện cả loại mousepad hai mặt, với một mặt thuộc dòng Control và mặt còn lại là mousepad Speed, chẳng hạn như chiếc Razer Vespula. Tuy nhiên, loại mousepad này trên thị trường không nhiều.
Xét về độ dày, bàn di chuột gồm những dạng sau:
Mousepad dày
Là bàn di chuột có độ dày tương đối khoảng 4mm – 6mm. Loại mousepad này vẫn đem lại cảm giác êm ái cho người sử dụng ngay cả khi phải ngồi trước màn hình máy tính trong thời gian dài.
Đại diện: SteelSeries QCK Mass, Zowie G-TF Spawn Large.
Mousepad mỏng
Mousepad mỏng thường có độ dày chỉ khoảng 2mm hoặc mỏng hơn. Tùy với sở thích và thói quen sử dụng, người dùng có thể chọn cho mình loại mousepad có độ dày ưng ý.
Trên thị trường có nhiều loại mousepad có độ dày, mỏng khác nhau.
Đại diện: Roccat Sense, SteelSeries QCK mini, SteelSeries 4HD.
Riêng đối với trạng thái vật lý của mousepad, chúng ta có thể phân thành hai loại chính:
Mousepad mềm
Bàn di chuột mềm có lẽ chiếm hơn 90% trên tổng số sản phẩm mousepad được bán ra thị trường. Mousepad mềm thường được làm từ vải, cao su hoặc các chất liệu dẻo khác. Sản phẩm dạng này rất được ưa chuộng bởi tính tiện dụng, có thể cuộn lại và mang đi nơi khác.
Đại diện: Phần lớn bàn di chuột của các hãng SteelSeries, Roccat, Logitech.
Mousepad cứng
Thuộc phân khúc thị trường “hiếm”, mousepad cứng thường được làm từ nhựa, nhôm, sợi thủy tinh… Và có bề mặt phẳng, mịn hơn so với mousepad mềm. Ngoài ra, bàn di chuột loại này sẽ không bị ảnh hưởng bởi độ lún khi di chuột, nên người dùng hoàn toàn có thể đặt mousepad cứng lên đệm, gối hoặc những nơi có bề mặt không ổn định khác.
Đại diện: Razer Vespula, Razer Destructor.
Bên cạnh đó cũng có một số loại mousepad đặc biệt, được sản xuất phục vụ các nhu cầu cá nhân khác của người dùng như:
Mousepad sưởi ấm
Khác với những dòng mousepad thông thường, bàn di chuột sưởi ấm có thêm lớp vải phía trên mu bàn tay của người dùng, giúp giữ ấm cho đôi tay trong những ngày thời tiết giá lạnh.
Đại diện: Tạm thời chưa thấy thương hiệu lớn nào sản xuất loại bàn di chuột này, người dùng có thể tìm thêm thông tin tại các trang web rao vặt.
Mousepad có đệm tay
Loại mousepad có đệm cổ tay trên thị trường rất đa dạng, có thể là mousepad cứng nhưng đi kèm miếng đệm cổ tay (Razer eXactRest), mousepad cứng có đệm cổ tay gắn sẵn, mousepad mềm có đệm cổ tay…Tuy nhiên, đa dạng là vậy nhưng dòng sản phẩm này về bản chất không có gì khác với những loại bàn di chuột đã kể trên, chỉ là có thêm miếng lót giúp cổ tay người dùng không bị chai mà thôi.
Đại diện: Razer eXactRest.
Ngoài ra khi nói về độ lớn của mousepad, nhà sản xuất thường sử dụng các thông số như SteelSeries QCK StarCraft Kandz – 320 x 270 x 2mm, hay Roccat Taito Kingsize – 455 x 370 x 3,45 mm. Chẳng hạn với thông số của Roccat Taito Kingsize, chúng ta có thể hiểu là bàn di chuột này có chiều dài, chiều rộng, độ dày lần lượt là 455mm, 370mm và 3,45mm.
2. Những thuật ngữ thường dùng
Control: Viết tắt của dòng mousepad Control.
Speed: Viết tắt của dòng mousepad Speed.
Bong mép: Thuật ngữ này là cách gọi dân dã của dân công nghệ tại Việt Nam. Thông thường, một tấm mousepad gồm hai hoặc nhiều lớp vải dán vào với nhau. Sau một thời gian sử dụng, lớp vải trên cùng tiếp xúc với chuột bị bong ra ở phía ngoài lề, gọi là “bong mép”.
Bo mép: Ít phổ biến bằng bo mép, nhưng cũng được sử dụng nhiều khi nhắc tới mousepad. “Bo mép” ám chỉ những chiếc bàn di chuột đã được nhà sản xuất may thêm đường chỉ ở xung quanh viền mousepad để tránh tình trạng bong mép.
Trên đây là những phân loại, định nghĩa cơ bản về bàn di chuột (mousepad) dành cho những ai mới bắt đầu tìm hiểu. Trong bài viết sau, GenK sẽ gửi tới bạn đọc cách lựa chọn mousepad sao cho phù hợp với mục đích sử dụng của mình.
(Còn tiếp)