Nhịp sống số

Những bài học bổ ích từ cách quản lý của Apple

Những bài học bổ ích từ cách quản lý của Apple
>Hiện tại, khi nhắc đến Apple, người ta luôn nghĩ ngay đến hình ảnh của một công ty tốt nhất trên thế giới. Bởi họ luôn biết cách tạo ra các sản phẩm tốt nhất cho người dùng và đem lại những khoản doanh thu kỷ lục. Theo những báo cáo mới nhất thì Apple đang là công ty có tổng giá trị tài sản lớn nhất trên thế giới.
 
Vậy thì đâu là những gì tạo nên thành công của Apple và các công ty công nghệ khác liệu có thể học hỏi từ họ không? Tác giả Adam Lashinsky của Fortune đã viết một cuốn sách có tên: Bên trong Apple: Những bí mật mà các công ty Mỹ nên học hỏi. Trong cuốn sách này Adam đã cho rằng có một số thứ có thể áp dụng và hiệu quả với Apple nhưng lại chưa chắc đã tỏ ra hiệu quả với các công ty khác bởi ông tin rằng có khá nhiều thứ mà Apple chỉ có thể vào thời điểm đó.
 
Tuy nhiên thì đó cũng chỉ là ý kiến chủ quan của tác giả cuốn sách vì dù là gì đi chăng nữa thì cũng không phải ngẫu nhiên mà Apple lại có được thành công như hôm nay, bí mật từ bên trong cách hoạt động của công ty này cũng có thể là thứ mà các ông lớn khác như Google hay Microsoft phải học hỏi. Hãy cùng tìm hiểu xem liệu rằng Apple có những bí mật gì mà các công ty khác có thể noi theo.
 
1. Tập trung nhân sự giỏi nhất cho dự án quan trọng nhất
 
Điều này thì nghe có vẻ như là quá rõ ràng nhưng nó không hẳn là luôn luôn tốt và không phải công ty nào cũng có thể áp dung nó một cách đúng đắn. Bởi nó sẽ làm thay đổi cả cấu trúc nhân sự dẫn đến sự thay đổi hoạt động của cả một công ty.
 
 
Và Apple là một ví dụ không thể tốt hơn. Khi công ty này bắt đầu nghiên cứu iPhone, họ đã tập trung tất cả những người tài năng nhất của công ty lại để cùng làm việc với nhau. Khi đó thì nhân sự từ các bộ phận khác của công ty được tập trung cho iPhone trong đó có cả bộ phận phát triển hệ điều hành Mac. Đây có thể là lý do cho việc ở thời điểm, hệ điều hành Mac gần như chỉ dậm chân tại chỗ và không có bất kỳ một sự cập nhật đáng kể nào.
 
2. Giữ bí mật tuyệt đối
 
Tại Apple, bí mật không có nghĩa là bạn không tiết lộ những hoạt động của công ty với giới truyền thông. Họ định nghĩa bí mật ở một mức độ lớn hơn: Bí mật là khi mà bạn không nói cho ai khác kể cả đồng nghiệp về những gì mà mình đang làm.
 
 
Bí mật cũng có những cái hay của nó. Bí mật sẽ giảm thiểu được tối đa các thông tin về sản phẩm mới nhất đang được phát triển bị rò rỉ ra ngoài và đến tai những kẻ đối địch. Bên cạnh đó thì nó cũng giúp cho nhân viên của Apple tập trung hơn vào công việc của mình thay vì lo lắng cho kẻ khác.
 
3. Tập trung cho các “tiểu tiết”
 
Trong cuốn sách của mình, tác giả Adam Lashiky có nói rằng Apple đã dành riêng hẳn một phòng làm việc để nhân viên của họ thiết kế các sản phẩm và vỏ hộp của chúng. Apple muốn rằng người dùng sẽ phải reo lên khi cầm trong tay sản phẩm iPhone của họ. Chú ý tới từng chi tiết nhỏ nhặt cũng là một sự khác biệt lớn của công ty này với các đối thủ của họ. Thành công luôn bắt đầu từ những điều nhỏ nhất và Apple đã áp dụng rất thành công chân lý này.
 
 
4. Làm ra những gì mà mình muốn
 
Apple đã tạo nên chiếc máy tính Mac đầu tiên chỉ bởi vì: “Chúng tôi thực sự muốn một thiết bị như thế”. Đó là những gì mà Steve Jobs đã nói vào những năm 80 và điều đó cũng đã xảy ra với iPhone và iPad trong thời điểm đầu những năm 2000. Ban đầu vị CEO của Apple rất ghét smartphone bởi cách sử dụng rối rắm của chúng. Ông muốn một chiếc smartphone dễ sử dụng hơn và Apple đã tạo ra thứ mà họ tin rằng tốt hơn tất cả các sản phẩm đang có trên thị trường.
 
 
5. Tập trung tuyệt đối
 
Hãy nghĩ về Google, họ cũng có những sản phẩm rất tốt nhưng hầu hết là chúng không có nhiều điểm nhấn. Một trong những điểm mạnh và là nguyên tắc làm việc của Apple đó là những gì họ làm giống như một cái bàn. Công việc của họ là làm cái bàn đó to hơn chư không phải là làm ra nhiều cái bàn. Luôn tập trung tất cả cho công việc đó chính là Apple.
 
 
6. Quan tâm đến người dùng
 
Apple không chỉ biết cách làm việc một cách tập trung mà họ còn rất biết quan tâm tới người dùng. Các sản phẩm của công ty đều rất gần gũi với người dùng và Apple luôn biết phải làm gì để thỏa mãn người dùng. Một ví dụ đó là Tim Cook đã nhận thấy rằng những người đã mua và sử dụng Apple TV đều rất thích sản phẩm này. Từ đó ông đã đặt ra mục tiêu biến Apple TV là sản phẩm dẫn đầu của một thị trường mới với chỉ một lý do quan trọng nhất là người dùng thích nó.
 
 
7. Không phải lo đến các báo cáo tài chính
 
Chỉ cần một vài người quan tâm tới doanh thu và thế là đủ còn những người khác thì hãy cứ làm công việc của mình. Tại Apple, chỉ có giám đốc tài chính CFO, Peter Oppenheimer là chức vụ chính phải làm việc với những khoản lỗ và lãi, ngoài ra thì còn có giám đốc điều hành CEO Tim Cook cũng cần phải để ý tới vấn đề này.
 
 
Ở những công ty bình thường thì doanh thu là một vấn đề sống còn nhưng tại Apple, Steve Jobs khiến nó khác đi bằng cách giới hạn nó cho một vài người để những người khác có thể thoải mái đưa những gì tốt nhất vào sản phẩm của Apple mà không cần phải quan tâm nhiều tới chi phí.
 
8. Trực tiếp chịu trách nhiệm cá nhân
 
Đây là một cụm từ rất quan trọng với Apple. Nó có nghĩa là mỗi một sản phẩm hay một tính năng nào đó sẽ có một người phải chịu trách nhiệm cho sự thành công hoặc thất bại của sản phẩm hay tính năng đấy. Tại Apple không có sự chịu trách nhiệm của một tập thể và nếu bạn là một trưởng nhóm làm việc thì tốt nhất là cố gắng làm thật tốt công việc của mình.
 
 
9. Tuyển dụng những người tốt nhất có thể
 
Cựu nhân viên của Apple đã trích lời nói của Steve Jobs: “Đội A sẽ thuê cầu thủ A, còn đội B có thể sẽ thuê cả cầu thủ C nhưng chúng ta sẽ chỉ thuê cầu thủ A mà thôi”. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi nhân sự là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một công ty và Apple luôn muốn nhân viên của mình là số một.
 
 
10. Giới hạn ban giám đốc
 
Apple không cho phép nhân viên của mình làm một việc gì đó mà không phải là việc của Apple. Tim Cook là người duy nhất được ngồi vào vị trí giám đốc của cả hai công ty là Apple và Nike. Khi Andy Miller, trưởng nhóm iAds đã hỏi Steve Jobs về việc liệu mình có thể ngồi vào ghế giám đốc của một công ty khác, Jobs đã nói rằng, "Cậu không thể bỏ một phần công việc ở đây để đi lo chuyện của một công ty khác được." Văn hóa của Apple là luôn luôn bắt mọi người làm tròn trách nhiệm của họ.
 
 
11. Giới hạn số lượng nhân viên
 
Apple luôn cố gắng giới hạn số nhân viên của họ cho một dự án ở dưới 100 nhân viên kể cả khi đó là một dự án lớn. Sau khi đã tạo ra Mac, Jobs vẫn luôn muốn giữ số lượng nhân viên ở trong khoảng đó bởi ông cho rằng điều này sẽ khiến nhóm làm việc tập trung và hiệu quả hơn.
 
 
12. Không thăng chức bừa bãi cho nhân viên
 
Tại hầu hết các công ty, khi một nhân viên hoàn thành tốt công việc của họ, họ sẽ dễ dàng được thăng chức. Nhưng với Apple thì không bởi công ty này sẽ cố gắng để nhân viên của mình làm việc ở vị trí mà họ làm tốt nhất.
 
Chẳng hạn như bạn là một nhà thiết kế giỏi nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn sẽ một nhà quản lý giỏi. Ở một công ty bình thường, bạn sẽ có thể được thăng chức lên những vị trí cao hơn nhưng tại Apple thì điều đó hầu như không xảy ra, bạn chỉ có thể được trả nhiều lương hơn để vẫn làm công việc đó. Đây là một trong những triết lý hay của Apple mà các công ty khác nên áp dụng.
 
13. Kiểm soát tốt thông tin
 
Bộ phận PR của Apple rất nổi tiếng với giới truyền thông bởi họ rất kín tiếng và rất ít khi trả lời báo chí. Và nếu có thì họ luôn sử dụng những ngôn từ ngắn gọn nhưng dễ hiểu với báo chí và người dùng. "Táo khuyết" không muốn những thông tin của mình bị báo chí soi mói nhiều.
 
 
14. Đặt thiết kế lên hàng đầu
 
Hầu hết các công ty khác, khi phát triển một sản phẩm mới, họ thường bắt đầu với ý tưởng, kế hoạch marketing sau đó mới bàn đến thiết kế nhưng Apple thì lại làm điều ngược lại: Các nhà thiết kế sẽ phác thảo sản phẩm lên những tấm bìa khi đã thống nhất về thiết kế, Apple mới bắt đầu nghĩ đến các thứ khác. Họ cho rằng thiết kế tốt sẽ gây ấn tượng mạnh với người mua hàng hơn là những thứ khác.
 
 
15. Khách hàng là quan trọng nhất
 
Đây chính là điều quan trọng nhất của Apple, họ tạo ra sản phẩm và làm cho người dùng thích nó. Khi người dùng đã cảm thấy thích sản phẩm của họ tức là họ đã thành công và tất cả những thứ còn lại sẽ tự động đi theo đúng quỹ đạo của chúng.