Nhịp sống số

Nhân tài bắt đầu tháo chạy khỏi Yahoo!

Một trong số những thách thức mà “người hùng Internet một thời” Yahoo! gặp phải hiện nay là phải bổ sung những nhân vật như Greg Cohn vào đội ngũ nhân sự.

  • Carol Bartz thôi giữ chức CEO Yahoo sau 32 tháng tại nhiệm
  • Yahoo! Việt Nam đau đầu chuyện bị bạn đọc “xả bậy”
  • Yahoo – Trôi dạt về đâu?


Báo Wall Street Journal cho biết, Cohn gia nhập Yahoo! cách đây 6 năm với tư cách một chiến lược gia về kinh doanh. Dần dần, Cohn thăng chức lên vị trí đảm nhiệm phát triển doanh thu từ những sáng kiến mới của công ty. Cohn cho biết, ông vẫn tin là Yahoo! có một tương lai tốt và hiện đang có đội ngũ lãnh đạo mạnh nhất kể từ khi ông đầu quân cho công ty này.

Mặc dù vậy, tháng 10 vừa qua, Cohn vẫn quyết định rời Yahoo! để thành lập một công ty công nghệ của riêng mình.

“Nếu công ty không thể phát triển, không đem đến cho nhân viên những công việc mang tính thử thách, không thực hiện được lời hứa về tăng thu nhập cho nhân viên ở một trong những thời kì sôi động nhất của thị trường công nghệ trong lịch sử hiện đại, và nếu nhân viên không tin ở khả năng đạt được các mục tiêu của công ty trên diện rộng, thì thách thức sẽ xảy đến với công ty”, Cohn nói về khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám” đang diễn ra ở Yahoo!.

Nhận định của Cohn còn cho thấy thế tiến thoái lưỡng nan mà những nhân viên trung thành của Yahoo! đang gặp phải giữa lúc tương lai của công ty này rơi vào trạng thái “treo”. Từng là công ty Internet hung mạnh hàng đầu, Yahoo! giờ đuối sức rõ rệt trước những đối thủ nặng kí như Google, Facebook… và đứng trước nguy cơ phải “bán mình”.

Kể từ khi Yahoo! sa thải nữ Giám đốc điều hành (CEO) Carol Bartz vào tháng 9 vừa qua, Hội đồng Quản trị công ty đã cân nhắc nhiều lời chào mua cổ phần kiểm soát từ các công ty đầu tư cổ phần vốn tư nhân. Những toan tính này diễn ra ngay cả khi Yahoo! đang trong quá trình tìm kiếm một vị CEO mới.

Thời gian này, các nhà lãnh đạo Yahoo! như CEO lâm thời Tim Morse, Giám đốc sản phẩm Blake Irving hay Giám đốc thị trường Mỹ Ross Levinsohn vẫn miệt mài làm việc như thường để thúc đẩy việc đưa ra các dịch vụ mới và thu hút thêm khách hàng quảng cáo.

Tuy nhiên, nhiều người trong đội ngũ nhân lực lên tới gần 14.000 người của Yahoo! lại đang tìm kiếm những cơ hội khác, khi mà tâm lí nói chung trong công ty ngày càng đi xuống. Các cuộc trò chuyện của phóng viên Wall Street Journal với một số nhân viên cả cũ và mới của Yahoo! cũng như các công ty chuyên về tuyển dụng đã cho thấy điều này.

Nguồn tin thân cận tiết lộ, tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn diễn ra với tốc độ chậm rãi nhưng đều đặn ở Yahoo! trong mấy tháng gần đây. Lãnh đạo Yahoo! thậm chí đã lường trước sự ra đi của một loạt nhân viên sau kì nghỉ lễ và thưởng cuối năm nay.

Riêng trong mấy tuần qua, ngoài Cohn, nhiều nhà quản lí và kĩ sư lâu năm đã quyết định đưa Yahoo! vào vị trí “ông chủ cũ”, bao gồm một Phó chủ tịch phụ trách thị trường Mỹ Latin và Giám đốc ủy thác - người chuyển sang làm việc cho đối thủ Google ở mảng các vấn đề bảo mật cho mạng xã hội Google+. Nhiều người trong số này quyết định rời đi bất chấp việc số cổ phiếu Yahoo! mà đang nắm giữ phải mất một thời gian nữa mới được phép bán ra.

Chuyện chật vật mới giữ được nhân tài không phải là mới ở Yahoo!, nhưng lần này, công ty còn phải đương đầu với sức hấp dẫn từ thị trường đang rất “nóng” ở Silicon Valley. “Nếu anh gọi cho 9 người ở Yahoo!, thì cả 9 người họ đều gọi lại cho anh”, ông Ed Zschau, một nhà tuyển dụng cho hay.

Gần đây, Yahoo! đã thực hiện một số biện pháp nhằm cải thiện tâm lí cho nhân viên, như tổ chức bữa tối vào ngày thứ Ba tại trụ sở của công ty ở Sunnyvale, California. Các bữa ăn này được tổ chức sau khi nhân viên Yahoo! phàn nàn rằng họ không được hưởng chế độ khuyến khích gì khi làm việc muộn, vì khi đó nhà ăn của công ty đã đóng cửa. Người đồng sáng lập Yahoo! David Filo còn gặp gỡ với nhân viên ở các buổi đào tạo nội bộ để hỗ trợ cho các dự án - một công việc mà trước đây ông từng làm.

Trong những cuộc họp tổ chức gần đây, CEO lâm thời của Yahoo! Morse đã nói với nhân viên rằng, các đối tác bên ngoài đang đánh giá cao các mảng hoạt động của công ty, đồng thời tổ chức họp hàng tuần với nhóm lãnh đạo chủ chốt, thay vì họp hàng tháng như cựu CEO Bartz vẫn làm.

Cũng theo các nguồn tin thân cận, ngay sau khi CEO Bartz bị sa thải, ông Morse đã ghi hình một đoạn video để phát nội bộ cho nhân viên. “Những thay đổi và biến động bên ngoài đi cùng với những thay đổi đó không bao giờ là chuyện dễ dàng. Thật chẳng mấy dễ chịu khi đọc những bài báo người ta viết. Nhưng đây là những thời khắc để công ty và những người làm việc cho công ty kiểm tra mức độ gắn bó”, ông Morse nói trong đoạn băng nội bộ nói trên.

Các thành viên Hội đồng Quản trị của Yahoo! cũng giữ liên lạc thường xuyên với đội ngũ nhân viên. Cuối tháng 9 vừa rồi, hai thành viên Hội đồng Quản trị gửi e-mail cho nhân viên nói rằng, công ty và các nhà tư vấn đang “trả lời các câu hỏi từ nhiều đối tác quan tâm tới một số lựa chọn tiềm năng”. Bức e-mail cũng nói thêm rằng, Yahoo! cần “thúc đẩy các sáng kiến” và “khơi lại nguồn cảm hứng”.

Hiện Yahoo! đang tiếp tục tích cực tuyển dụng nhân sự cho đội ngũ quảng cáo, biên tập viên trang web, kĩ sư công nghệ thông tin… Một số nhân viên lâu năm cho hay, họ vẫn hài lòng với Yahoo! và nhấn mạnh việc Yahoo! là một trong những trang có lượng truy cập lớn nhất, với 700 triệu người truy cập mỗi tháng.

Nhưng điều này có thể sẽ là không đủ để làm tất cả mọi nhân viên Yahoo! hài lòng. Một nhà tuyển dụng ở Silicon Valley tiết lộ, trong vòng 3 tháng trở lại đây, đã có trên hai chục nhân viên của Yahoo!, bao gồm vài phó chủ tịch của công ty này, kết nối với ông trên trang LinkedIn để phát tín hiệu họ sẵn sàng đàm phán cho một công việc mới.

Ông Cohn, nhân viên cũ của Yahoo!, cho rằng, sắp tới công ty này sẽ có một số dự án tốt, nhưng những bất ổn xung quanh Yahoo! hiện nay đã trở thành “mối lo của những người đặt sự quan tâm vào sự ra đời thực sự của sản phẩm mới”. Theo Cohn, điều Yahoo! cần làm lúc này là cần có một chiến lược mạnh tay hơn để giữ nhân tài, vì “những sáng kiến thực sự khó được đưa ra trong một môi trường như thế”.

Theo VnEconomy