Với nhiều người trong chúng ta, nhà vệ sinh là một cái gì đó tất yếu phải có nhưng với nhiều người dân ở các nước kém phát triển, việc xây một nhà vệ sinh dội nước, đủ điều kiện đưa chất thải an toàn ra môi trường là một điều hết sức khó khăn vì nguồn nước khan hiếm và xây hệ thống nước dội rất phức tạp, tốn nhiều tiền. Kỹ sư môi trường Deshusses đến từ đại học Duke, Mỹ đã phát triển một kiểu nhà vệ sinh mới có khả năng đốt các mầm bệnh trong chất thải mà vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân và vệ sinh môi trường.
Nguyên tắc hoạt động của nhà vệ sinh này là các chất thải được đưa trực tiếp vào bồn chứa thường làm từ nhựa PVC. Sau đó, các vi khuẩn yếm khí trong bồn sẽ phân hủy các chất thải hữu cơ và tạo sản phẩm phụ là khí metan. Thay vì thải ra không khí như các nhà vệ sinh tự hoại truyền thống, vừa lãng phí vừa gây ra hiệu ứng nhà kính, lượng khí metan này sẽ được dùng để thiêu hủy các mầm bệnh trong chất thải. Ngoài ra, thức ăn thừa hoặc xác động vật cũng có thể được thêm vào để sản sinh ra nhiều khí metan hơn.
Theo Deshusses, mỗi hộ gia đình chỉ cần bỏ ra dưới 100 đô la và một ngày công là có thể xây được một hệ thống xử lý chất thải an toàn. Kiểu nhà vệ sinh mới này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân ở các vùng kém phát triển khỏi các bệnh vốn chủ yếu được gây nên bởi ô nhiễm nguồn nước như viêm gan, kiết lỵ, mắt hột, thương hàn và dịch tả.
Dự án này đã nhận được số tiền tài trợ 100.000 đô la Mỹ từ quỹ Bill and Melinda Gates, một quỹ giúp đỡ người nghèo có cuộc sống khỏe mạnh và chất lượng hơn. Số tiền sẽ được dùng vào việc hoàn thiện hệ thống và thí nghiệm trong khoảng thời gian 18 tháng trước khi áp dụng rộng rãi.